VNTB – Xung đột tôn giáo sắc tộc với Đảng Cộng sản Việt NamPhạm Lê Đoan
27.11.2023 1:07
VNThoibao
Xung đột tộc người, tôn giáo thường bắt nguồn từ sự khác biệt về lợi ích giữa các tộc người, tôn giáo và là vấn đề rất phức tạp, kéo dài, khó giải quyết do liên quan đến lịch sử, tộc người, đạo đức, truyền thống tôn giáo…
Những xung đột tộc người, tôn giáo đã tác động đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội ở các quốc gia xảy ra xung đột, đồng thời có ảnh hưởng đến các phương diện khác nhau của quan hệ chính trị, kinh tế quốc tế.
Xung đột tộc người, tôn giáo là vấn đề được các học giả thuộc nhiều ngành, lĩnh vực quan tâm nghiên cứu. Bởi lẽ, sự tác động của vấn đề xung đột này bao phủ lên mọi khía cạnh của hệ thống xã hội không chỉ của quốc gia đó, mà còn cả khu vực và quốc tế.
Tâm lý tộc người liên quan chặt chẽ với văn hóa, với quá khứ lịch sử và hệ thống giá trị của nhân dân. Một hệ thống chính trị ổn định sẽ được hình thành ở những nước đa tộc người, mà nhân dân ở đây có một nền văn hóa chính trị cùng một kiểu loại gần gũi.
Trái lại, sự khác biệt về văn hóa là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra những xung đột và những phong trào ly khai của những tộc người thiểu số vốn có truyền thống văn hóa khác biệt với tộc người đa số thống trị – ở đây hiện tại là những cán bộ cộng sản được cho là luôn phải bảo thủ theo chủ nghĩa vô thần. Trong những trường hợp như vậy, những xung đột giữa các tộc người có tính chất tiềm ẩn, nó sẽ kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Xung đột giữa các tộc người trên cơ sở khác biệt văn hóa thường xảy ra do sự chuyển hóa ngôn ngữ một cách áp đặt, bắt buộc, hoặc do việc phá vỡ các yếu tố văn hóa và những chuẩn mực truyền thống trong lối sống, trong tôn giáo, tín ngưỡng. Tình trạng đó làm cho triển vọng liên kết tộc người bị phá vỡ và không tránh khỏi những phản ứng tự vệ như gây hấn, chạy trốn…
Việc Hà Nội nhân danh phát triển kinh tế đã xây dựng hàng loạt các thủy điện, triệt phá rừng tự nhiên, khai quặng mỏ như bauxite, chính sách di dân dạng đồng hóa đưa người từ miền Bắc vào Tây nguyên; đã vậy, Hà Nội còn buộc cả việc tôn giáo, tín ngưỡng phải chịu sự quản lý toàn diện của tổ chức Mặt trận Tổ quốc, tức ‘bàn tay nối dài của Đảng’ tại địa phương cũng góp phần tạo xung đột trong cả ý thức hệ về quyền của các sắc tộc bản địa.
Việc Đảng cố tình tránh né việc xung đột tôn giáo sắc tộc như kiểu cứ cho rằng đây là “âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động chống phá trên địa bàn Tây Nguyên” sẽ tiếp tục tạo sự tiềm ẩn ngấm ngầm của chiếc lò xo bị dồn nén.
Phía cơ quan Tuyên giáo Đảng đưa ra lập luận, rằng, “Trên phương diện quốc tế, các tổ chức phản động lưu vong và các đối tượng xấu triệt để lợi dụng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị để tuyên truyền xuyên tạc. Lợi dụng các diễn đàn quốc tế vu cáo Việt Nam “đàn áp, diệt chủng người dân tộc ở Tây Nguyên”, kêu gọi Mỹ, Liên hiệp quốc can thiệp, gây sức ép ngoại giao với Việt Nam”.
Cách biện giải trên của Đảng có thể tìm thấy ở hầu hết báo chí nhà nước, bất chấp cả việc ‘đổ thừa’ đầy ngớ ngẩn khi cho rằng “Công ước quốc tế về các quyền dân sự” đã bị lợi dụng để xuyên tạc. Loạt bài viết của tác giả Quang Nguyên và Hoàng Lan Mộc Châu trên trang Việt Nam Thời Báo đã cho thấy rõ từng hoàn cảnh về chuyện xung đột tôn giáo sắc tộc đó.
No comments:
Post a Comment