Nguyễn Vũ Mộc Thiêng - Chuyện nhỏ: Trường học và nghịch lý hàng rong
jeudi 30 novembre 2023
Thuymy
Báo chi đưa tin : “Sáng ngày 27/04/23, các em học sinh lớp 4, trường Tiểu học Tân Thành (thành phố Đồng Xoài, Bình Phước) chia nhau ăn gói kẹo mua ở cổng trường. Sau khi ăn xong, 8 em trong nhóm nghi bị ngộ độc với các biểu hiện mệt mỏi, nôn, đau bụng nên được đưa đến Trung tâm Y tế Đồng Xoài cấp cứu”.
Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài yêu cầu Phòng Giáo dục-Đào tạo chỉ đạo ban giám hiệu các trường học tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh và học sinh không mua đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhất là tại hàng quán và từ người bán hàng rong ở khu vực xung quanh trường để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của học sinh.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là chuyện dài vô tận ở Việt Nam? mà trường học chiếm một phần không nhỏ. Thông tin các em học sinh ngộ đọc vì ăn uống trước cổng trường hầu như tháng nào cũng có. Nhà trường nào cũng có căng tin nhưng nhiều em vẫn thích mua ngoài hơn, vì căng tin không có hoặc giá rẻ hơn. Một số trường đại học có khuôn viên rộng, sinh viên đông, có khu vực buôn bán thực phẩm, hàng tiêu dùng như chợ nhỏ.
Các trường quốc tế ở Việt Nam, phục vụ ăn chính và ăn xế, khuyến cáo phụ huynh không để con em mang thức ăn vào trường. Không trường nào có cảnh hàng rong xô bồ trước cổng. Trường Việt Nam thì ngược lại, chỉ khác ở mức độ. Các trường đại học, căng tin kiêm luôn nhà ăn nhưng hàng rong trước cổng vẫn nhộn nhịp. Có người bảo “Có cung có cầu”, lại tạo thêm công ăn việc làm và người lao động có thêm thu nhập”. Nghe cũng có lý, nhưng lợi bất câp hại.
Căng tin nhà trường cũng khó đảm bảo vệ sinh thực phẩm nói chi hàng rong trôi nổi. Cổng trường luôn chen chúc phụ huynh đưa, đón; phải gánh thêm hàng rong; càng ngột ngạt, kẹt xe. Ai cũng biết, thực phẩm mất vệ sinh ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, tốn chi phí điều trị khi học sinh bị ngộ độc. Chưa kể, học sinh phải nghỉ hoc, phụ huynh cũng vạ lây.
Hảng rong trước cổng trường, tạo thói quen ăn vặt, khuyến khích học sinh xài tiền từ mẫu giáo, thể hiện sự bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo qua việc xài tiền của từng học sinh. Điều tối kỵ trong bất cứ nền giáo dục nào. Trường học ở miền Nam trước 1975 không có căng tin nhưng hàng rong thì nhiều. Miền Bắc ngược lại. Chỉ có căng tin và hàng rong trước cổng trường từ sau những năm 1990.
Nguyên tác tối thượng của giáo dục là bình đẳng. Từ việc dạy, học đến ăn, ngủ, sinh hoạt. Giàu, nghèo là ở nhà và ngoài xã hội. Vào trường ăn uống, ngủ trưa (bán trú), nghỉ đêm (nội trú), đồng phục, ngoại khóa… đều như nhau. Việc bình đẳng chưa thể thực hiện ngoài xã hội, chí ít cần được thể hiện trong nhà trường.
Việc căng tin bán đủ thứ linh tinh và hàng rong trước cổng trường khuyến khích học sinh xài tiền. Em nào cũng muốn chứng tỏ minh có tiền. Những em không có hoặc có ít thì tự ti, mặc cảm. Có em đã lấy cắp để có tiền, không bị xem thường hoặc đãi lại bạn bè. Căng tin hiện nay chưa có trong điều lệ nhà trường và mỗi nơi làm một kiểu. Việc này cần thống nhất và đưa vào luật.
Ở những nước phát triển, các trường học đều có căng tin phục vụ ăn uống tối thiểu các bữa ăn, đảm bảo an toàn thực phẩm và không có hàng rong. Cũng cần đinh hướng, đưa vào giáo dục phổ thông việc dạy hoc sinh cách kiếm tiền và dùng tiền chính đáng, tránh ngộ nhận lệch lạc về tiền bạc và giàu nghèo trong xã hội. Biết cách kiếm tiền, xài tiền quá sớm hoặc quá trễ đều không tốt.
Cần nhất là dẹp sạch hàng rong trước cổng trường. Vừa tránh ngộ độc thực phẩm, không gian bớt xô bồ, vừa hạn chế học sinh ganh đua xài tiền, ăn vặt không cần thiết. Việc này, rất cần sụ tiếp sức của phụ huynh và chính quyền địa phương. Phu huynh không cho tiền hoặc nhắc con em không mua hàng rong. Chính quyền địa phương đảm bảo mỹ quan cổng trường và sắp xếp, tạo công ăn việc làm cho người bán hàng rong.
Song song, cần chuẩn hóa chất lượng và dịch vụ căng tin trong nhà trường, dù là hộ kinh doanh hay công ty phục vụ ăn uống cho thầy cô, học sinh, nhân viên.
Chuyện nhỏ nhưng tác hại lớn và có thể làm ngay.
NGUYỄN VŨ MỘC THIÊNG 30.11.2023 (Tác giả gởi cho trang Thụy My)
No comments:
Post a Comment