Friday, December 22, 2023

Philippines trong vòng xoáy căng thẳng Mỹ-Trung trên vấn đề Đài Loan
Minh Anh
Đăng ngày: 21/12/2023 - 13:41
RFI

Sau một quãng thời gian « tuần trăng mật » ngắn ngủi, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines lại dấy lên xung quanh những đảo đá ngầm đang có tranh chấp ở Trường Sa, Biển Đông. Trung Quốc trong năm 2023 không ngừng có những hành động gây hấn, tấn công các tầu Philippines tại những nơi mà Manila cho là thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình. Đáp lại, chính phủ tổng thống Marcos Jr. ngày càng tỏ thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc khi tuyên bố « bảo vệ từng milimet lãnh thổ ».

Tuần duyên Philippines giám sát tàu Trung Quốc tại bãi đá Ba Đầu, tại vùng biển có tranh chấp chủ quyền. Ảnh ngày 02/12/2023. AP

Làm thế nào giải thích cho những căng thẳng này giữa Bắc Kinh và Manila ở Biển Đông ? Chính sách cứng rắn này của Philippines liệu có hiệu quả ? Liệu Việt Nam và Philippines có thể thành lập một liên minh để đối phó với Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông ? Giảng viên Laurent Gédéon, trường đại học Sư phạm Lyon trong cuộc phỏng vấn dành cho RFI Tiếng Việt, nhận định rằng Philippines hiện nằm trong tâm ván cờ đọ sức giữa hai đại cường thế giới liên quan đến vấn đề Đài Loan.

**********

RFI Tiếng Việt: Trong hai ngày 09-10/12/2023, đã xảy ra vụ va chạm giữa tầu của Philippines và tuần duyên Trung Quốc, gần Bãi Cỏ Mây, ở Biển Đông. Nguyên nhân của sự cố này là gì ?

Laurent Gédéon : Vụ va chạm này, thực chất chỉ là sự cố mới trong một chuỗi dài. Hôm 03/12/2023, Philippines đã cho biết là hai trong số tầu tuần tra của họ đã đếm thấy có hơn 135 tầu Trung Quốc được triển khai xung quanh Đá Ba Đầu (hay còn được gọi là Julian Felipe) ; cách đảo Palawan 320 km về phía Tây.

Trong cùng khu vực này, tuần duyên Philippines ngày 13/11 đã phát hiện 111 tầu « dân quân biển Trung Quốc ». Rồi vào ngày 22/10, tầu của Trung Quốc đã chặn đường tiếp tế cho lực lượng đồn trú Philippines hiện diện tại một trong các đảo nhỏ ở Trường Sa.

Vào tháng 9/2023, hành động ngăn chặn tương tự đã ảnh hưởng đến tầu tiếp tế cho lực lượng đồn trú của Philippines trên một con tầu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây. Xin lưu ý thêm rằng vào năm 2021, khoảng 210 tầu Trung Quốc đã neo đậu gần Đá Ba Đầu trong nhiều tuần lễ. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng đây là những tầu đánh cá đang trú ẩn vì thời tiết xấu.

Chúng ta phải đặt những sự cố cuối năm này và lập trường của Trung Quốc trong những diễn tiến gần đây, một mặt trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Philippines và mặt khác, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng thường xuyên xung quanh đảo Đài Loan.

Chúng ta còn nhớ là tổng thống Marcos Jr đã chọn Bắc Kinh cho chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên bên ngoài khu vực Đông Nam Á, và dường như đó là một phần trong mong muốn xoa dịu Trung Quốc.   

Nhưng hướng hành động này đã gặp khó khăn trong một bối cảnh nỗi lo về một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan và nguy cơ lây lan sang Biển Đông bao trùm. Đối phó với việc Bắc Kinh không nhượng bộ, Manila đã ưu tiên siết chặt hơn liên minh với Mỹ.

Tuy nhiên, Philippines vẫn mong muốn duy trì thế cân bằng giữa một bên là mối quan hệ an ninh với Mỹ và bên kia là mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Từ quan điểm của Bắc Kinh, Philippines là một nhân tố - và là một tác nhân quan trọng – trong các nước cờ nếu xảy ra xung đột ở Đài Loan. Điều này không chỉ do mối quan hệ đồng minh của Manila với Mỹ, mà còn do vị trí địa lý gần gũi của quần đảo với Đài Loan. Thật vậy, những hòn đảo ở cực bắc của Philippines cách Đài Loan chưa đầy 400 km.

