Henry Kissinger trong mắt học giả Mỹ và cựu quan chức Việt Nam Cộng Hoà
VOA Tiếng Việt
30/11/2023
VOA
Có nhiều tranh cãi về vai trò lịch sử của Tiến sĩ Kissigner trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều người ủng hộ Việt Nam Cộng Hoà quy lỗi cho Kissinger là đã tiếp tay với cộng sản miền Bắc để thôn tính miền Nam đưa tới sự cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hoà.
Giáo sư Larry Berman nói người miền Nam hoàn toàn có lý do để ‘cảm thấy cay đắng về sự dối trá của Kissinger’ trong các cuộc thương thuyết với Hà nội; và, nếu phải viết một câu lên mộ chí của Kissinger, thì câu đó nên là: “Một nhân vật đáng gờm nhưng gây tranh cãi, quan trọng nhưng dối trá.”
Một chuyên gia về chính trị và chính sách đối ngoại từng nghiên cứu về các nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, cũng là một chuyên gia về chiến tranh Việt Nam, Tiến sĩ Larry Berman, từng nhận định về vai trò của Henry Kissinger trong lịch sử: “Tiến sĩ Kissinger là nhân vật lịch sử đáng kể, quan trọng nhưng gây nhiều tranh cãi. Ông từng là một Ngoại trưởng đầy quyền lực, có rất nhiều ảnh hưởng dưới thời Tổng thống Nixon. Trong những năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Nixon, Kissinger là Cố vấn An ninh Quốc gia có thế lực và trước đó ông đóng một vai trò thiết yếu trong giai đoạn chuyển tiếp quyền lực giữa Tổng thống Johnson và Tổng Thống Nixon.”
Sau khi Tổng Thống Nixon từ chức, Kissinger vẫn duy trì được uy tín trong tư cách là một nhà tư tưởng, một nhà diễn thuyết, một chính khách lão thành được nhiều đời Tổng thống Mỹ tham khảo ý kiến và xin cố vấn về một loạt vấn đề liên quan tới chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế.
Có nhiều tranh cãi về vai trò lịch sử của Tiến sĩ Kissigner trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều người ủng hộ Việt Nam Cộng Hoà quy lỗi cho Kissinger là đã tiếp tay với cộng sản miền Bắc để thôn tính miền Nam đưa tới sự cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Tiến sĩ Larry Berman nói ông Kissinger đã không chấm dứt chiến tranh Việt Nam, điều mà ông ta làm là ‘chấm dứt sự can dự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam’.
“Đây có thể là một trong những vai trò gây nhiều tranh cãi nhất. Tôi nghĩ các tài liệu lịch sử đã chứng minh việc này. Đó là cá nhân ông Kissinger phải chịu trách nhiệm đã đánh lạc hướng miền Nam Việt Nam rồi nuốt lời hứa với Tổng thống Thiệu, ông ấy quan tâm hơn tới việc thương thuyết với Lê Đức Thọ của miền Bắc hơn là ông Thiệu, và giải pháp mà ông ta thương lượng bí mật với miền Bắc mà không hề tham khảo ý kiến của đồng minh Việt Nam, về cơ bản, là một ‘hiệp định tự sát’ đối với quốc gia trước đây được gọi là Nam Việt Nam.”
Tổng thống Thiệu đã vô cùng giận dữ khi rốt cuộc phát hiện ra những nhượng bộ hết sức vô lý của Kissinger, kể cả rút quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam trong khi chấp nhận cho Hà nội duy trì các lực lượng của họ ở miền Nam. Và sau khi sự đã rồi, Kissinger tìm đủ mọi cách để tăng sức ép buộc Tổng thống Thiệu ký hiệp định để giữ những cam kết đã hứa với Lê Đức Thọ.
Tiến sĩ Berman, từng nói trong cuộc phỏng vấn trước đây với VOA: “Ông Thiệu giận tới mức đòi Nixon phải cung cấp thư từ và tài liệu mật khác, bảo đảm máy bay ném bom B 52 của Mỹ sẽ quay trở lại, nếu và khi nào hiệp định bị vi phạm, điều mà cả ông Nixon lẫn ông Kissinger đều tin sẽ xảy ra. Thế nhưng vụ tai tiếng Watergate đã làm hỏng kế hoạch đó, tới khi chuyện xảy ra, đồng minh nuốt lời hứa trên giấy trắng mực đen, và không có máy bay B 52 nào trở lại Việt Nam.”
Thế mà nhờ những cuộc “đi đêm” đó, Hàn Lâm viện Thụy Điển đã chọn hai ông Kissinger và Lê Đức Thọ cho Giải Nobel Hòa Bình. Kissinger nhận giải nhưng đối tác Lê Đức Thọ từ chối, viện lý do “Hòa bình vẫn chưa đến với Việt Nam.”
Trả lời câu hỏi của VOA Tiếng Việt, nhìn lại, liệu hai ông Lê Đức Thọ và Kissinger có xứng đáng được vinh danh với Giải Nobel Hòa Bình, Giáo sư Berman nói trên thực tế “không một phút giây hòa bình nào đến với Việt Nam sau khi đạt được hiệp định.”
“Tôi không tin là hai ông xứng đáng nhận Giải Nobel. Có thể nói sự mỉa mai đã lên đến tột cùng nếu hai ông cùng nhận Giải Nobel. Nhưng rốt cuộc chỉ có ông Kissinger đồng ý nhận giải.”
