Rắc hoa tươi lên vũng lầyBình luận của Nguyễn Nhơn
2023.11.29
RFA
Báo Chính Phủ
Xời, tưởng gì!
Chứ chuyện thanh tra ăn hối lộ toàn đoàn, nó cũ xì, cũ mèm, cũ rích, cũ người đời đi qua không thèm ngó lại một cái như cái gáo dừa múc nước của bà ngoại tui.
... thì lại thanh kiu
- Đầu năm 2012, Nguyễn Minh Tuấn, thanh tra viên thuộc Ban Thanh tra đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng một số cán bộ khác đi kiểm tra hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa phận tỉnh Yên Bái, phát hiện đơn vị thi công đào hố chôn cột điện chỉ cách mép đường khoảng một mét, vi phạm chỉ giới an toàn giao thông. Tuấn đòi hối lộ 19 triệu đồng để bỏ qua.
-Tháng 4/2019, một thanh tra viên thuộc Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đe dọa, ép buộc đối tượng bị thanh tra phải đưa tiền để bỏ qua sai phạm và bị công an bắt quả tang khi đang nhận tiền.
-Tháng 6/2019, Đoàn thanh tra thuộc Bộ Xây dựng phát hiện một doanh nghiệp có nhiều nghi ngờ dàn xếp trong đấu thầu và một số vi phạm khác trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó phòng Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng, trưởng đoàn thanh tra đòi doanh nghiệp chung chi để “làm mờ”. Doanh nghiệp đã đưa hơn hai tỷ đồng.
-Tháng 3/2020, năm người là cựu thanh tra tỉnh Thanh Hóa bị tòa án tỉnh này tuyên phạt tổng cộng 154 tháng tù giam vì tội vòi tiền hối lộ của ba doanh nghiệp.
-Năm 2021, “một số” (không rõ bao nhiêu) cán bộ Thanh tra Chính phủ bị khởi tố, tạm giam vì nhận hối lộ trong vụ án ngân hàng SCB. Hai cán bộ bị khai trừ khỏi Đảng, các cán bộ liên quan đến vụ án bị buộc thôi việc.
-Tháng 3/2023: Cán bộ thanh tra tỉnh Lai Châu cùng hai cán bộ ở các sở khác cùng tham gia đoàn thanh tra các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Sau khi quyết định thanh tra được ban hành, chín người là nguyên và đương chức Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ của bảy huyện đã liên hệ, bàn bạc và thống nhất góp 560 triệu đồng hối lộ đoàn thanh tra để xin giảm bớt các sai phạm. Trưởng đoàn thanh tra nhận và chia tiền cho các thành viên trong đoàn.
Cũng trong tháng 2/2023, Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng bị bắt vì nhận hối lộ liên quan dự án khu đô thị Nam Đà Lạt (công ty Sài Gòn-Đại Ninh). Đến nay sau 13 năm triển khai, dự án chỉ thực hiện được một số hạng mục phụ và đã xuống cấp nghiêm trọng. Dự án đã để cho rừng bị phá đến hơn 257 ha và trên 111 ha bị lấn chiếm.
-Tháng 5/2023: ít nhất năm đội trưởng, đội phó, cán bộ thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị bắt vì nhiều lần nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.
-Cán bộ thanh tra hiện nay rất dễ dãi, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra (nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, 2022).
Tóm lại, Thanh tra thì cũng như Đăng kiểm, Ngoại giao, Hàng không, Lãnh sự, cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, Hải quan, xây dựng… Không ăn của dân thì cạp đất cho no à?
Tự xửa từ xưa, dân gian đã lan truyền câu ca dao mới về ngành thanh tra như sau:
Thanh tra, thanh mẹ, thanh dì
Cứ có phong bì thì lại thanh-kiu (thank you)
Ai phanh? Ai nhắc?
Ông Trần Ngọc Chanh, từng là Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình kể với báo chí, vào khoảng gần chục năm trước: “Trong thời gian 15 năm (1991 - 2005) làm công tác thanh tra, tôi đã trực tiếp tham gia hàng trăm cuộc thanh tra trên đủ các lĩnh vực, nhưng nhiều nhất là thanh tra về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và các chương trình, dự án lớn. Thực tế, không phải cuộc thanh tra nào cũng xuôi chèo mát mái. Nhiều cuộc thanh tra đã gần về đến đích, lại bị "phanh". Và, có cuộc thanh tra vừa triển khai đã bị "nhắc", thậm chí phía bị thanh tra còn đặt vấn đề "bồi dưỡng", ngỏ ý "xin".