Trung Quốc cũng nhận thức được rằng Philippines là một yếu tố rất quan trọng cho Mỹ trong nỗ lực xây dựng một chuỗi liên minh quân sự trải dài từ Hàn Quốc và Nhật Bản cho đến Úc với một mục tiêu duy nhất là ngăn chặn đà tiến của Hải Quân Trung Quốc.

Đây là lý do vì sao Bắc Kinh thường xuyên gởi cảnh báo ngoại giao và an ninh đến Manila. Chính vì để cản trở càng nhiều càng tốt quá trình xích lại gần giữa Philippines và Mỹ mà Trung Quốc gây áp lực mạnh với Manila, bao gồm cả các biện pháp cưỡng ép kinh tế và các chiến dịch ở Biển Đông.

Trung Quốc còn tìm cách chứng minh cho các nước trong khu vực thấy rằng Hoa Kỳ không phải là một đồng minh đáng tin cậy. Để thực hiện điều đó, Bắc Kinh gia tăng các hành động khiêu khích, gây áp lực và tìm cách buộc Philippines phải chấp nhận lằn ranh đỏ do Trung Quốc vạch ra, còn nếu từ chối, thì có nhiều rủi ro phải trả giá đắt.

Philippines còn tố cáo mạnh mẽ hành động hung hăng của Trung Quốc, mà chiến dịch « Name and Shame » (tạm dịch là Nêu tên và Làm xấu hổ) là một ví dụ mới nhất. Liệu đây có là một chiến thuật « hiệu quả » ?

Laurent Gédéon : Khó có thể nhận xét về hiệu quả thực sự của chiến thuật này vì lập trường của mỗi bên dường như đã tương đối cố định :

Đối với một bộ phận các tác nhân, ít nhiều có dấn thân sâu cùng với Hoa Kỳ, thì sự phản đối Trung Quốc đã là mạnh mẽ và họ hoàn toàn ủng hộ cho quan điểm của Philippines. Nhưng số khác thì có lập trường nước đôi trong quan hệ với Bắc Kinh. Do vậy, chỉ khi có một sự thay đổi mạnh mẽ hay một sự kiện rất quan trọng thì mới có thể khiến những nước này có thái độ phản đối rõ ràng hơn đối với Bắc Kinh.

Trong hoàn cảnh này, Manila đang áp dụng một chiến lược răn đe đối với Trung Quốc. Nhưng chiến lược này phải cứng rắn và đáng tin cậy để ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh. Chúng được bắt đầu từ những chính sách xích lại gần và thiết lập quan hệ đồng minh, đặc biệt là với Mỹ, Nhật Bản, Úc và Việt Nam.

Chiến lược này cũng liên quan đến việc gây áp lực ngoại giao thông qua ASEAN. Tuy nhiên, kết quả đạt được không như mong đợi bởi vì các cuộc đàm phán kéo dài hàng thập kỷ về một bộ Quy tắc Ứng xử có tính ràng buộc về mặt pháp lý ở Biển Đông chưa mang lại kết quả.

Cách tiếp cận này còn được thực hiện thông qua cách gây áp lực pháp lý như được chứng minh qua vụ kiện Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2013. Phán quyết đưa ra năm 2016 là có lợi cho Philippines nhưng bị Bắc Kinh chỉ trích gay gắt.

Hiện nay, Manila cũng đang xem xét nộp đơn khiếu nại lần thứ hai lên tòa án cáo buộc Bắc Kinh đang phá hủy các rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vì vậy, chúng ta có thể nhận thấy là hiệu quả của chiến thuật này là tương đối !

Vậy theo ông, việc tổng thống Marcos Jr. tái định hướng lại chính sách Biển Đông khi xích lại gần Mỹ hơn, mở nhiều quan hệ đối tác với nhiều nước khác như Nhật Bản, Úc… có thể được xem như là một sự trở về với chính sách của tổng thống Aquino III ?

Laurent Gédéon : Nhìn chung, chính sách đối ngoại của Philippines dao động tùy theo tổng thống đương nhiệm. Trong suốt hai thập kỷ qua, hầu như tất cả các đời tổng thống Philippines đều cố gắng duy trì mối quan hệ hài hòa với Trung Quốc. Trong hai thập kỷ qua, hầu như tất cả các tổng thống Philippines đều cố gắng duy trì mối quan hệ ổn định với Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Gloria Arroyo (2001-2010) ủng hộ « thời kỳ hoàng kim » cho quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu với Bắc Kinh.

Tổng thống Benigno Aquino III (2010 – 2016) ban đầu đi theo đường lối tương tự như người tiền nhiệm nhưng cuộc khủng hoảng bãi cạn Scarborough năm 2012 đã đẩy ông vào thế đối đầu hơn ở Biển Đông và lại trở về chính sách xoay trục sang phương Tây.

Đến thời tổng thống Rodrigo Duterte (2016 – 2022), khi xem Trung Quốc là đối tác thiết yếu cho sự phát triển, ông ấy đã hạ thấp tầm mức các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và cản trở việc thắt chặt hợp tác an ninh với các đồng minh phương Tây truyền thống, nhất là Hoa Kỳ.

Khi lên cầm quyền vào tháng 6/2022, tổng thống Marcos Jr. đã cố gắng duy trì mối quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh. Ngay từ đầu, ông ấy đã nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng ông quyết tâm đưa mối quan hệ song phương « sang một cấp cao hơn ».

Nhưng vì Trung Quốc không đáp trả những mong mỏi từ Philippines, đặc biệt là về các tranh chấp ở Biển Đông, tổng thống Marcos đã quyết định chuyển hướng sang Mỹ một cách ngoạn mục nhằm gây áp lực với Trung Quốc và tìm cách đạt được một số lợi thế bất kể là về ngoại giao hay trên thực địa.

Dù vậy, ông Marcos Jr. đã nhiều lần cố gắng trấn an cường quốc châu Á rằng việc mở rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ là không nhằm vào Trung Quốc. Ông ấy nhấn mạnh rằng Philippines chỉ thuần túy đi theo hướng phòng thủ.

Hơn nữa, ở trong nước, áp lực từ công luận và giới tinh hoa chính trị Philippines ngày càng lớn, đi theo hướng có một lập luận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và tăng cường hợp tác an ninh với các đồng minh của Manila.

Chính sách ngoại giao này đang đặt Manila vào tâm điểm cuộc đối đầu giữa hai đại cường. Liệu Philippines có thể thực sự trông cậy vào Mỹ để đối phó với Trung Quốc ?

Laurent Gédéon : Mỹ và Philippines có mối quan hệ an ninh rất chặt chẽ bởi vì hai bên đã có nhiều thỏa thuận an ninh từ lâu, và có thể nói, Philippines là quốc gia gần gũi nhất và là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ trong khu vực, bắt đầu từ năm 1951 với Hiệp ước Phòng thủ chung (Mutual Defense Treaty – MDT).

Kể từ đó, luôn có những cuộc đàm phán và điều chỉnh lại. Ví dụ, năm 1991, Thượng Viện Philippines không muốn gia hạn thỏa thuận này, kết quả là năm 1992, Mỹ phải rút quân về nước. Nhưng vào năm 1998, Mỹ và Philippines đã đúc kết thỏa thuận về lực lượng nước ngoài, mà người ta gọi là Visiting Forces Agreement (VFA), nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước.

Đến 2020, tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh chấm dứt thỏa thuận này nhưng sau đó ông buộc phải thay đổi quyết định do mối quan hệ chiến lược sâu rộng với Mỹ và do vậy, thỏa thuận này đã được khôi phục lại vào tháng 7/2021.

Tháng 4/2023, một thỏa thuận quan trọng đã được ký kết bởi vì chính phủ Philippines đã chỉ định thêm bốn căn cứ quân sự để quân đội Mỹ có thể cất trữ trang thiết bị phòng thủ và luân chuyển binh sĩ. Và người ta nhận thấy ba trong số các điểm mới này nằm ở phía bắc đảo Luzon, hòn đảo cực bắc của Philippines, tức là khu vực nhìn ra eo biển Luzon, nhìn ra Đài Loan. Còn căn cứ thứ tư nằm trên đảo Balabac, ở cực nam Philippines, nhìn ra Biển Đông và quần đảo Trường Sa.

Chúng ta thấy rằng những cơ sở quân sự này của Mỹ ở Philippines có một ý nghĩa chiến lược cao và Hoa Kỳ gần đây đã nêu rõ là các cuộc tấn công nhắm vào tầu tiếp liệu của Philippines rất có thể được đưa ra trong khuôn khổ thỏa thuận phòng thủ chung.

