Thursday, November 30, 2023

Biển Baltic và những thách thức chiến lược cho Nga
Minh Anh
Đăng ngày: 30/11/2023 - 15:34
RFI

Cuộc chiến kéo dài tại Ukraina đã dẫn đến việc tái cấu trúc địa chính trị triệt để tại vùng biển Baltic, cũng như những biến đổi sâu sắc về thế cân bằng quân sự giữa Nga và NATO. Tại vùng biển này, Nga đã bị mất thế mạnh và năng lực đe dọa các nước láng giềng với việc triển khai sức mạnh quân sự. Trên đây là một trong số các nhận định của nhà nghiên cứu địa chính trị Pavel Baev, Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo.

Diễu binh hải quân tại Baltiysk, căn cứ hải quân Nga ở vùng biển Baltic, ngày 28/07/2022. AP

Biển Baltic là vùng biển rìa lục địa nằm ở Bắc Âu. Với diện tích rộng 364.800 km², nhỏ hơn Địa Trung Hải đến sáu lần, biển Baltic xếp hạng thứ 40 thế giới về diện tích các vùng biển trên thế giới. Xét trên phương diện này, rõ ràng biển Baltic có một tầm quan trọng khá khiêm tốn.

Từ « ao nhà » Đức, Liên Xô đến « ao nhà » NATO

Tuy nhiên, vùng biển « chật hẹp, khép kín » này, với một lối ra duy nhất là eo biển Skagerrak để đi ra biển Bắc và được bao bọc bởi chín quốc gia là Thụy Điển, Phần Lan, Nga, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Đức và Đan Mạch, cho thấy đây là khu vực có những mối liên lạc, các lợi ích cốt lõi và tham vọng chồng chéo.

Chuyên gia địa chính trị Fabrice Ravel, trong chuyên mục « Rendez-vous de la Geopolitique » (Điểm hẹn địa chính trị), do ESCE – International Business School thực hiện, khi nhắc lại từng giai đoạn lịch sử, đã chỉ ra rằng vùng biển Baltic còn là một chỉ dấu cho thấy cường quốc thống trị trong khu vực:.

« Từ ngày 18/01/1871 cho đến ngày 11/11/1918, dưới thời đế chế Đức, người ta thấy rõ là đế chế Đức đã thiết lập toàn bộ thế thống trị của mình, nhất là ở phần phía nam của biển Baltic, đi từ Schleswig – Holstein, qua vùng Poméranie, rồi chúng ta có Tây Phổ và Đông Phổ. Do vậy, biển Baltic thời đó hoàn toàn là "ao nhà" của Đức.

Rồi trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến, mà thông qua việc tái cấu trúc, đã có những tranh giành lẫn nhau về quyền lãnh đạo. Nhưng từ năm 1945, biển Baltic là "ao nhà" của Liên Xô. Bởi vì người ta thấy rõ là điều quan trọng đối với ông Stalin thời đó là đòi lấy vùng Kaliningrad.

Bởi vì, trên thực tế, tại vịnh Phần Lan, nước biển bị đóng băng. Thế nên, điều chắc chắn đối với Nga là phải có được lối ra các vùng biển nước ấm 12 tháng trong năm. Vì vậy, khi kéo dài Hiệp ước Vacxava với Ba Lan và Cộng hòa Dân chủ Đức, Liên Xô đã có thể mở rộng thế mạnh của mình tại Ba Lan và Đông Đức. Và trên thực tế, biển Baltic đã trở thành "ao nhà" của Liên Xô. Xin nhắc lại là nước Đức thời đó đã bị cắt làm hai trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Rồi tình hình sau đó lại thay đổi, với sự sụp đổ của Bức tường Berlin, Chiến tranh lạnh kết thúc, Ba Lan gia nhập NATO năm 1999 và các nước vùng Baltic vào NATO năm 2004, "ao nhà" thuộc về NATO. »

Những ưu tiên chiến lược và hạn chế của Nga

Cho đến trước khi xảy ra cuộc chiến xâm lược Ukraina, biển Baltic vẫn luôn là một điểm nóng, một trục tương tác giữa Nga và phương Tây, cụ thể là NATO. Nhưng chiến dịch sáp nhập chớp nhoáng bán đảo Crimee của Matxcơva năm 2014 đã thật sự gây sốc cho giới quân sự phương Tây, khi chợt nhận ra thế yếu của mình trên mặt trận Baltic.

