Tập Cận Bình có trắng tay trở về?Bài bình luận của Hà Lệ Chi
21-12-2023
RFA
AP
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình đã được báo chí của hai bên tung hô dữ dội. Ngoài việc ra Tuyên bố chung đồng ý xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai,” báo chí cũng cho biết hai bên Việt - Trung đã cùng nhau ký kết 36 văn kiện.
Có nhiều đánh giá trái chiều về kết quả của chuyến thăm Hà Nội lần này của Tập Cận Bình.
Chúng ta có thể so sánh với Tuyên bố chung và các văn kiện ký kết năm 2022 trong chuyến thăm của Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh với Tuyên bố chung và các văn kiện ký kết lần này để xem có sự khác biệt nào, từ đó có thể rút ra các ý nghĩa của sự thay đổi này.
Mục đích ưu tiên của mỗi bên
Trong cuộc gặp gỡ và làm việc giữa Chủ tịch Tập và Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã đưa ra các phương hướng (thể hiện mục đích ưu tiên của mỗi bên.)
Phía Việt Nam tập trung vào mục đích lớn nhất là tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc: “… nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực; đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam, triển khai thuận lợi cửa khẩu thông minh; đẩy mạnh hơn nữa đầu tư tại Việt Nam…”[1]
Còn Trung Quốc nhượng bộ việc mở cửa thị trường cho Việt Nam: “cùng nhau hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi kinh tế-thương mại, trong đó có thương mại nông sản; Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông sản chất lượng cao của Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam…” Tuy nhiên Trung Quốc yêu cầu: “tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương, cùng nhau thúc đẩy xây dựng trật tự quốc tế công bằng, cởi mở” và “thực hiện nghiêm các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.”[2]
Các văn kiện được ký kết
So với 13 văn kiện ký kết năm 2022, thì con số 36 văn kiện ký kết lần này lớn hơn rất nhiều.
Các văn kiện ký kết năm 2022 gồm 10 Bản ghi nhớ, 1 Thoả thuận giữa Ban Đối ngoại Trung ương của hai bên, 1 Kế hoạch hợp tác của Bộ Văn hoá hai bên và 1 Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi.[3]
Còn lần ký kết mới đây, bao gồm: 18 Bản ghi nhớ và Biên bản ghi nhớ, 7 Thoả thuận (của các cơ quan Đảng và Bộ ngành trong Chính phủ hai bên), 5 Kế hoạch hợp tác, 2 Nghị định thư và 1 Chương trình hợp tác.[4]
Như vậy, số lượng thì nhiều, nhưng trong cả hai lần ký kết thì chiếm số lượng chủ yếu vẫn là các Bản ghi nhớ và Biên bản ghi nhớ, cho nên từ năm 2022, hai bên đã tuyên bố tăng cường hoạt động thực chất, đến năm nay cũng lặp lại như vậy,[5] điều đó thể hiện rõ, sự thực chất trong hoạt động hợp tác của hai bên vẫn còn đang rất hạn chế.
Chính vì vậy, Tờ Straits Times cho rằng trong 36 văn kiện ký kết phần nhiều không mang tính ràng buộc mà chỉ mang tính chất biểu tượng mà thôi.[6]
Thay đổi trong Tuyên bố chung năm 2023
Trong Tuyên bố chung năm 2023[7] đã có một số thay đổi so với Tuyên bố chung năm 2022.[8]
Cả hai Tuyên bố chung năm 2022 và năm 2023 đều rất dài, ngoại trừ phần lớn những ngôn từ sáo rỗng mà hai bên ưa thích sử dụng, thì có một số nội dung chúng ta cần chú ý:
Vấn đề Đài Loan
Trong Tuyên bố chung năm 2022 có nhắc: “Phía Việt Nam tái khẳng định kiên trì chính sách “Một Trung Quốc”, ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức và nhất quán ủng hộ nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của các nước. Việt Nam không phát triển quan hệ cấp Nhà nước nào với Đài Loan.”
