Chuyện đời sống Hà Nội 1979 (Kỳ 1)Vương Trí Nhàn
19-2-2024
Tiengdan
25/02/2024
Lời dẫn
Mấy năm 1979-1982 quả là đặc biệt trong đời sống xã hội, nên mặc dù chỉ quen ghi chép về các sinh hoạt trong giới văn học, trong năm ấy, đôi lúc – nghĩa là tùy hứng – tôi cũng thường “vào sổ” các sự kiện hàng ngày được nghe được biết trong sổ tay.
Tôi ghi một cách thật gọn và không kèm theo bình luận. Còn chính xác đến đâu thì quả thật không biết và đến nay lại càng không biết.
Lọc lại một số đoạn ghi năm ấy như bạn đọc sẽ đọc dưới đây, tôi hiểu mình thực ra vẫn chỉ làm việc theo hướng suy nghĩ lâu nay, mong từ cái nhỏ hiểu ra cái lớn và lấy quá khứ để giải thích hiện tại.
4/5
Ngày Phật đản. Những người tu hành vẫn có nét mặt hệt như mặt người ngoài đời mà tôi vẫn gặp. Sao ở giữa cảnh đèn nhang nghi ngút của chùa Quán Sứ, giữa bao nhiêu cụ bà thành tâm cúng vái, lại thấy một vị sư tuổi còn thanh niên, có nét mặt trông như một trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng nào đó, mà tôi từng thấy ở các mặt trận.
Ghi sao cho hết những kinh hãi về xã hội chung quanh. “Sự cuồng nhiệt muốn làm người Việt Nam” – hình như có lúc, một người nước ngoài thấy cung cách sống của những người dân đất này đã thốt lên như vậy. Tôi hiểu lúc nhìn chúng ta sống, một cái gì cuồng dại trong người họ bị đánh thức. Nay tôi cũng đang có cảm giác đó. Ngoài đường, lúc nào cũng ngàn ngạt những người. Những đám đông xếp hàng không nhúc nhích… Cướp giật, phe phẩy… Xa hơn nữa, lính đánh nhau ở Cămpuchia, đánh thắng ghê gớm. Nơi tưởng như đã rệu rã cả, sao người ta vẫn làm được một việc gì đó.
Mỹ bảo có hai vạn người xin di tản trong khi ta nhận có 29 người (?). Ông Lê Đức Thọ than vãn chưa bao giờ ta thấy mất chủ quyền như lúc này. Ông Tố Hữu tuyên bố sẽ cho người đi học về Khoa học xã hội.
Khối Sep tố cáo ta là tự cô lập về chính trị, mà cũng là cơ hội. Ông Tố Hữu sang làm việc không được những người xứng đáng đón tiếp. Có tin ông này sẽ đi làm bí thư thành uỷ Sài Gòn.
5/8
Tàu trên 5 tuyến đường bị tắc. Trừ có tàu Thống Nhất.
Ngành đường sắt giải thích hết than.
Tin vỉa hè: 1F của Hà Nội chuyển sang Bắc Lào làm đường băng máy bay.
V. Anh-giáo viên trường Chu Văn An: Học trò bây giờ lưu manh không thể tưởng. Nhiều giáo viên đang bàn không biết vài năm nữa, có tập họp chúng nó thành lớp được không nữa cơ.
Vấn đề không phải là 1-2 học sinh. Mà là một nếp nghĩ của cả một đám đông ở lớp ở trường.
Tôi hỏi Đăng có phải bọn em cho rằng tất cả người lớn đều xấu phải không?
Đăng bảo nhưng mà người xấu đến 70-80%.
6/8
Báo Nhân Dân đăng tin chính phủ quyết nghị cho tự do kinh doanh mặt hàng nhà nước không quản lý. Giá cả do người bán và người mua tự thu xếp.
Lần đầu tiên có một chính sách kiểu này.
Thời gian gần đây, một tù chính trị nhảy vào Đại sứ quán Anh. Những người phiên dịch ngăn lại, nhưng những người trong ĐSQ bảo đây là đất Anh. Người kia không xin cư trú chính trị, mà chỉ nhờ nước Anh nói với thế giới về tình hình tù chính trị ở ta ra sao.
