VNTB – Chậm hoàn thuế giá trị gia tăng: vấn nạn nhà quản lý?Hàn Lam
19.12.2023 7:56
VNThoibao
Năm nào, các doanh nghiệp cũng trầy trật làm hồ sơ hoàn thuế nhưng không được chấp nhận với nhiều lý do không mấy thuyết phục. Ngành thuế “ngâm” hàng ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp nhưng chưa chịu hình thức chế tài nào, nhưng nếu chậm đóng thuế, doanh nghiệp liền bị tính phí phạt ngay.
Phía cơ quan thuế đưa ra giải thích: thời gian qua, một số hồ sơ kiểm tra trước hoàn của một số doanh nghiệp bị kéo dài thời gian so với quy định là do trong quá trình phân tích dữ liệu chuỗi hóa đơn cập nhật thực tế tại hồ sơ của doanh nghiệp, cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp mua hàng hóa đầu vào, khấu trừ và đề nghị hoàn thuế có nhiều điểm bất thường.
Cụ thể, doanh nghiệp bán đầu vào cho những doanh nghiệp hoàn thuế là các doanh nghiệp đó bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, không kê khai, không nộp thuế, hay có những doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Được, Trưởng ban chính sách Hội tư vấn và đại lý thuế TP. Hồ Chí Minh khi trao đổi với báo chí đã cho rằng, quy định xác minh, phân tích, kiểm tra, đối chiếu… cũng phải thực hiện trong giới hạn thủ tục hành chính quy định của Luật Quản lý thuế cũng như Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế đối với kiểm tra trước hoàn sau không quá 40 ngày. Sau đó, thực hiện thanh kiểm tra hậu kiểm trong vòng 5 năm nhưng chúng ta có thể đẩy nhanh tốc độ, hoàn trước kiểm sau, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi phát hiện doanh nghiệp có rủi ro nhưng trước áp lực của một bộ phận dư luận vẫn tiến hành hoàn thuế sai đối tượng thì trách nhiệm ra sao khiến cơ quan quản lý thuế gặp vướng mà còn là vấn đề nóng đối với toàn xã hội, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp làm ăn tử tế luôn đòi hỏi sự minh bạch, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Đơn cử, đối với ngành sắn, số tiền bị chậm hoàn thuế VAT ước tính hơn 700 tỷ đồng. Hiện nay, thị trường lớn nhất của ngành sắn là Trung Quốc. Mặt hàng này xuất sang Trung Quốc theo điều kiện giao hàng tại biên giới (DAF), tức người bán chịu trách nhiệm giao hàng đến cửa khẩu.
Tuy nhiên, cơ quan thuế cho rằng hợp đồng mua bán vô hiệu vì qua xác minh, doanh nghiệp mua hàng không tồn tại hoặc không thừa nhận có mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam. Do điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp Việt Nam nên các doanh nghiệp kiến nghị không sử dụng kết quả xác minh từ nước ngoài để làm cơ sở hoàn thuế cho doanh nghiệp.
Công tâm mà nói, theo ý kiến của luật sư Nguyễn Lan Phương (Đoàn Luật sư TP.HCM), xét riêng về gian lận trong hoàn thuế VAT, sau vụ án tại Thủ Đức House, cơ quan thuế tăng cường các biện pháp chống gian lận. Ngay bản thân cán bộ thuế phụ trách các trường hợp hoàn thuế cụ thể cũng sẽ “run tay” hơn khi đặt bút ký các quyết định hoàn, và chắc chắn họ sẽ sát sao hơn trong các công đoạn kiểm tra.
Vụ việc tóm gọn vầy: Thủ Đức House, mã cổ phiếu trên sàn HOSE: TDH, xuất phát điểm từ việc kinh doanh bất động sản, sau đó mở rộng sang hoạt động xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa. Trịnh Tiến Dũng – đối tượng cầm đầu trong vụ án gian lận hoàn thuế VAT đã cấu kết với một số cán bộ, lãnh đạo của Thủ Đức house, dùng các công ty ma do Dũng tự lập ra ở Việt Nam bán linh kiện cho Thủ Đức house, sau đó Thủ Đức house xuất khẩu linh kiện ra nước ngoài, bán cho các công ty cũng là do Dũng tự lập, rồi làm các bộ xin hoàn thuế VAT thông qua Thủ Đức house.
Số tiền thuế VAT bị chiếm đoạt theo cáo trạng của Tòa án Nhân dân TP.HCM là 537 tỷ đồng. Dũng lợi dụng tính chất gián thu của thuế VAT và chính sách khuyến khích xuất khẩu (thuế suất thuế VAT hàng hóa xuất khẩu là 0%) để thực hiện hành vi gian lận.
Cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh bị tuyên án 4 năm tù liên quan đến vụ án tại Thủ Đức House gây thất thoát thuế hơn 360 tỷ đồng.
Như vậy, những “con sâu làm rầu nồi canh” phải chăng đã đặt thêm áp lực và khó khăn lên các doanh nghiệp chờ đợi mòn mỏi việc hoàn thuế?
No comments:
Post a Comment