Thursday, February 1, 2024

Chuyện lương thực, gạo (Kỳ 4)
Nguyễn Thông
1-2-2024
Tiengdan

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2kỳ 3

Năm 1977, tôi vào miền Nam nhận việc. Nhiều lần ngang dọc miền Tây Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long, thấy sự làm ruộng, trồng lúa, làm ra hạt gạo khác hẳn ngoài Bắc. Ruộng đồng bát ngát, phì nhiêu, thời tiết khí hậu cực kỳ thuận lợi, người trồng lúa làm ruộng cứ như chơi.

Vẫn biết, vẫn hiểu, có được vậy là do điều kiện “trời cho”, nhưng càng thèm sự nhẹ nhàng, thong thả ấy, lại càng thương thày bu mình, bà con mình nông thôn ngoài quê mình. Ở đây chả gieo mạ nhổ mạ, cấy kiếc chi sất, cứ căn vào con nước mà sạ lúa, cũng chẳng phải tát nước làm cỏ gì.

Tôi hỏi ông cậu vợ, ở xã Bình Phước Xuân, cù lao Giêng (huyện Chợ Mới, An Giang), sao không gieo mạ mà cấy cho đỡ tốn thóc giống? Ông cười, ai mà bày vẽ bây ơi, đờn bà trong này chỉ đi gặt thôi, đâu biết cấy, chẳng mạ miếc chi hết. Ngay bọn thanh niên kia, khi cần thì kêu nó kéo dây chạy máy bơm tưới rẫy, thuê máy gặt, chúng đâu biết nhổ mạ tát nước như bọn bay ngoài đó, rảnh thì kéo nhau đi cà phê đàn đúm nghe cải lương vọng cổ Bạch Tuyết, Thanh Sang, Út Trà Ôn thôi. Ổng vừa nói vừa chỉ tay vào thằng con cùng tuổi tôi, nó cười đắc chí. Tôi thầm nghĩ, chắc tuổi thơ nó sướng hơn mình nhiều, dù cũng ở nông thôn, chỉ khác là nông thôn miền Nam hay miền Bắc.

Vậy nhưng, ngay những điều ông cậu kể, vào lúc kể ấy, cũng đã thành ký ức. Ông chỉ nhớ lại ngày đã qua. Người ta đang thực hiện rốt ráo việc ép nông dân miền Nam vô tập đoàn (một dạng hợp tác xã quy mô nhỏ) để sau đó triển khai hợp tác hóa như miền Bắc. Cả nước phải cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội cho khí thế. Cán bộ thì hăng hái, dân không mặn mà, nhưng cả hai đều đâu có ngờ họ đang lùi về nghèo đói, cho tới tận bây giờ.

Nhớ lại hồi thập niên 80, giờ vẫn khiếp. Vựa lúa gạo Đồng bằng Sông Cửu Long sau năm 1975, tuy bị đòn chí mạng của làm ăn mô hình tập đoàn – hợp tác xã nông nghiệp kiểu miền Bắc do chế độ mới áp đặt nhưng vẫn tồn tại, vẫn cung cấp gạo cho cả nước. Đùng một cái, chính quyền ban bố lệnh “ngăn sông cấm chợ”, cấm mọi hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh thành, kể cả gạo.

Ông anh vợ tôi kể, lúa thu hoạch xong chất đầy nhà, gạo xay xát xong để cả đống nhưng chả ma nào tới mua, không bán được cho ai. Lúa gạo ế, nên không có tiền. Ngồi trên đống lúa mà vẫn khổ. Rõ ràng gạo do nhà mình làm ra nhưng muốn đem đi đâu thì phải lên xã xin cấp cho cái giấy, họ đồng ý mới được đem, mà mỗi lần cũng chỉ mười lăm, hai mươi ký. Lên Sài Gòn thăm ông anh cả bộ đội quân khu 7, cả nhà trên ấy đang đói rã họng, ăn bo bo, củ mì, mỗi lần đi tiếp tế là một lần xin giấy.

Có lần nghe ông em kể lể nỗi đoạn trường chuyển gạo, ông anh cả sĩ quan có súng, cáu tiết bảo, tao mà gặp chúng nó, tao bắn bỏ, muốn ra sao thì ra. Suốt gần chục năm trời, tình trạng ngăn sông cấm chợ không chỉ khiến Sài Gòn sống dở chết dở, mà còn làm cả miền Tây Nam Bộ vốn no đủ, sung túc, ngày càng nghèo đói, lụi tàn.

Đã nhắc tới chuyện Bắc – Nam thì cũng nên biên thêm điều này: Cách gọi, đặt tên về lúa gạo ở hai miền. Miền Bắc gọi tên khá tỉ mỉ, rạch ròi. Lúa thì có lúa tẻ, lúa nếp, từ đó có gạo tẻ, gạo nếp. Trước khi cấy lúa thì có cây mạ, được gieo mọc lên từ hột thóc. “Mạ non bầm cấy mấy đon/ Ruột gan bầm lại thương con mấy lần”. Theo thời tiết miền Bắc, có hai vụ, lúa mùa và lúa chiêm. Lúa mùa vào mùa hè – mùa thu, còn gọi là vụ hè thu; lúa chiêm vào mùa đông – mùa xuân nên có tên vụ đông xuân. “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”.

Khoảng thời gian giữa các vụ, khi thóc vụ trước đã cạn mà thóc vụ sau chưa có, tháng 3 và tháng 8 (ta) thì có thành ngữ tháng ba ngày tám, còn có tên giáp hạt. Lúc ấy, đói lắm. Nông dân, nhất là thời xã viên hợp tác xã, rất sợ giáp hạt. Lúa cấy được khoảng tháng rưỡi thì làm đòng. Đòng là bông lúa non ngậm sữa. Đám chúng tôi hồi bé hay lẻn ra đồng trộm đòng đòng để ăn, nhai cả lá non lẫn hột thóc non. Biết vậy là bậy nhưng một phần đòng đòng rất… ngon (như ta ăn rau sống vậy), phần vì đói quá.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment