Liên quân do Mỹ thành lập có chống được phiến quân Houthi để bảo vệ lưu thông hàng hải ?
Anh Vũ
Đăng ngày: 19/12/2023 - 15:19
RFI
Bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin đến thăm Bộ tư lệnh Hạm đội 5 của hải quân Hoa Kỳ Manama, Bahrain, ngày 19/12/2023. REUTERS - PHIL STEWART
Tuyến hàng hải quốc tế trọng yếu nối lục địa Á-Âu qua Hồng Hải những ngày qua đang bị xáo trộn. Lần lượt các hãng vận tải hàng hải hàng đầu thế giới như Maersk của Đan Mạch, Hapag-Lloyd của Đức, CMA CGM của Pháp, cũng như MSC của Ý-Thụy Sĩ và Evergreen của Đài Loan, đã thông báo quyết định ngừng đưa tàu qua kênh đào Suez, cho đến khi các điều kiện bảo đảm an ninh trở lại ở Hồng Hải. Hôm thứ Hai, công ty dầu mỏ đa quốc gia BP của Anh thông báo rằng họ đang đình chỉ tất cả các chuyến tàu quá cảnh Hồng Hải.
Nguyên do là trong những tuần gần đây, nhóm phiến quân Houthi ở Yemen đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công vào các tàu được cho là có liên hệ với Israel, đi qua eo biển Bab al-Mandeb, ngăn cách Bán đảo Ả Rập với châu Phi. Với những hành động như vậy, phiến quân Houthis ở Yemen, được Iran hậu thuẫn, muốn thể hiện tình đoàn kết với người Palestine, đặc biệt với Hamas, tổ chức đã gây ra các vụ thảm sát tại Israel ngày 07/10, làm bùng lên xung đột ở Trung Đông.
Giống như Hamas ở dải Gaza và Hezbollah ở Liban, nhóm vũ trang Houthi – hiện kiểm soát 60% Yemen sau cuộc nội chiến từ năm 2015 – là một phần của “trục kháng chiến” chống Mỹ do Iran yểm trợ.
Lực lượng Houthi sử dụng drone và hỏa tiễn liên tiếp tấn công vào các tàu hàng đi qua Hồng Hải. Sự hiện diện quân sự thường xuyên và khá hùng hậu của nhiều nước phương Tây trong khu vực cũng không làm cho các hãng vận tải biển an tâm.
Tuyến vận tải vẫn được gọi là “tuyến cao tốc trên biển” nối châu Âu với châu Á với khoảng 20.000 tàu qua lại, vận chuyển 12% lượng hàng hóa thương mại của thế giới mỗi năm, đã trở nên quá nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, hôm qua 18/12, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin chính thức thông báo thành lập một liên minh gồm 10 nước để ứng phó với các vụ tập kích của lực lượng Houthi nhắm vào các tàu hàng. Các tàu chiến của liên minh quốc tế, với nòng cốt là hạm đội 5 của Mỹ đóng tại Barhein, sẽ cùng tham gia chiến dịch « Người bảo vệ Thịnh vượng ». Sau thông báo thành lập, người ta chưa rõ liên minh sẽ mở chiến dịch đáp trả mạnh mẽ thế nào đối với các cuộc tập kích của lực lượng phiến quân ở Yemen.
Về mặt lý thuyết, Mỹ, với sự hiện diện quân sự thường xuyên khá hùng hậu cùng với các đồng minh như Pháp, Anh, hay Canada, hoàn toàn có đủ phương tiện, khả năng dễ dàng khống chế hay đè bẹp lực lượng Houthi, chẳng hạn như từ ngoài khơi dùng tên lửa hành trình và không quân oanh kích các mục tiêu của phiến quân Houthi, hoặc thậm chí có thể đổ bộ lên Yemen để tiêu diệt lực lượng này.
Tuy nhiên, tình hình ở Trung Đông hiện nay đang rất phức tạp, luôn tiềm ẩn rủi ro khả năng chiến tranh Israel-Gaza lan rộng trong vùng với hệ lụy khó lường. Một tác nhân quan trọng trong mớ bòng bong Trung Đông là Iran. Cộng hòa Hồi giáo này là kẻ thù không đội trời chung với Mỹ, đồng thời là nước ủng hộ các lực lượng dân quân như Hezbollah ở Liban, và lực lượng Houthi ở Yemen. Theo phần đông giới quan sát, mọi cuộc tấn công vào lực lượng phiến quân Yemen đều có thể là mồi lửa thổi bùng lên xung đột mới, khó mà dập tắt được. Trong khi đó, Mỹ vẫn muốn đứng ngoài cuộc chiến Israel-Hamas, cũng như không muốn sa lầy vào các xung đột ở Trung Đông. Có lẽ vì thế mà cùng với thông báo lập liên minh bảo vệ hàng hải, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ kêu gọi Iran hạ nhiệt căng thẳng trong vùng.
Việc thành lập liên minh quốc tế nhằm đối phó với các đợt tập kích của Houthi nhắm vào tàu hàng là phản ứng đầu tiên mang tính chất phòng vệ tập thể để chia sẻ trách nhiệm lẫn nhau. Một hành trả đũa quân sự nhằm vào lực lượng Houthi lúc này đều phải được cân nhắc thận trọng.
No comments:
Post a Comment