Phân tích lại một cách kỹ lưỡng các cuộc tập trận chiến lược Zapad-2013 vào tháng 9/2013, các cuộc tập trận không quân của Nga tháng 4/2013, NATO phát hiện là có thể mất ba đồng minh Baltic Estonia, Latvia và Litva chỉ trong vòng 60 giờ nếu Nga chiếm được hành lang Suwalki, nằm giữa Ba Lan và Litva, nhưng nối thành phố Kaliningrad của Nga với Belarus, một đồng minh của Matxcơva. Còn Thụy Điển có thể sẽ phải điều động một đội quân đồn trú mới có thể bảo vệ quần đảo Gotland, trước một cuộc đổ bộ của Nga từ Kaliningrad cách đấy tầm 350 km, theo một mô hình giả định.

Tuy nhiên, theo giáo sư Pavel Baev, chuyên gia địa chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình ở Oslo, nếu như ông nhìn nhận một chiến dịch tấn công quy mô lớn tại mặt trận Baltic chưa bao giờ là một phần trong số các tham vọng chính trị, hay như là ý định chiến lược của Nga trong suốt nửa cuối thập niên 2010, thì mặt trận này dường như đang bị Nga « bỏ rơi », và có khả năng làm suy yếu vị thế chiến lược vùng lãnh thổ Kaliningrad.

Ông viết : « Phần lớn ưu tiên chiến lược của Nga là dành cho Bắc Cực khi cho tăng cường mạnh mẽ hiện diện quân sự tại đây. Nga xem khu vực này như là một "trục chiến lược riêng biệt", khác hoàn toàn với mặt trận Baltic, không những trên phương diện địa lý (do triển vọng trở thành con đường hàng hải phía bắc), mà cả về mặt chiến lược. Khu vực này tập trung nhiều nguồn lực hạt nhân, chủ yếu ở bán đảo Kola. Tầm quan trọng của khu vực này còn được thể hiện rõ qua việc Nga chính thức cho thành lập Bộ tư lệnh chiến lược hỗn hợp mới cho hạm đội Biển Bắc và cấp cho bộ chỉ huy này quy chế huyện quân sự vào tháng Giêng năm 2021.

Cuộc chiến xâm lược Ukraina luôn là ưu tiên tuyệt đối trong kế hoạch và chuẩn bị quân sự, bao gồm cả những nỗ lực to lớn tái thiết cơ sở hạ tầng quân sự tại bán đảo Crimee, cũng như việc triển khai nhiều đơn vị và nguồn lực mới sang « pháo đài » này, được cho là để ngự trị Hắc Hải. »

Hệ quả là sự quan tâm chính trị dành cho mặt trận Baltic ngày càng ít dần. Hạm đội Baltic, từng đóng một vai trò chủ chốt trong các cuộc diễu binh hải quân (một nghi thức mới được tổng thống Vladimir Putin ban hành vào năm 2017), nay chỉ còn lại vài chiếc tầu hộ tống phóng tên lửa. Một trong những điểm yếu chiến lược khiến nhiều chỉ huy cao cấp của Nga lo lắng là thành phố Kaliningrad. Khu vực này từng được bổ sung nhiều đơn vị và nhiều trang thiết bị mới. Nhiều cơ sở hạ tầng đã được hiện đại hóa, đặc biệt là cho việc cất trữ đầu đạn hạt nhân.

Chiến tranh Ukraina và những hệ lụy

Chỉ có điều, khi phát động cuộc chiến xâm lược Ukraina, những đội quân quy ước cho phép Nga tiếp cận một loạt các giải pháp tấn công trên mặt trận Baltic, đã dần bị hao mòn. Ba trong số bốn tầu đổ bộ loại lớn đã được chuyển sang Hắc Hải. Nhiều lữ đoàn thiện chiến trú đóng ở Kaliningrad bị Nga rút đi và điều sang chiến trường Ukraina đã bị tàn sát.

