Thursday, November 30, 2023

Kissinger và sự ảnh hưởng tới Việt Nam
Dương Quốc Chính
30-11-2023
Tiengdan

Kissinger là kiến trúc sư chính cho việc thiết lập bang giao Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chính vì sự kiện ngoại giao này, nên ông được coi là nhà ngoại giao có sức ảnh hưởng lớn đến thế giới, do hệ quả của mối bang giao nói trên. Hệ quả chấn động nhất là Mỹ và Trung Quốc liên thủ để chống lại Liên Xô. Là một trong những tác nhân dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN.

Ảnh hưởng tiếp theo là tới Đài Loan và Việt Nam. Do Đài Loan bị Mỹ gạt ra, thế chỗ bởi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Liên Hiệp quốc, cũng dẫn tới thế chênh vênh của Đài Loan trước mối đe dọa TQ, biến quốc đảo này trở thành một quốc gia không chính thức.

Đối với Việt Nam, thì mối quan hệ hữu hảo Mỹ – Trung là nền tảng dẫn tới hòa đàm Paris được ký kết. Hòa đàm Paris thậm chí còn bắt đầu trước khi Kissinger đàm phán với TQ, nhưng không đi đến đâu. Chỉ sau khi Mỹ đã có mối quan hệ ngoại giao với TQ thì họ mới an tâm loại bỏ con đê chống CNCS lan tràn, là Việt Nam cộng hòa.

Mỹ yên tâm là làn sóng CS sẽ chỉ dừng lại ở Việt Nam, từ đó Nixon quyết định rút quân Mỹ khỏi VNCH. Vì lý do chính khiến Mỹ can thiệp vào VNCH là do học thuyết Domino, Mỹ lo ngại làn sóng đỏ từ TQ sẽ lan khắp Đông Nam Á, VNCH được gánh trách nhiệm là tiền đồn chống Cộng, giống Hàn Quốc và Tây Đức.

Kissinger cũng là đồng tác giả của Hiệp định Paris, ông có nhiều cuộc hội đàm bí mật với Lê Đức Thọ, từ đó dẫn đến HĐ Paris được ký kết. Hai người đều được trao giải Nobel Hòa Bình (nhưng Lê Đức Thọ đã từ chối nhận), vì có công cứu vãn hòa bình ở Việt Nam. Nhưng hòa bình chỉ thực sự diễn ra sau 2 năm, do Bắc Việt chiến thắng VNCH, chứ không phải do sự ngưng chiến theo HĐ Paris.

Ảnh chụp bìa sách “Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ – Kissinger tại ParisCác cuộc thương lượng Lê Đức Thọ – Kissinger tại Paris Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ – Kissinger”, của NXB Chính trị Quốc gia

Hiệp định Paris được cho là đã để cho VNDCCH được nhiều lợi thế để chiến thắng và chỉ nhằm mục đích để Mỹ được có hòa bình trong danh dự và ít đếm xỉa tới quyền lợi cũng như sự rủi ro của VNCH. Vì thế mà Tổng thống Thiệu đã từ chối ký HĐ cho đến khi Mỹ phải dùng B52 rải thảm Bắc Việt để lấy niềm tin là sẽ không bỏ rơi đồng minh.

Đó là vì, tuy Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam nhưng VNDCCH lại không cần rút, chỉ đóng tại chỗ kiểu da beo. Từ đó họ có thể dễ dàng chiến thắng VNCH, do không còn sự hỗ trợ của Mỹ, trong khi Bắc Việt vẫn được Trung Quốc và Liên Xô viện trợ.

Vào nhiệm kỳ của Nixon, Mỹ rơi vào khủng hoảng kinh tế và họ đã chọn việc hỗ trợ Israel đương đầu với các nước Arab, thay vì hỗ trợ VNCH chống Cộng sản. Nhiều người cho rằng, cũng nhờ bàn tay của Kissinger, một người Do Thái.

Kissinger cũng [được] coi như là người Mỹ có công lao lớn nhất khiến TQ có thể trỗi dậy như ngày nay. Thực ra công Kissinger dẹp Liên Xô không lớn vì Liên Xô tự chết là lý do chính, chứ không phải nhờ vai trò của TQ. Còn TQ trỗi dậy được thì đúng là nhờ Mỹ chơi cùng. Chứ nếu mà Mỹ cứ chặn không cho vào LHQ, vẫn o bế cho Đài Loan thì TQ còn dặt dẹo chán. Vì xét cho cùng thì TQ đi lên được là nhờ học theo Mỹ, làm gia công cho Mỹ, sử dụng các phát minh nền tảng của Mỹ.

Vì vậy, có thể thấy rằng Kissinger là một nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc Mỹ bỏ rơi VNCH, dẫn tới sự sụp đổ, khiến nhiều người Việt cho rằng ông ta là kẻ tội đồ.

No comments:

Post a Comment