Trong Tuyên bố chung năm 2023, ngoài việc nhắc lại cụm từ trên, còn thêm một đoạn: “Phía Việt Nam cho rằng các vấn đề Hồng Công, Tân Cương, Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc…”
Vấn đề Trung Quốc gia nhập CPTPP
Tuyên bố chung năm 2022 chỉ ghi nhận: “Phía Việt Nam ủng hộ Trung Quốc nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).” Còn Tuyên bố chung năm 2023 làm rõ hơn: “Phía Việt Nam ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn và trình tự của Hiệp định.”
Sáng kiến An ninh Toàn cầu
“Cộng đồng chia sẻ tương lai” hay “Cộng đồng chung vận mệnh” là một chiến lược của Trung Quốc nhằm xây dựng nên một trật tự mới với vai trò thống trị của Trung Quốc nhằm thay thế “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” của Mỹ và Phương Tây chi phối. “Cộng đồng chia sẻ tương lai” gắn liền với Vành đai Con đường (BRI) và bộ 3 Sáng kiến, bao gồm Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (GCI), trong đó đáng chú ý nhất là Sáng kiến An ninh Toàn cầu.
GSI là gì? GSI do Tập Cận Bình đề xuất vào tháng 4/2022, được coi là bước tiến chiến lược tiếp theo của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng, khẳng định vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.[9]
GSI khiến dư luận quốc tế lo ngại vì đã công khai ủng hộ nguyên tắc “an ninh không thể chia cắt”, vốn được Nga sử dụng để giải thích cho hành động của Nga tại Ukraine.
Khái niệm này thể hiện rằng an ninh của bất kỳ quốc gia nào cũng không thể tách rời khỏi các quốc gia khác trong khu vực và không một quốc gia nào có thể gây tổn hại đến an ninh của quốc gia khác.
Khái niệm này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin viện dẫn để chỉ trích việc mở rộng NATO và cái cớ cho hành động gây hấn của ông chống lại Ukraine kể từ năm 2014.[10]
Hai tác giả Tạ Phú Vinh và Nguyễn Xuân Cường, trong một nghiên cứu năm 2022 đã thể hiện: “… mối lo ngại lớn nhất xuất phát từ việc, Trung Quốc sử dụng GSI như một phương thức biện minh cho việc liên kết hàng loạt những cơ cấu, tổ chức do Trung Quốc thành lập, đứng sau hoặc đóng vai trò chính tham gia vào quản lý các sự vụ toàn cầu dưới cái mũ “bảo vệ an ninh”. Với sự ra đời của GSI, không loại trừ khả năng, đến một thời điểm thích hợp, Trung Quốc có thể tuyên bố, để đảm bảo an ninh tài chính, an ninh tiền tệ trong bối cảnh mới thế giới, khu vực có thể hợp nhất các tổ chức, cơ cấu tài chính lớn trong khu vực vốn nằm trong tầm ảnh hưởng của Trung Quốc như ADB, CRA... từ đó nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng và khả năng thao túng của Trung Quốc, từng bước cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ đối với lĩnh vực tài chính, tiền tệ”…
… Trung Quốc tuyên bố thúc đẩy việc giải quyết khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhưng Trung Quốc không tuyên bố từ bỏ những tư duy hay quan niệm an ninh mà Trung Quốc đưa ra trong các giai đoạn trước. Do đó, việc thúc đẩy GSI có thể tạo ra nhiều không gian cho Trung Quốc sử dụng đa dạng và linh hoạt các biện pháp và công cụ (bao gồm cả biện pháp sử dụng vũ lực) để giải quyết vấn đề, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.”[11]
Có lẽ vì những lo ngại như vậy, cho nên Tuyên bố chung năm 2022 chỉ thể hiện việc ghi nhận nhưng không tham gia: “Việt Nam ghi nhận tích cực Sáng kiến An ninh toàn cầu của Trung Quốc trên cơ sở mục tiêu, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.”
Nhưng đến Tuyên bố chung năm 2023 thì thể hiện rõ việc sẽ tham gia: “Phía Việt Nam ủng hộ Sáng kiến Văn minh toàn cầu, vì hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa và tiến bộ của nhân loại, sẵn sàng nghiên cứu triển khai hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến này.”
