Sunday, December 24, 2023

VNTB – Nhà nước bắt hết người phản đối để thoải mái tăng phí BOT
Cảnh Chân
25.12.2023 1:12
VNThoibao


(VNTB) – Những người phản đối việc thu phí BOT bất hợp lý như Trương Châu Hữu Danh, nhóm Báo Sạch, Phạm Hà Nam, Đặng Thị Huệ đều đã hoặc đang bị giam giữ. Bây giờ Cộng sản ngang nhiên tăng phí BOT mà chẳng ai dám lên tiếng nữa.

 48 trạm BOT sẽ tăng phí

Từ 0h ngày 29/12, 48 trạm thu phí BOT sẽ tăng phí khoảng 15-18% so với hiện nay, như trạm Nam Cầu Giẽ (Hà Nam) tăng thêm 4.000-20.000 đồng tùy loại xe. Xe dưới 9 chỗ qua cao tốc Hà Nội – Hải Phòng phải trả phí cao hơn 5% (từ 2.000 đồng/km lên 2.100 đồng) và tăng 22.000 đồng khi qua hầm Đèo Cả (từ 88.000 lên 110.000 đồng). (1)

Trên Quốc lộ 1 có 25 dự án BOT sẽ tăng phí gồm đoạn Hà Nội – Bắc Giang, tuyến tránh Phủ Lý (Hà Nam), đoạn Nghi Sơn – Cầu Giát (Thanh Hóa), cầu Bến Thủy, đoạn tránh Đồng Hới… Theo Cục Đường bộ Việt Nam, với phương án tăng phí sử dụng cầu đường đề xuất, giá cước vận tải trên các tuyến đường BOT sẽ tăng 0,2-1,4% so với hiện tại.

Việc tăng phí này chắc chắn sẽ khiến giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng cao, nhưng vẫn không bù lỗ cho các dự án BOT được. Hồi tháng 5 năm nay, bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã kiến nghị chính phủ bố trí 10.340 tỷ đồng để mua lại 8 dự án BOT đang gặp vướng mắc, thua lỗ. (2)

Đây chỉ là 8 dự án đã được bộ GTVT kiến nghị mua lại. Những dự án đang trên bờ vực thua lỗ hoặc đối diện nguy cơ thua lỗ vẫn còn rất nhiều, nhưng chưa được xem xét.

Bình luận về về việc thua lỗ này, anh Q.T., một tài xế nói với phóng viên VNTB: “Tôi thấy việc đặt các trạm BOT có nhiều điểm bất hợp lý, giống trạm BOT Cai Lậy, mà tiền thu vô thì quá cao, nhưng đường thì hư tới hư lui chứ có bền tốt gì đâu. Việc tăng thu phí mà các trạm vẫn lỗ tới hàng ngàn tỷ thì phải coi lại cơ chế quản lý, tham ô tham nhũng, cần phải minh bạch số tiền này thì người dân mới tin tưởng ủng hộ được”.

Phong trào phản đối BOT mạnh mẽ giai đoạn 2017-2019

Năm 2018 là cao điểm của việc người dân lên tiếng phản đối nhà nước đặt các trạm BOT bất hợp lý. Hầu như mỗi tuần đều có những vụ biểu tình của các tài xế từ Bắc vào Nam để yêu cầu nhà cầm quyền dẹp bỏ những trạm BOT này. Các tài xế đã dùng nhiều cách thức khác nhau để bày tỏ quan điểm của mình.

Hồi tháng 12/2018, các tài xế đã tập trung tại trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài với nhiều băng rôn, khẩu hiệu phản đối cho rằng vị trí của trạm này là bất hợp lý trong nhiều năm qua. Thậm chí, các tài còn tự dựng lều để nghỉ ngơi trong quá trình phản đối, một số người bám trụ tại đây cả ngày lẫn đêm để quyết tâm lên tiếng vì quyền lợi của người dân. (3)

Tại BOT Cai Lậy (Tiền Giang) quá trình đấu tranh của các tài xế nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân. Các tài xế đã có nhiều sáng kiến như sử dụng tiền lẻ để trả cho trạm hoặc bỏ tiền vào chai nước để đưa cho nhân viên thu phí. Việc này sẽ gây mất thời gian cho việc kiểm đếm tiền, buộc ban quản lý BOT phải xả trạm để không bị kẹt xe.

Các hình thức phản đối này đã có nhiều hiệu quả và lan toả đi khắp cả nước. Khiến cho giai đoạn 2017-2018-2019 trở thành một giai đoạn không thể quên trong phong trào đấu tranh “chống BOT bẩn” của giới tài xế.

Cứ ai phản đối là bắt hết

Chính hiệu quả nên nhà cầm quyền phải dùng mọi cách đàn áp phong trào này để bảo vệ quyền lợi cho họ. Rất nhiều nhà hoạt động nổi bật trong giai đoạn này đã bị bắt giam để “giải cứu” các trạm BOT.

Đầu năm 2019, nhóm anh Hà Văn Nam và những người tham gia phản đối nhiều trạm thu phí BOT bất hợp lý, bị bắt tạm giam theo thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Công an cáo buộc có hành vi ‘Gây rối trật tự công cộng tại trạm thu phí BOT Phả Lại trên tuyến QL 18 địa phận xã Đức Long, Quế Võ, Bắc Ninh theo Điều 318 BLHS’.

Sau đó toà án nhân dân huyện Quế Võ (Bắc Ninh) tuyên phạt: Nguyễn Quỳnh Phong 36 tháng tù; Hà Văn Nam, Lê Văn Khiển cùng nhận mức án 30 tháng tù; 4 người còn lại là Vũ Văn Hà, Nguyễn Quang Hùng, Nguyễn Tuấn Quân lãnh từ 18 tháng đến 24 tháng tù cùng về tội gây rối trật tự công cộng. (4)

Sang năm 2020, Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã tuyên phạt Đặng Thị Huệ 18 tháng tù và Bùi Mạnh Tiến 15 tháng tù cùng về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318, khoản 1 – Bộ luật Hình sự năm 2015. Hai người này tham gia phản đối trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài bằng cách không mua vé qua trạm, gây ùn tắt giao thông. (5)

Ngoài ra, nhóm Báo Sạch của Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Lê Thế Thắng, cũng đã bị TAND huyện Thới Lai, TP Cần Thơ tuyên án tổng cộng 14 năm 6 tháng tù. Nhóm này đã tham gia phản đối trạm BOT Cai Lậy trong suốt một thời gian dài, với nhiều hoạt động hiệu quả, tạo tiếng vang lớn. Nhưng sau đó bị bắt vì điều 331, tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

“Bây giờ các tài xế, doanh nghiệp vận tải bất mãn lắm, không ai đồng ý việc tăng phí BOT của nhà nước. Nhưng cũng chỉ nói thầm với nhau chứ không dám lên tiếng phản đối mạnh mẽ như trước nữa. Vì cứ ai phản đối BOT hay các chính sách của nhà nước thì đều bị bắt giam thì sao mà dám”. Anh Q.T. nói vơi phóng viên VNTB.

____
Tham khảo:


 

No comments:

Post a Comment