Thursday, November 30, 2023

Quy định “nồng độ cồn bằng không”: Có thật cần thiết?
Lê Anh Hùng
30-12-2023
Tiengdan

Chức năng của pháp luật

Luật pháp ra đời nhằm mục đích điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, qua đó bảo đảm trật tự và an toàn xã hội. Một điều luật đi vào cuộc sống khi nó nhằm thực hiện chức năng trên và được người dân tuân thủ. Người dân tuân thủ pháp luật trước hết vì pháp luật có chế tài (pháp luật mà không kèm theo chế tài thì coi như là ‘một mớ giấy lộn’). Cơ quan thực thi pháp luật sẽ chế tài người vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, để một quy định pháp luật đi vào cuộc sống thì yếu tố quyết định lại không phải là việc áp đặt pháp luật của cơ quan thực thi pháp luật, mà chủ yếu là nhờ ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Lý do rất đơn giản: Không một nhà nước nào có đủ điều kiện nhân lực và vật lực để áp đặt tất cả các điều luật do nó ban hành; ngân sách nhà nước không đủ nuôi một bộ máy như thế.

(Theo một nghiên cứu thì vào bất cứ thời điểm nào, nhà nước cũng chỉ có thể áp đặt được tối đa là từ 3-7% quy định pháp luật, nếu thiếu sự tuân thủ tự nguyện của người dân. Chẳng hạn, nhà nước lấy đâu ra người để áp đặt quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng nếu người dân không tự giác tuân thủ?)

Xã hội nào càng đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật” thì ý thức tuân thủ pháp luật của người dân trong xã hội đó càng cao. Do pháp luật là một cơ chế cưỡng bách được áp đặt từ trên xuống, nên ý thức tuân thủ pháp luật trong xã hội cũng bắt nguồn từ trên xuống. Nếu các quan chức không có ý thức chấp hành luật pháp, thì khó đòi hỏi người dân phải tuân theo luật. Dân gian có câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” hay “Nhà dột từ nóc” là vì thế.

Trên thực tế, chi phí áp đặt thi hành luật là rất lớn, nên hầu hết các điều luật đều chỉ trông chờ vào ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.

Chi phí của luật pháp

Chi phí của luật pháp gồm hai loại: Chi phí thực thi pháp luật và chi phí tuân thủ pháp luật. Chi phí thực thi pháp luật do cơ quan thực thi pháp luật bỏ ra (ngân sách nhà nước): Nhân lực, trụ sở làm việc, phương tiện vật chất… Chi phí tuân thủ pháp luật do đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật (người dân) phải bỏ ra: Thời gian, tiền bạc, công sức phải bỏ ra để đáp ứng các yêu cầu của pháp luật. Cả hai loại chi phí này đều là chi phí của xã hội, của nền kinh tế.

Vậy nên, cơ quan soạn thảo pháp luật cần phải cân nhắc bài toán chi phí–lợi ích để quyết định xem liệu có cần thiết phải ban hành một quy định pháp luật nào đó hay không, và cơ quan thực thi pháp luật cần cân nhắc xem mức độ áp đặt luật pháp đến đâu là hợp lý. Chẳng hạn, không thể vì muốn xã hội không còn người chết vì tai nạn giao thông mà cấm người dân tham gia giao thông, hoặc vì muốn xã hội không còn người chết vì tai nạn giao thông do bia rượu mà phải thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn của tất cả những ai điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Có nên quy định nồng độ cồn bằng không khi tham gia giao thông?

Trở lại với câu chuyện đang gây nhiều tranh luận gần đây: Đó là việc Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm.

