Đền thiêng của quỷChu Mộng Long
27-12-2023
Tiengdan
Sáng nay cafe sách. Nói là cafe sách, nhưng mỗi lần bước vào, tôi chỉ thấy khách hàng ôm máy đọc mạng xã hội hơn là đọc sách. Tất nhiên đông nhất vẫn là nhà giáo.
Thấy tôi, có người thân thiện đến bắt tay và còn nói to: “Chào thầy Chu Mộng Long!” Rồi chụp hình. Nhưng cũng rất nhiều người e ngại, dù quen biết.
Hôm nay mọi người bàn tán về vụ án Việt Á. Nhiều người chửi rất hăng, rằng “quan ăn không chừa thứ gì”, rằng thằng “mất dạy” Phan Quốc Việt ra tòa còn cười khẩy, không sợ ai…
Tôi cười và tưởng tượng phải tạt một thau nước cho không khí bớt nóng: “Quân này có ‘mất dạy’ thì cũng do giáo dục mà ra cả đấy!”
Tất cả im bặt. Nhiều nhà giáo phản ứng: “Thầy hàm hồ rồi! Nói nhà báo bốc thơm, quảng bá cho Việt Á để nó lộng hành thì được. Chứ chuyện này liên quan gì đến nhà giáo?“
Tôi cười: “Báo ầm ĩ quảng bá Việt Á sau khi Bộ trưởng Bộ Dục trao bằng khen cho công trình khoa học của nó đấy nhé! Cũng từ cái bằng khen này mới có hồ sơ chuyển Chủ tịch nước trao Huân chương lao động hạng Ba. Và không ngẫu nhiên mà vụ án toàn giáo sư, tiến sĩ, quan chức 64 tỉnh thành đồng loạt sai phạm. Đó không phải là từ cái nôi học mẫu như con vẹt nên khi làm quan chỉ biết làm theo răm rắp từ một lệnh nào đó mà không cần biết đúng, sai sao?“
Thấy không ai cãi nữa, tôi chuyển đề tài: “Tốt nhất là bàn về chuyện nhà giáo đi. Về cái đề thi nói về sự tham lam của nhà giáo mà Trường THCS Colette cho học sinh lớp 8 thi, đang gây sóng trên mạng ấy!“
Một cô giáo nói ngay: “Bàn gì nữa. Tôi thấy chưa bao giờ nhà giáo bị hạ nhục như bây giờ!“
Một cô khác tiếp: “Người ra đề thi cũng là thầy cô giáo mà tự đưa mặt ra cho học sinh liếm! Tởm!“
Một thầy khác điềm tĩnh hơn: “Nhớ mấy năm trước, VTV nhân 20.11 còn đưa câu chuyện ‘Nhặt xương cho thầy’ để phỉ báng nhà giáo. Xã hội đang xem nghề giáo như là cái nghề tham lam vô độ. Ngày 20.11 trở thành ngày nhục mạ thầy cô giáo!“
Một người hỏi tôi: “Ông Chu Mộng Long đào tạo ra cả vạn nhà giáo, ông nghĩ sao khi chính mình bị hạ nhục?“
Tôi cười: “Bao nhiêu lâu nay, ngày 20.11 cũng như mọi ngày, tôi từ chối phong bì, phong bao của học trò, tôi chẳng tham lam gì cũng nuốt thì đâu phải nghẹn họng khi nghe người ta giễu cợt, đả kích nghề của mình?“
Cái “đền thiêng” đang ồn ào bỗng im bặt như chùa Bà Banh. Tôi cười to: “Không phải tôi không tham lam. Thầy thì cũng là người, trên răng dưới dái. Đôi lúc không làm chủ được mình thì cũng có thể đớp và táp như ai. Và những khi ấy, tôi khác mọi người ở chỗ không đeo mặt nạ để giấu diếm, tôi biết tự giễu cợt, đả kích mình trước chứ không đợi người ta giễu cợt, đả kích!“
Thấy mọi người không hiểu hết lời tôi nói, tôi đành nói thêm: “Dẫu sao ai còn biết nhục là còn tốt. Biết người ta mang mình ra giễu cợt, đả kích thì bớt tham lam gì cũng ăn đi! Đáng sợ là nhiều người vẫn trơ mặt ra mà đớp và táp rồi nhầm tưởng những câu chuyện ấy ‘chắc trừ mình ra’!”