Do vậy, khi tính đến tất cả các yếu tố này, chúng ta có thể nhận thấy rằng sự gần gũi về chiến lược giữa hai nước là rất lớn. Hơn nữa, Philippines dường như được xem là một nhân tố thiết yếu trong giả thuyết có khả năng xảy ra xung đột ở Đài Loan do việc nước này kiểm soát eo biển Luzon và sự gần gũi về địa lý với Đài Loan.

Theo quan điểm của tôi, với giá trị chiến lược gia tăng rất cao của Philippines, khả năng Mỹ không can dự trực tiếp bên cạnh đồng minh của trong trường hợp có đe dọa trực tiếp là cực kỳ thấp.

Philippines cũng tìm cách thiết lập nhiều mối quan hệ đối tác mới với nhiều nước khác trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam. Trong năm đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Marcos đã tổ chức ít nhất ba cuộc họp với các lãnh đạo cao cấp Việt Nam. Một liên minh Việt Nam – Philippines liệu có thể đi đến một kết quả thú vị cho cả hai bên ?

Laurent Gédéon : Việt Nam và Philippines phải xác định được các lợi ích chung cũng như các điểm đối lập để vạch ra một đường lối chung. Theo tôi, trước khi vạch ra một đường hướng chung, cả Hà Nội lẫn Manila phải tự hỏi xem họ có một ý chí chính trị để đi theo hướng này hay không, một mong muốn mà dường như hiện tại vẫn chưa có.

Dù gì đi chăng nữa, giữa Việt Nam và Philippines có nhiều điểm hội tụ : Đôi bên có cùng một cách hiểu về Trung Quốc, đó vừa là một đối tác kinh tế không thể thiếu, vừa là một mối đe dọa an ninh cho ngư dân của họ và là một đối thủ cạnh tranh địa chính trị tại quần đảo Trường Sa.

Cả Việt Nam và Philippines đều cùng tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Không giống như Trung Quốc, hai nước cho rằng phạm vi áp dụng cũng có hiệu lực cho vùng Biển Đông.

Trên bình diện địa chính trị, Việt Nam và Philippines có xu hướng ngả về phía Hoa Kỳ, và xu hướng được thấy rõ nét trong trường hợp của Philippines do bị ràng buộc bởi các thỏa thuận quân sự với Mỹ, nhưng ít được khẳng định hơn đối với Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng những năm gần đây, sự hợp tác giữa Hà Nội và Washington đã tăng lên.

Việt Nam và Philippines cùng đối mặt với những hành động hăm dọa nhằm vào ngư dân của mình ở quần đảo Trường Sa. Cả hai nước cũng có hiện diện quân sự ở Trường Sa, và cùng chia sẻ mối ngờ vực về tính chất vô dụng của khối ASEAN.

Đổi lại, giữa hai nước tồn tại nhiều điểm bất đồng không thể bỏ qua. Trước hết hai nước có những yêu sách lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa. Mặt khác, Philippines có liên kết quân sự với Mỹ mang tính ràng buộc, bởi vì trong trường hợp xảy ra xung đột ở khu vực, Manila có nguy cơ bị ảnh hưởng nhưng Việt Nam thì không.

Từ bối cảnh chung này, theo tôi, Việt Nam và Philippines nên lường trước một cách hiệu quả chiến lược chung, nếu họ quyết định chọn một chiến lược, trước một cuộc xung đột có thể xảy ra, thay vì có nguy cơ bị bất ngờ để rồi bị rơi vào một cuộc xung đột không được lường trước.

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng liên quan đến việc giải quyết tranh chấp quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam và Philippines. Chính quyền Hà Nội khó mà không xem xét lại các tham vọng theo chủ nghĩa tối đa đối với các đảo trong quần đảo nếu nước này muốn đạt được một thỏa thuận với Manila.

Khó có khả năng là Hà Nội sẽ không can dự bằng cách này hay cách khác vào một cuộc xung đột tiềm tàng xảy ra ở Đài Loan nếu Việt Nam không muốn bị lép vế trước Philippines, quốc gia chắc chắn sẽ là bên tham gia vào cuộc xung đột. Chí ít là một cách gián tiếp, và chắc chắn nhất là với tư cách là nguồn hậu cần chiến lược mang tính quyết định.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, cả hai nước nên tiếp tục đàm phán về những điều trên, cố gắng xác định những điểm mà đôi bên có thể đạt đồng thuận về những vấn đề chiến lược quan trọng.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn ông Laurent Gédéon, giảng viên trường Đại học Sư phạm Lyon.

No comments:

Post a Comment