Trước hết, cần phải khẳng định rằng cả việc áp đặt lẫn việc tuân thủ điều luật này đều gây ra nhiều chi phí cho xã hội: Một nhóm công an (cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự) đủ đông, tập trung tại một vị trí trên trục đường giao thông rồi chặn các phương tiện giao thông lại để yêu cầu người điều khiển phương tiện kiểm tra nồng độ cồn. Cơ quan chức năng phải trang trải chi phí cho việc huy động lực lượng thực thi pháp luật thì đã đành, ở đây người dân cũng phải mất nhiều chi phí tuân thủ pháp luật: Công sức và thời gian chờ đợi để được đo nồng độ cồn, chưa kể tiền nộp phạt, chi phí khi bị giữ xe, giữ bằng nếu vi phạm và cả các chi phí khác do nhỡ việc hay sai hẹn, v.v…

Tỷ lệ người vi phạm so với tổng số người bị giữ để kiểm tra nồng độ cồn thường không cao, nếu không muốn nói là thấp. Vì thế, điều này rõ ràng là gây lãng phí nguồn lực xã hội: Chi phí thực thi pháp luật của công an và chi phí tuân thủ pháp luật của người dân. Theo số liệu thống kê của Cục CSGT, trong 11 tháng năm 2023, lực lượng CSGT xử lý gần 700 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 23% tổng số vụ vi phạm giao thông), trung bình mỗi ngày xử lý khoảng 2.000 trường hợp. Hẳn mọi người có thể hình dung là, với 700 nghìn trường hợp vi phạm thì số trường hợp bị tạm dừng phương tiện giao thông để kiểm tra nồng độ cồn là bao nhiêu.

Cố nhiên, điều này cũng có tác dụng nhất định, ít nhất là trong ngắn hạn, hay chính xác hơn trong bối cảnh Việt Nam là chừng nào lực lượng chức năng còn thường xuyên duy trì việc chặn người điều khiển phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn. Tỷ lệ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng nồng độ cồn trong người vượt giới hạn cho phép thời gian qua đã giảm, và điều này ít nhiều cũng giúp làm giảm tai nạn giao thông.

Lực lượng chức năng trực tiếp thực thi pháp luật chắc có quan tâm đến thực tế tỷ lệ tai nạn giao thông do bia rượu giảm, nhưng có lẽ họ còn quan tâm nhiều hơn đến một điều còn thiết thực hơn nhiều: “Thành quả” mà họ nhận được khi thực thi pháp luật – đó là con số % tiền phạt mà họ được phép giữ lại, hoặc thậm chí toàn bộ số tiền mà người vi phạm hối lộ (do muốn tránh bị xử phạt, vừa mất tiền, vừa mất thời gian, công sức).

Vì thế, trong bối cảnh bị người dân phản ứng khi tuỳ ý tạm dừng phương tiện của họ để kiểm tra nồng độ cồn và đặc biệt là khi mà tỷ lệ người vi phạm không cao, lực lượng thực thi pháp luật, theo logic thông thường, chỉ muốn làm cách nào để xác suất “bắt được cá” sau mỗi lần “quăng lưới” càng cao càng tốt. Không còn nghi ngờ gì, cách tốt nhất ở đây dĩ nhiên là quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có nồng độ cồn bằng 0.

Khi đó, “động lực” khiến lực lượng chức năng thường xuyên “ra quân” sẽ tăng lên, kéo theo số người điều khiển phương tiện bị tạm giữ để kiểm tra nồng độ cồn tăng lên. Và dĩ nhiên, chi phí luật pháp mà xã hội và nền kinh tế phải gánh chịu sẽ tăng lên tương ứng, bất chấp thực tế là cơ sở khoa học và thực tiễn của cái quy định “nồng độ cồn bằng không” kia là thiếu thuyết phục (các quốc gia khác vẫn thường quy định ngưỡng nồng độ cồn được phép), thậm chí có những trường hợp bị oan bởi nồng độ cồn trong người họ vẫn có, dù họ không hề uống một giọt bia rượu nào.

Đến bao giờ thì người dân Việt Nam sẽ tự giác tuân thủ quy định cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông mà không cần phải có một lực lượng CSGT hùng hậu bậc nhất thế giới để tuỳ ý tạm dừng phương tiện giao thông hàng mấy triệu lần mỗi năm? Chắc chắn là một mình Bộ Công an sẽ không giải đáp được vấn đề này, nhưng giải pháp thì, dĩ nhiên, không thể thiếu họ.

No comments:

Post a Comment