Một cô giáo giọng chanh như chua, đứng phắt dậy nói như tát nước: “Nhưng hết chuyện tốt đẹp hay sao mà đem chuyện xấu xa ra dạy cho học sinh? Giáo dục có còn là đền thiêng để trẻ con hình thành đức tin và tôn kính thầy cô giáo không? Đọc cái đề thi ấy, tôi chẳng còn mặt mũi nào đứng lớp. Khốn nạn!“
Tôi bật cười: “He, he… Ông thầy trong truyện chắc chắn không tham ăn như thầy cô giáo thời nay. Chưa đến mức vì bánh sinh nhật mà túm tóc kéo lê kéo lết học trò ngoài cửa lớp. Cái bánh trong truyện chẳng bằng cái góc những phong bì phong bao ‘chống trượt’ từ kì thi nhỏ đến kì thi lớn. Chưa kể nhà giáo còn ăn thịt, tức hiếp dâm học trò. Tôi nói thế này để cô không còn nổi khùng.
Một là, cô không biết văn học không chỉ có ngợi ca mà còn vô số giễu cợt, phê phán, gọi là thể loại trào phúng. Trào phúng không chỉ trong dân gian ít học mà cả trong văn chương bác học với những nhà văn trứ danh. Giễu cợt, phê phán cái xấu không đồng nghĩa với dạy trẻ con điều xấu mà tránh xa cái xấu. Thể loại trào phúng dùng tiếng cười hòa bình, moi cái xấu từ trong bụng mọi người ra, bất luận đó là nhà giáo. Hai là, nhà giáo tự cho nghề của mình là ‘đền thiêng’ thì các nghề khác, như nghề công an, nghề thầy thuốc, nghề thầy cúng, thầy tu… thậm chí nghề làm quan, cũng có quyền tự cho là ‘đền thiêng’ bất khả xâm phạm chứ.
Ở đất nước mà mọi người đều có tâm lý thích ngợi ca, ghét giễu cợt phê phán thì đất nước ấy đẻ ra toàn lũ nịnh hót và cái đền thiêng ấy toàn tổ chức lễ lạt, cúng tế để nuôi ma quỷ. Chưa bao giờ cái ‘đền thiêng’ là nhà giáo, nhà tu nhiều ma quỷ như bây giờ. Có đáng khinh không khi nhiều trí thức đòi cấm giễu cợt nhà giáo mà lại lớn giọng chửi các quan kiểm duyệt báo chí, văn chương, thậm chí lên án sự xử phạt, bỏ tù những người đưa tin tiêu cực của các quan? Họ quên rằng các quan cũng có quyền lý luận rằng, dân mà giễu cợt, hạ nhục quan thì quan còn mặt mũi nào trị dân chứ?“
Tôi chờ xem có ai phản ứng gì không. Nhưng có lẽ họ đang nghĩ cách phản kích. Tôi tóm lại cho xong: “Nghệ thuật trào tiếu có tác dụng thanh tẩy (cathasis), như lễ rửa tội của tôn giáo. Chỉ có ma quỷ mới không chịu nổi tiếng cười. Ma quỷ thì chỉ biết thù địch!“
Nói xong, tôi cạn một hơi hết ly cafe rồi chuồn. Đám quỷ mang danh nhà giáo trố mắt xanh lè nhìn tôi bước ra khỏi cái “đền thiêng” ấy…
______
Một số ảnh chụp các bài báo liên quan tới bài viết của tác giả:
No comments:
Post a Comment