Về quan điểm và phần trách nhiệm của Tổng Thống Nixon trong những quyết định liên quan tới Việt Nam dẫn tới sự sụp đổ của chế độ miền Nam, so với vai trò của ông Kissinger, Tiến sĩ Larry Berman nói theo ông, có sự khác biệt lớn giữa Tổng Thống Nixon và Tiến sĩ Kissinger: “Tôi tin rằng Kissinger không quan tâm, ông ấy chỉ muốn có một khoảng cách thời gian tương đối từ lúc ký hiệp định tới lúc miền Nam sụp đổ, đủ để người ta không quy lỗi cho ông, theo lối ‘miễn là Nam Việt Nam sụp đổ nhưng không quá gần lúc mà tôi ký hiệp định, thì không ai có thể đổ lỗi cho tôi’.”
Nixon thì khác, Tiến sĩ Berman tin rằng nếu không có vụ tai tiếng Watergate, Tổng Thống Nixon chắc chắn đã giữ lời hứa với Tổng thống Thiệu: “Không có cách nào ông Nixon lại để sử sách ghi chép rằng miền Nam Việt Nam đã cáo chung dưới quyền ông, trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Cho nên tôi tin rằng Nixon đã giữ những cam kết của ông. Về phần Kissinger thì cố thuyết phục ông Nixon rằng không cần làm như thế, chúng ta đã làm đủ rồi.”
Trong cuốn “No Peace, No Honor” - “Không Hòa bình, Chẳng Danh dự”, Tiến sĩ Larry Berman nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ, người Mỹ để cho một đồng minh của mình cạn súng đạn trong lúc đang phải tự bảo vệ lấy mình.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA Tiếng Việt trước đây, ông Hoàng Đức Nhã, Bí Thư Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, bày tỏ sự phẫn nộ của ông về vai trò và những lời lẽ bất nhã của ông Kissinger về ông và Tổng thống Thiệu, khi lãnh đạo miền Nam kháng cự áp lực của Kissinger ép Tổng thống Thiệu ký một hiệp định bất lợi cho miền Nam Việt Nam.
Giáo sư Larry Berman, tác giả cuốn “The Perfect Spy – Điệp viên hoàn hảo” về Phạm Xuân Ẩn, xác nhận tin này: “Sau lưng họ, Henry Kissinger nói xấu về Tổng thống Thiệu và ông Nhã và trong nhiều tài liệu được giải mật, chúng ta có thể tự kiểm chứng trên mạng bằng cách truy cập các tài liệu nay được phổ biến, trong đó có một câu mà tôi nhớ, khi ông Kissinger thừa nhận ông đã giữ Tổng thống Thiệu và các quan chức Việt Nam Cộng Hoà trong thế ‘cóc ngồi đáy giếng’ nhìn lên chỉ thấy bóng tối trong khi ông ta thương lượng về tương lai của Nam Việt Nam với Lê Đức Thọ. Thế cho nên tôi hoàn toàn đồng ý với ông Hoàng Đức Nhã về nhận định đó.”
Nhận xét về Tiến sĩ Kissinger, một nhân chứng khác thời ấy, ông Bùi Diễm, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Hoa Kỳ, lúc sinh thời từng nói với VOA: “Đứng về phương diện ngoại giao thì Kissinger có rất nhiều ý kiến gọi là dàn xếp trên chính trường quốc tế, nhưng trường hợp ông ấy đối xử với Việt Nam thì tôi phải thành thực nói rằng ông ấy không lý gì tới số phận của người dân Việt Nam, và cái đó là một điều mà tôi vẫn cho rằng ông ấy thiếu sót lớn trong việc điều khiển ngành ngoại giao Hoa Kỳ.”
Trong cuộc phỏng vấn dành cho VOA Tiếng Việt trước đây, ông Bùi Diễm từng nói Kissinger là người có những định kiến về vấn đề ngoại giao, và nhiều năm trước Hiệp định Paris, ông đã viết một bài báo về tương lai của Việt Nam qua một cuộc điều đình. Khi có cơ hội tham gia chính phủ Tổng thống Nixon sau này, Kissinger đã ‘đi đêm với những người cộng sản’ bất chấp sự sống còn của đồng minh.
Và rằng: “Điều đình lớn trên chính trường quốc tế mà chỉ nghĩ đến làm thăng bằng cán cân trên thế giới mà không nghĩ đến quyền lợi, sự sống còn của những dân tộc mà Hoa Kỳ đã hứa giúp đỡ, thì đó là điều mà người Việt Nam và các nước nhỏ khác cũng phải nghĩ đến khi giao thiệp, trông chờ vào người Mỹ.”
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây dành cho VOA về đề tài 30/4, ông Hoàng Đức Nhã, từng là Bí Thư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và là Tổng Trưởng Dân Vận - Chiêu Hồi từ 1973, nhận xét như sau về vai trò của Tiến sĩ Kissinger: “Vai trò của ông Kissinger trong vấn đề đem đến hòa bình thì dĩ nhiên là … một vết nhơ trong bang giao giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà.”
Giáo sư Larry Berman nói người miền Nam hoàn toàn có lý do để ‘cảm thấy cay đắng về sự dối trá của Tiến sĩ Henry Kissinger’ trong các cuộc thương thuyết với Hà nội.
Và ông kết luận, nếu phải viết một câu lên mộ chí của Kissinger, thì câu đó nên là: “Một nhân vật đáng gờm nhưng gây tranh cãi, quan trọng nhưng dối trá.”
No comments:
Post a Comment