Kết luận
Mặc dù với 36 văn kiện được ký kết lần này, nhưng với 18 văn kiện là các Bản ghi nhớ hoặc Biên bản ghi nhớ, đã cho thấy tính thiếu thực chất trong các cam kết của hai bên. Có lẽ vì vậy mà phía Việt Nam luôn nhắc tới chữ “thực chất” như một lời nhắc nhở ngầm với phía Trung Quốc rằng Việt Nam đang cần quan hệ thể hiện thực chất hơn chứ không chỉ là những cam kết sáo rỗng.
Đã có một số sự nhượng bộ đáng kể trong Tuyên bố chung năm 2023, đặc biệt trong vấn đề Trung Quốc gia nhập CPTPP, và vấn đề Việt Nam tham gia GSI, mặc dù trước đó Việt Nam đã từ chối tham gia Sáng kiến này.
Sự thay đổi trong Tuyên bố chung lần này cho thấy việc Trung Quốc đã dùng nhiều sức ép, đặc biệt sử dụng việc tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc để đổi lấy các nhượng bộ của Việt Nam. Thêm nữa, Việt Nam dù cố gắng kháng cự, nhưng chỉ có thể kháng cự bằng cách kéo dài thời gian, nhưng cuối cùng vẫn không thể từ chối các đề xuất của Bắc Kinh. Điều này thể hiện sự kiên nhẫn chiến lược rất hiệu quả của Bắc Kinh, họ cứ tiến dần từng bước, sẵn sàng đánh đổi các lợi ích kinh tế để đạt được các mục tiêu về an ninh và chính trị của họ.
Chính vì vậy, Giáo sư Alexander Vuving đã viết trên tài khoản trang X của ông ta: “Cây tre Việt Nam đang bị gấu trúc Trung Quốc gặm dần từng miếng.” Đây quả thực là một sự ví von tuyệt vời. Và nhận định “Tập Cận Bình trắng tay trên đất Việt Nam” là thể hiện sự thiếu hiểu biết sâu sắc về sự khôn ngoan của Bắc Kinh.
* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do
Tham khảo:
[1] https://nhandan.vn/nang-cao-hieu-qua-hop-tac-thuc-chat-tren-cac-linh-vuc-giua-viet-nam-trung-quoc-post787341.html
[2] https://nhandan.vn/nang-cao-hieu-qua-hop-tac-thuc-chat-tren-cac-linh-vuc-giua-viet-nam-trung-quoc-post787341.html
[3] https://nhandan.vn/viet-nam-trung-quoc-ky-ket-13-van-kien-hop-tac-giua-hai-dang-hai-nuoc-post722595.html
[4] https://nhandan.vn/thuc-day-quan-he-viet-nam-trung-quoc-len-tam-cao-moi-tao-cuc-dien-doi-ngoai-thuan-loi-cho-phat-trien-dat-nuoc-post787899.html
[5] https://nhandan.vn/nang-cao-hieu-qua-hop-tac-thuc-chat-tren-cac-linh-vuc-giua-viet-nam-trung-quoc-post787341.html
[6] https://www.straitstimes.com/asia/pacts-signed-by-vietnam-china-during-xis-hanoi-trip
[7] https://nhandan.vn/tuyen-bo-chung-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-va-nuoc-cong-hoa-nhan-dan-trung-hoa-ve-viec-tiep-tuc-lam-sau-sac-va-nang-tam-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-toan-dien-xay-dung-cong-dong-chia-se-tuong-lai-viet-nam-trung-quoc-co-y-nghia-chien-luoc-post787318.html
[8] https://nhandan.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-ve-viec-tiep-tuc-day-manh-va-lam-sau-sac-hon-nua-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-trung-quoc-post722756.html
[9] https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjbxw/202302/t20230221_11028348.html#:~:text=Chinese President Xi Jinping has,with a win-win mindset.
[10] https://www.geostrategy.org.uk/research/what-is-chinas-global-security-initiative/
[11] https://vjol.info.vn/index.php/khxhvn/article/view/76123/64825
No comments:
Post a Comment