VNTB – Hậu VinashinHàn Lam
25.12.2023 1:13
VNThoibao
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 220/NQ – CP về kế hoạch tổ chức thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý SBIC – Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Theo đó, vào quý đầu tiên của năm 2024, Chính phủ sẽ tiến hành rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng từng doanh nghiệp; Xây dựng phương án xử lý cụ thể cho từng doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp. Trong đó, đối với Công ty mẹ SBIC và 7 công ty con là các Công ty TNHH MTV Đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTVCông nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn, rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Đối với Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm sẽ thu hồi phần vốn góp của Công ty mẹ – SBIC, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm trong quá trình phá sản Công ty mẹ – SBIC, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng theo trình tự, thủ tục của Luật Phá sản, quy định pháp luật về chuyển nhượng vốn nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Thời gian thực hiện được căn cứ phương án xử lý được phê duyệt, phù hợp với lộ trình phá sản Công ty mẹ SBIC và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng, dự kiến bắt đầu triển khai từ quý II/2024.
Một chút về “lý lịch” của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy – Shipbuilding Industries, SBIC: quyết định thành lập số 3287/QĐ-BGTVT ngày 21 tháng 10 năm 2013 do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng ký ban hành. Theo đó, SBIC là một công ty nhà nước lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực đóng tàu, với tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập hồi năm 1996.
Nếu như sụp đổ của Vinashin được cho là từ vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, vậy thì vì sao khi “thay tên đổi họ” thành SBIC vào chục năm trước, đến nay vẫn lụn bại đến mức bảo thủ như Bộ Chính trị giờ cũng đành chấp nhận là ‘chào thua’?
Một tài liệu của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương thuộc Ban Nội chính, có đoạn nhận xét như sau từ năm 2012, song cho đến nay cho thấy rất rõ là chuyện sửa chữa sai lầm vẫn tiếp tục loay hoay – trích:
“Trước hết, từ năm 2005 đến ngày được khởi tố vụ án, các cơ quan chức năng đã tiến hành 13 – 14 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát ở Vinashin, đã phát hiện nhiều sai phạm, nhưng do sự chủ quan của cấp trên, nên lãnh đạo Tập đoàn này đã không nghiêm túc chấn chỉnh mà còn tìm cách báo cáo không đúng để che dấu sai phạm.
Hai là, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc đã sai lầm trong chiến lược, có nhiều sai phạm, vi phạm trong quản lý, điều hành.
Đóng tàu biển là ngành chủ lực của Tập đoàn, nhưng Vinashin tập trung quá nhiều vào lĩnh vực đóng mới; bỏ qua, xem nhẹ khâu sửa chữa, cải tiến nâng cao chất lượng tàu thủy. Do đó, tàu đóng mới kém chất lượng, không bán được. Đầu tư vào lĩnh vực mà Tập đoàn không có kinh nghiệm (như điện, thép, tài chính…), dẫn tới nhiều dự án hiệu quả thấp; chưa hoàn thành vì thiếu vốn, gây đình trệ, lãng phí và thất thoát rất lớn.
Ba là, nhiều cán bộ quản lý có dấu hiệu tham ô, tham nhũng, tư lợi, che dấu thông tin nhưng không được phát hiện và xử lý. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã cho thấy việc đầu tư vào nhiều dự án là để trục lợi, để tham ô, bòn rút tài sản của Tập đoàn. Thẩm quyền của Tập đoàn là không giới hạn, đầu tư tài chính của Nhà nước cho Tập đoàn không có rào cản, trong khi khâu giám sát, kiểm tra buông lỏng. Tổng giám đốc, các thành viên hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty con mặc sức “hoành hành”; các giai đoạn huy động, quản lý, sử dụng vốn bị buông lỏng và vi phạm quy định của pháp luật”…
No comments:
Post a Comment