Wednesday, December 20, 2023

VNTB – Tỉ lệ vị thành niên phạm tội tăng cao
Dân Trần
20.12.2023 9:37
VNThoibao



(VNTB) – Học sinh hư, tội phạm vị thành niên tăng cao nhưng người lớn lại đủn đẩy trách nhiệm cho nhau: nhà nước đổ cho nhà dân, nhà dân đổ nhà trường, nhà trường đổ cho xã hội

 Thành phố đáng sống nhưng trẻ vị thành niên cầm súng, mã tấu chạy đầy đường


Công an Đà Nẵng vừa đưa ra một thống kê đáng báo động rằng từ đầu năm đến nay, có 4.000 trường hợp vi phạm pháp luật được phát hiện, 1.481 đối tượng được bàn giao cho công an cơ sở xử lý. Trong số đó có đến 696 trường hợp dưới 18 tuổi (chiếm 46,8%), chủ yếu vi phạm về giao thông, lỗi phương tiện, an ninh trật tự và ma tuý.

Theo công bố của công an Đà Nẵng số lượng tội phạm dưới 18 tuổi có chiều hướng tăng. Sáu tháng đầu năm, có đến 88 vụ, với 279 người dưới 18 tuổi phạm pháp, tăng 27 vụ và 76 trường hợp so với năm 2022.

Tính chất, mức độ phạm pháp của thanh thiếu niên không chỉ đơn thuần là trộm cướp, gây rối, đánh nhau mà còn tập trung ở nhóm hành vi đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí giết người. Hung khí trong các vụ án ngày càng có tính sát thương cao, không chỉ mã tấu, dao phóng lợn còn có cả súng đạn.

Ở Hải Dương, chỉ tinh riêng tội gây rối trật tự công cộng, trong thời điểm từ ngày 1.5.2022 đến 30.4.2023, Viện KSND hai cấp ở Hải Dương đã kiểm sát thụ lý giải quyết là 18 vụ với tổng số 388 người. Trong đó, có 349 người dưới 18 tuổi tham gia (chiếm 90%), số người dưới 16 tuổi là 93 người. Cơ quan cảnh sát điều tra công an hai cấp ở Hải Dương đã khởi tố điều tra 18 vụ, với 268 bị can; trong đó, số bị can dưới 18 tuổi là 236 bị can (chiếm 88% tổng số bị can).

Đà Nẵng và Hải Dương chỉ là hai ví dụ điển hình. Đặc biệt, từ lâu nay, Đà Nẵng vốn được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, nhưng tỉ lệ vị thành niên cao ở mức báo động như vậy. Thử hỏi những thành phố khác sẽ như thế nào?

Người lớn đổ lỗi cho nhau

Cũng theo thống kê của các cơ quan chức năng, thành phần thanh thiếu niên phạm pháp hầu hết là nhóm trẻ em bỏ học từ sớm, bỏ nhà lang thang, gia đình bỏ mặc. Dẫn tới các em có các mối hệ xã hội phức tạp và hầu hết có quan hệ với đối tượng tiền án, tiền sự, sử dụng chất kích thích, ma túy…

Tuy nhiên, các em học sinh đang đến trường cũng thường xuyên xảy ra tình trạng bạo lực. Thậm chí cả lớp học bao vây đánh lại cô giáo như trường hợp ở Tuyên Quang vừa qua. Điều này cho thấy rất rõ rằng một thế hệ trẻ đang tha hoá, côn đồ và lưu manh hoá trầm trọng.

Vấn đề xã hội nghiêm trọng như vậy, nhưng cách giải quyết thì không có, chỉ biết đùn đẩy lẫn nhau. Đại diện phía nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây thì cho rằng bạo lực học đường là do tác động từ văn hoá ứng xử, văn hoá trên không gian mạng. Vì vậy bộ GD&ĐT cho rằng đây là trách nhiệm của toàn xã hội.

Trong khi đó, phía xã hội, người dân, gia đình thì cho rằng kinh tế đi xuống, cha mẹ, phụ huynh bận kiếm tiền đóng học phí, nuôi con ăn học, nên không có thời gian dạy dỗ con cái. Vì vậy gia đình đổ trách nhiệm giáo dục lên cho nhà trường, giáo viên.

Còn nhà trường thì lại cho rằng giáo viên, chỉ chịu trách nhiệm truyền đạt kiến thức, theo dõi học sinh trong không gian trường học, lớp học. Còn học sinh ra khỏi cổng trường thì nhà trường không chịu trách nhiệm, mà đó là nhiệm vụ của gia đình, xã hội.

Trao đổi với phóng viên VNTB, chị Q.N, một nhà vận động nhân quyền cho rằng vấn đề học sinh hư, thiếu niên phạm pháp là do hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý xã hội chưa hiệu quả. Mối liên kết giữa các bên không chặt chẽ, không quan tâm và không có biện pháp can thiệp sâu hơn về vai trò của gia đình, địa phương, nhà trường và các cơ quan đoàn thể. Dẫn tới không thể bảo vệ, giáo dục, rèn luyện đạo đức, và uốn nắn học sinh hư.


 

No comments:

Post a Comment