Ở Sài Gòn, có một số vụ biểu tình đòi nhân quyền. Đài báo thường có tin Toà án nhân dân các tỉnh thành phố xử án bọn tổ chức di tản.
Từ tháng 6/1978, đã có những người miền Bắc trốn ra nước ngoài (nhân vụ Hoa Kiều, làm giấy tờ giả) gửi thư về. Trong số đó, có cả những diễn viên như Giáng Hương ở Đoàn Kịch nói Trung ương.
Khoảng cuối tháng 7 báo Nhân Dân có đăng một mẩu thời sự đại ý nếu cụ Khổng mà sống lại thì cũng phải than rằng các hảo hán đã giết hết các nhân tài rồi.
Trong tháng 7, có đăng bài của Phạm Hồng (?): Trung Hoa hai mặt, trong đó, tố cáo nhiều thói xấu của cái gọi là Chủ nghĩa Cộng sản phương Đông
Một bài báo Tây Đức nói sở dĩ có tình trạng người Việt Nam di tản như hiện nay là do phương Tây quá yếu đuối; chúng ta xuống đường trong những năm chiến tranh Việt Nam cũng vì ta quá yếu đuối; giờ ta phải trả giá cho yếu đuối đó. Người cộng sản bao giờ cũng có tính mục đích rõ rệt.
Nhận xét của một chuyên gia Liên xô về Việt Nam:
– Ở đây, người ta có thể làm việc nào đấy, mà không hiểu tí gì về công việc ấy, không thích thú gì với công việc ấy, không được huấn luyện bao giờ.
– Không ai kiểm tra ai cái gì hết.
– Tất cả mọi người đều biết tình trạng tồi tệ hiện nay, nhưng tất cả đều mặc kệ.
Nhận xét của các chuyên gia cao cấp ở lớp học của các bộ trưởng:
– Giải phóng xong, ta biến cả miền Nam thành kẻ thù.
– Trong những ngày qua, ta gần như coi cả thế giới là kẻ thù.
– Hẳn đến ngày nào đó, cả Liên Xô cũng trở thành kẻ thù của ta luôn thể.
10/8
Ông Phan Hiền thứ trưởng ngoại giao nói trước VTV: Mỹ đòi ta hạn chế người di tản vào một thời gian nào đó. Ta trả lời làm ngay thế nào được. Cũng như một vòi nước hỏng, thì còn cũng phải đợi tính, mới biết bao giờ thì xong chứ.
14/8
Đang có tin đồn: Liên Xô họ bảo những vai trò chủ chốt ở ta còn nhiều phần tử mao-ít. Bài ông Tố Hữu nói ở hội nghị công tác tư tưởng, cũng chỉ nói là chống bọn bành trướng Bắc Kinh mà không nói chống tư tưởng Mao Trạch Đông.
Trong Báo cáo chính trị ở đại hội 4, không hề nói tới nguyên nhân thắng lợi là sự giúp đỡ của các nước anh em. Đó là vì lúc đó, ta cho ta sang rồi, lên cỡ cường quốc, có thể ngồi cùng chiếu với Liên Xô rồi. Khiếp!
Luôn luôn thấy có những câu dặn dò đại loại:
– Anh Đồng bảo đừng có nghĩ thế này là mình biến thành một thứ vườn sau của Liên Xô.
– Anh Tố Hữu bảo ta vào khối Comecom rồi, đã vào thì phải vào cả thể xác lẫn linh hồn. Đừng nên nghĩ rằng như thế là Liên Xô thít thòng lọng vào cổ ta.
Các nước tư bản đang tìm cách đánh vào Đảng ta về mặt văn hoá. Bao nhiêu đảng viên khá Đảng dành cho đi các tư bản, nay nó cắt hết học bổng, viện cớ là ta không bảo đảm nhân quyền.
Ông Tố Hữu bảo tôi không thích mấy bài nói về học sinh đi thi toán gần đây. Có vẻ sô – vanh nước lớn lắm.
Ông Nguyễn Kiên thủng thẳng đế thêm là nước này nhận ra cái đó cũng đã lâu, nhưng từ chỗ nhận ra đến chỗ sửa còn lâu hơn. Từ mấy năm nay, tôi đi họp tuyên huấn, đã nghe phê phán. Rằng ta tuyên truyền rất vụ lợi. Chỉ có những gì thế giới làm có lợi cho ta thì ta tuyên truyền. Phải bỏ lối ấy đi. Thế mà có bỏ được đâu.
Chính Yên (báo Nhân Dân) tâm sự:
– Viết bài tuyên truyền gì bây giờ cũng cảm thấy phạm tội. Đúng là mặc cảm sau một thời viết báo ca ngợi. Tôi thấy nói Mỹ đưa ta về thời đồ đá cũng đúng. Về vật chất nó đưa ta về thời đồ đá. Về tinh thần, nó đưa ta về thời đồ đểu.
Một người hơn 40 tuổi bị chèn xe máy gãy tay, không kêu gì.
– Tôi đã sống qua ba chế độ. Đấy là tôi muốn giữ nguyên bản chất chế độ cũ của tôi, thì tôi để nguyên. Vì tôi vốn mê tín, ở hiền gặp lành. Còn nếu tôi phát huy con người XHCN của tôi, thì tôi đã rạch mặt ăn vạ rồi.
Người Trung quốc về nước. Vùng Trà Cổ giờ gồm nhiều xã dân ở đồng bằng ven biển đi ra thế chỗ. Bước chân con người chệnh choạng trên mảnh đất mới, mảnh đất của nước mình mà nay mình mới biết.
Nhưng đó mới là đám tiền trạm. Đám sau đến Hải Phòng bỗng có lệnh còn phải chờ không được đi vội. Sống tạm bợ, biến thành trộm cướp, ỉa đái ngay ngoài đường.
Hà Nội nghèo, các cửa hàng nhuộm đông nghịt người. Tích kê được nhuộm mua lại mỗi cái 5-6 đồng. Mà toàn hàng cũ mang nhuộm. Có người lấy cả đăng ten rèm cửa ra để làm vải may quần áo.
(Lại nhớ Nguyễn Minh Châu có lần nhận xét ở Quảng Bình, cái nịt vú của đàn bà con gái cũng làm từ vải Tô Châu, tức hàng quân nhu Trung quốc).
Các bệnh viện quá đông người. Bệnh viện St.Paul khoa nhi ba trẻ con một giường, đêm có đứa ngã xuống đất chết luôn. Không có điện, nhiều trẻ bị chết, các bà mẹ trông cả về Lăng Bác mà khóc.
Trong khi đó, một bộ phim vừa được đạo diễn Bạch Diệp làm mang tên Người chưa biết nói. Phim kể về sự săn sóc con trẻ ở chế độ ta. Hàng chục bác sĩ trông nom một người. Trẻ ăn ngon như con nhà phe phẩy. Ngày thay mấy bộ quần áo.
Cuộc sống luôn luôn quá đáng.
Cô Châm kể chuyện sinh viên trên cơ sở II ĐH Sư phạm ở Xuân Hoà:
– Đi tàu, ngồi trên nóc toa. Có lần kéo cái phanh hơi của họ, cả tàu dừng lại.
– Lên lớp, thầy không có phấn. Sinh viên kêu đói, lớp xin nghỉ luôn.
– Cơm còn thừa, mang đổi cho dân lấy củi sưởi. Từ trên gác, ròng dây xuống cho bọn trẻ con, nó nhét củi cho mình. Hoặc đổi lấy bưởi.
– Nam sinh viên không có tiền, mua bán trả bằng bút máy. Được mấy cái đầu, sau toàn nắp giả.
– Buổi chiều, sinh viên ngồi hai bên đường rải chiếu ra, uống nước với nhau, như ăn mày.
– Ra chợ, ăn cắp rất thạo. Mấy thằng mặc cả nói loạn lên, một thằng đứng cạnh đấy nhót vào bị.
No comments:
Post a Comment