Wednesday, December 20, 2023

VNTB – “Lê Lai” Trịnh Thanh Hùng
Cát Tường
20.12.2023 4:34
VNThoibao



(VNTB) – Dưới sự tham mưu của ông Trịnh Thanh Hùng, đề tài nghiên cứu kit-test Covid-19 được Bộ KHCN phê duyệt kinh phí gần 19 tỉ đồng trích từ ngân sách.

 Ngày 27-12 tới, Toà án Quân sự Thủ đô Hà Nội xét xử sơ thẩm với 7 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty Việt Á, Học viện Quân y về các tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở nước ngoài và có nguy cơ cao lây lan vào Việt Nam, Ban Giám đốc Học viện Quân y có công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) về việc đề xuất nhiệm vụ phát triển kit test Covid-19.

Từ tháng 1-2020, Trịnh Thanh Hùng khi đó là Phó Vụ trưởng Vụ KHCN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KHCN đã thông đồng với Phan Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Việt Á và Hồ Anh Sơn – khi đó là Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược quân sự thuộc Học viện quân y để đưa công ty này vào tham gia đề tài với vai trò là cơ quan phối hợp, sản xuất 20.000 kit-test thử nghiệm và sau đó để Công ty Việt Á được cấp phép và sản xuất thương mại.

Năm 2020, Bộ KHCN từng có bài viết thông tin “bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận” đăng trên website chính thức của bộ này. Sau khi vụ nâng khống giá kit-test Việt Á nổ ra vào trung tuần tháng 12-2021, Bộ KHCN đã lặng lẽ gỡ bài mà không thông báo. Đến khi báo chí, dư luận chất vấn thì ông Trịnh Thanh Hùng đại diện cơ quan này mới thừa nhận “là sơ suất của Bộ KHCN”. Đáng chú ý, chính ông Hùng tại cuộc họp báo công bố kết quả nghiên cứu, sản xuất thành công kit xét nghiệm của Việt Á đã không ngớt lời ca ngợi, cho rằng, “đây là cơ hội để xuất khẩu kit xét nghiệm của Việt Nam ra thế giới”.

Trong cuộc họp báo ngày 5-3-2020, Bộ KHCN cũng cho hay bộ kit này được WHO công nhận là “tương đương với bộ sinh phẩm do Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) và WHO sản xuất”; đồng thời khẳng định “Việt Nam trở thành một trong 6 đơn vị sản xuất được sản phẩm này, bên cạnh WHO, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Mỹ và cho rằng việc thông qua bộ kit xét nghiệm của Việt Á là một trong những thành công trong việc phòng chống Covid-19 ở nước ta”.

Dưới sự tham mưu của ông Trịnh Thanh Hùng, đề tài nghiên cứu kit-test Covid-19 được Bộ KHCN phê duyệt kinh phí gần 19 tỉ đồng trích từ ngân sách. Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp. Theo quy định, kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước, phải bàn giao cho Bộ KH-CN. Tuy nhiên, sau khi đề tài nghiên cứu đạt kết quả bước đầu, bằng việc sản xuất thành công test xét nghiệm, ông Trịnh Thanh Hùng ‘tác động’ để Học viện Quân y đề xuất nghiệm thu giai đoạn 1 – lưu ý pháp luật chỉ quy định nghiệm thu toàn bộ đề tài chứ không nghiệm thu theo giai đoạn.

Mặt khác, theo cáo trạng thì ông Trịnh Thanh Hùng còn ‘tác động’ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm định, đánh giá chất lượng kit-test, làm cơ sở cho việc nghiệm thu. Có biên bản nghiệm thu giai đoạn 1 trong tay, ông Hùng cung cấp cho Công ty Việt Á để làm hồ sơ gửi sang Bộ Y tế, xin cấp số đăng ký lưu hành. Thêm lần nữa, ông Trịnh Thanh Hùng được cho là đã ‘tác động’ đến Vụ Trang bị và Công trình y tế (nơi tiếp nhận hồ sơ của Công ty Việt Á), giúp công ty này được cấp số đăng ký lưu hành nhanh nhất.

Công tâm mà nói trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng của đại dịch Covid đang diễn ra thì các thủ tục hành chính liên quan đều xử trí theo hướng tinh giảm nhất, lấy thước đó hiệu quả của việc phòng, chống dịch làm căn bản cho mọi quyết định.

Cáo buộc sai phạm của ông Trịnh Thanh Hùng là không sai, nhưng nếu coi ông là ‘trùm cuối’ ở đại án tham nhũng này mùa dịch Covid-19 thì khó thuyết phục, mà đây bất quá cũng chỉ là ‘nhận vai’ như Lê Lai mà thôi…


No comments:

Post a Comment