Theo đánh giá của ông Pavel Baev, « mục tiêu chiến lược biến Kaliningrad thành một "thành trì" được vũ trang kiên cố để có thể thống trị phần trung tâm vùng biển Baltic trên thực tế đã bị từ bỏ, đặt dấu chấm hết cho những cuộc tranh luận thường xuyên gay gắt ở phương TâyThành công của đợt tấn công bằng tên lửa và drone hải quân của Ukraina nhắm vào các cơ sở quân sự ở bán đảo Crimée đã chứng tỏ rằng quân đội Nga vẫn chưa thể bảo đảm được tính liên tác chiến hiệu quả giữa các hệ thống vũ khí phòng thủ địa đối không và bờ biển khác nhau, cần thiết để mô hình chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận – A2/AD hoạt động hiệu quả. »

Không những thế, kế hoạch bổ sung tầu chiến có trang bị tên lửa cho hạm đội Baltic bị trì hoãn. Chương trình lắp ráp một loạt tầu hộ tống tàng hình mới đã bị từ bỏ. Các dữ liệu về tái bố trí không quân Nga trở nên ít hẳn trong khi các chiến dịch xâm nhập không phận Phần Lan và ba nước Baltic theo mô hình đánh chặn hầu như không còn nữa. Nhìn chung, đội quân đồn trú cho « pháo đài Kaliningrad » đã bị cắt giảm rất nhiều và khả năng bảo đảm an toàn cho chuỗi cung ứng cung bị biến mất, nhưng bộ chỉ huy cao cấp Nga vẫn ít quan tâm đến lỗ hổng chiến lược sâu rộng này.

Những động thái trên không những đã làm thay đổi sâu sắc cơ cấu chiến lược của Nga theo một nghĩa tiêu cực ở mặt trận Baltic, bẻ gãy phần nào tính liên kết chiến lược giữa Kaliningrad với bán đảo Kola ở mặt trận phía bắc, trong khi năng lực quân sự của NATO không ngừng củng cố khi có thêm sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển.

Không thể đảo chiều !

Một điểm khác đáng chú ý trong bài phân tích dài của ông Pavel Baev, đó là việc bỏ lơ mặt trận Baltic, đặc biệt là Kaliningrad, đe dọa đáng kể đến an ninh của đồng minh Belarus.

Ông viết : « Quân đội Nga và Belarus thường xuyên áp dụng nguyên tắc tính liên tác chiến, nhất là trong cuộc tập trận Zapad-2021, nhưng hiện nay các lực lượng hàng không – không gian của Nga là bên chủ yếu sử dụng các căn cứ không quân của Belarus để tiến hành các chiến dịch chống Ukraina, trong khi các đội quân trên bộ tiếp tục sử dụng một lượng lớn đạn dược từ trong kho vũ khí của Belarus. Ông Lukashenko theo dõi sát diễn biến cuộc chiến tại Ukraina với đầy nỗi lo lắng, cho rằng ông Putin có lẽ sẽ không có đủ quân có sẵn để triển khai nếu như những bất ổn dân sự - mà hai nhà độc tài diễn giải như là một chiến dịch "hỗn hợp" của NATO - lại nổ ra như vào mùa hè 2020 ».

Nỗi lo này của tổng thống Belarus phần nào đã được xác nhận. Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigu, khi chỉ còn hai tuần nữa là diễn ra cuộc tập trận chiến lược Zapad 2023 trong tháng 9/2023, đã thông báo hủy chiến dịch quân sự.

Trong bối cảnh này, giới chiến lược gia Nga nhìn nhận, khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương không những đã hùng mạnh hơn bao giờ hết trong ba thập niên gần đây. Trong nhãn quan của họ, NATO là một liên minh quân sự hung hăng có mục tiêu tấn công hơn là phòng thủ, cấu thành một mối đe dọa quân sự trực tiếp cho Nga. Kết luận tất yếu của những phân tích cứng rắn này là cường độ mối đe dọa quân sự quy ước cũng như là đe dọa « hỗn hợp » không thuần nhất và được hiện đại hóa đã gia tăng đáng kể ở sườn tây bắc, trong khi mà năng lực đáp trả đã suy giảm.

Nếu như phương Tây xem những thay đổi này chỉ mang tính giả tạo và nhất thời, thì tại Matxcơva, chúng được cảm nhận như là một điều không thể chấp nhận và không thể đảo chiều !

No comments:

Post a Comment