VNTB – Chủ nghĩa lý lịch: ‘a-pác-thai’ chính trị cộng sảnHồng Dân
20.12.2023 4:35
VNThoibao
“A-pác-thai” ở chế độ cộng sản chính là chủ nghĩa lý lịch…
Khái niệm “a-pac-thai” (apartheid) xuất hiện từ năm 1917, là sản phẩm đặc trưng của chế độ do người da trắng Nam Phi (Africaner) nắm giữ, và phần nào là di sản của chủ nghĩa thực dân Anh từ thế kỷ 19 khi các giới chủ thực dân muốn kiểm soát sự di trú của những người da đen và da màu đến các vùng do người da trắng chiếm giữ.
Chính sách phân lập trong nền chính trị cộng sản đã loại tất cả những người không phải là đảng viên đảng cộng sản ra khỏi vị trí đứng đầu các cơ quan quyền lực. Các cá nhân trong xã hội bị phân loại theo lý lịch được gọi là thành phần cách mạng, ngụy quân – ngụy quyền, bần cố nông… Sự phân loại đó được thừa nhận về mặt pháp lý bởi chủ nghĩa lý lịch, và được xây dựng thành văn bản pháp luật để quản lý các nhóm người trong xã hội.
Trong dân lâu nay có câu đàm tiếu gồm 15 chữ C như sau: “con cháu các cụ cả, các cụ cứ chiếu cố, cấm cự cãi các cụ!”.
Nguyễn Minh Triết – bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa X – tiếp tục được hiệp thương chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 hôm 19-12-2023 là một ví dụ. Nguyễn Minh Triết là con trai út của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong truyền thống sinh hoạt cộng đồng của dân chúng, khi có não trạng gì diễn ra quá lâu, chướng tai gai mắt mà người dân cảm thấy bất lực thì thường xuất hiện các chuyện tiếu lâm hay đại để như thế. Có thể xem đây là một hiện tượng phản ứng ôn hòa mà những ai quan tâm đến dư luận, có thể xem đó là một chỉ báo để điều chỉnh hành vi.
Người ta thường biện minh vì cần bảo đảm về mặt chính trị, thế nhưng chủ nghĩa lý lịch là một hình thức phân biệt đối xử đã được hệ thống hóa. Theo chủ nghĩa đó thì tương lai của một cá nhân sẽ được đối xử là tùy thuộc vào lý lịch của cá nhân đó hay lý lịch của gia đình của cá nhân đó. Và dù thế nào thì người đó nhất thiết phải là… đảng viên đảng cộng sản.
Nhà nông học Võ Tòng Xuân từng tâm sự đầy bi ai, hài hước về “môn lý”: Một số nhà khoa học Việt kiều nói với tôi, cái gì họ cũng có thể vượt qua, kể cả khoa học nhưng riêng “môn lý” (tức lý lịch) thật sự là thử thách khó vượt. Ông Võ Tòng Xuân có kể lại một trường hợp oái oăm khi lý lịch một người có thể bị “kẹt” bởi đời… ông chú. “Ông chú anh ta thì có liên can gì tới anh ta (?!) Thật không hiểu nổi! Mình lúc nào cũng nói bài trừ phong kiến nhưng trong việc xét lý lịch thì mình lại phong kiến hơn”. Và ông khẳng định “duy lý lịch là đi ngược sự tiến bộ”.
Câu chuyện về “môn lý” là hoàn toàn nghiêm túc, phản ánh thái độ và cách nhìn nhận của người dân trước cách “nhìn về quá khứ hẹp hòi” của người cộng sản hóa ra vẫn đang diễn ra phổ biến trong xã hội.
Nhiều và rất nhiều những tài năng đã bị bỏ phí, thậm chí bị hủy hoại bởi thành phần xuất thân thời Cải cách ruộng đất hay là con em những người tham gia chế độ Việt Nam Cộng Hòa sau năm 1975. Từ đó đến nay đã có nhiều và rất nhiều ý kiến đề nghị xóa bỏ chủ nghĩa lý lịch, bao gồm cả phân biệt “đảng viên/ không đảng viên” trong phần khai lý lịch ở mục “thành phần chính trị” trong các thủ tục hành chính.
Nói nào ngay, đảng viên cũng chịu khổ bởi chủ nghĩa lý lịch. Một đảng viên đảng cộng sản Việt Nam kể rằng khi ông chuẩn bị xây dựng gia đình, theo quy định nơi công tác, cơ quan phải đi xác minh lý lịch ba đời nhà vợ của ông. Bộ phận tổ chức của đơn vị cử người đi nhiều tỉnh thành hoàn thiện hồ sơ, ròng rã cả tháng trời. Khi xác minh về một người bác vợ, ông đã nhận được tin sét đánh: “Bác từng làm đơn xin ra khỏi Đảng”.
“Bác vợ tôi vốn là một quân nhân, phục vụ trong quân ngũ cho tới lúc nghỉ hưu. Khi quá trình xác minh diễn ra, ông đã mất. Thế mà vì một quyết định cách đó hàng chục năm của ông, hôn nhân của tôi tưởng đã phải hoãn lại. May thay, đơn vị tìm được hai nhân chứng cùng thời, xác nhận bác xin ra khỏi Đảng năm 1991, chỉ vì suy nghĩ nhất thời trước sự sụp đổ của Liên xô chứ không có vấn đề tư tưởng gì khác.
Tôi sau đó vẫn được lấy vợ. Nhưng tôi biết còn có nhiều người không được may mắn như thế, phải chấp nhận sống ngoài giá thú, sinh con có cháu với người mình yêu và chờ đến khi nghỉ hưu, tóc đã bạc trắng mới lặng lẽ ra phường đăng ký kết hôn hay hợp thức giấy tờ cho các con được mang họ bố…” – ông đảng viên này ngậm ngùi nhớ lại về thứ quái quỷ ‘a-pác-thai’ chính trị của những người nhân danh cộng sản.
No comments:
Post a Comment