Chỉ khi biết tỏng tòng tong nội bộ có nhiều vi phạm nghiêm trọng thì mới sợ thanh tra sẽ soi ra sai lỗi. Biết rõ rằng nếu khui ra sẽ động ổ động dây, liên đới đến những ông anh bà chị nào đó, thì mới có lời văng vẳng từ trển xuống nhắc nhở các chú thanh tra đừng hăng quá, nhìn trước ngó sau mà làm, kẻo mang vạ vào thân.
Nhưng ai “phanh”? Ai “nhắc”? Là ai mà dám can thiệp vào hoạt động chuyên môn của một cơ quan Nhà nước đặc thù như Thanh tra? Là ai nhăn trán mà cuộc thanh tra đã sắp hoàn tất kết luận lại buộc phải dừng? Là ai mà cuộc thanh tra vừa mới bắt đầu đã có thể giơ tay vẽ vòng phấn Tam Tạng nhốt Tôn Ngộ Không?
Chỉ có thể từ những “ai” đó có quyền lực khuynh loát cả cơ quan thanh tra, mới có cơ hội dính líu lợi ích sâu sắc. Chỉ khi lo sợ “trạng chết chúa cũng băng hà” thì mới có cái gan chạy tội ngang nhiên như thế.
Ông Chanh đã dùng từ rất đắt để lột tả bản chất của thực trạng liên kết lợi ích, hình thành những đường dây cộng sinh giữa quan chức và doanh nhân.
Năm 2022, Tổng thanh tra Chính phủ ra quyết định cấm cán bộ công chức viên chức trong Thanh tra Chính phủ nhận tiền, quà, tài sản, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra. Thứ nhất, nó bộc lộ thực trạng rằng những hành vi bị cấm vốn đã xảy ra rất phổ biến. Thứ hai, như tất cả các cấm đoán khác, nó vô hiệu. Trong nội bộ cơ quan thanh tra, ai cũng hiểu nếu không nhận “bồi dưỡng” của doanh nghiệp thì chẳng mấy ai kiên trì để theo nghề cả.
Một số người ban đầu cũng tự an ủi rằng nếu không làm sai lệch kết quả thanh tra thì việc nhận tiền quà của đối tượng thanh tra không phải là hành vi sai trái gì cả.
Nhưng…
Quý vị có biết lương của nghề thanh tra là bao nhiêu không?
Ở ngạch thanh tra viên cao cấp, mức lương cao nhất được trả là 14,4 triệu đ/tháng. Ngạch này chia làm sáu bậc, thấp nhất là hơn 11 triệu đồng/tháng. Các bậc chênh nhau khoảng 700.000đ.
Ở ngạch thanh tra viên chính, mức lương cao nhất là 12, 2 triệu đ/tháng, thấp nhất gần tám triệu đ/tháng. Có tám bậc, chênh nhau khoảng 600.000 đ.
Ngạch thanh tra viên, mức lương cao nhất gần 8,4 triệu đ/tháng. Có chín bậc, chênh nhau khoảng 500.000.
Mà chỉ mới đầu tháng 7 năm nay thì họ mới được hưởng mức lương như trên (đã tăng). Còn trước đó thì thấp hơn khoảng hai triệu đồng/bậc. Thanh tra viên cao cấp có hệ số cao nhất chỉ 11,9 triệu đ/tháng. Ngạch Thanh tra viên mức thấp nhất thì chưa đến 3,5 triệu đ/tháng.
Từ thanh tra viên lên đến thanh tra cao cấp tối thiểu phải mất 17 năm. Để được mức lương 11 triệu đồng/tháng.Cộng thêm vào đó là phụ cấp trách nhiệm, phu cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thiên vượt khung (nếu có), tối đa khoảng vài triệu đồng/tháng nữa. Kịch kim, tổng thu nhập cao nhất của Tổng thanh tra Chính phủ cũng không thể quá 20 triệu đồng/tháng.
Tóm lại, mức lương thanh tra chỉ đủ để tồn tại, còn với thanh tra viên mới vào nghề thì chỉ đủ cầm hơi mà sống.
Ấy thế mà, lành thay! Hàng ngày họ lại phải tiếp xúc với rất nhiều tiền và vô số lợi ích!
Chẳng khác gì thả một con hổ bị bỏ đói lâu ngày vào chuồng dê, rồi viết nghị quyết ra lệnh nó phải nghiêm túc làm một tấm gương ăn chay cho bầy dê vậy.
Nhưng không phải lúc nào tại cơ quan bị thanh tra cũng có cạm bẫy. Cho dù không có phốt nào chăng nữa, doanh nghiệp hoặc các cơ quan tổ chức đang được thanh tra luôn luôn tìm mọi cách cư xử thật tốt với đoàn thanh tra. Về nguyên tắc, đoàn thanh tra phải tự lo cơm nước và di chuyển khi đi thanh tra tại cơ sở, nhưng hầu như tất cả các đơn vị đang được thanh tra đều biết ý mà bỏ tiền lo cực kỳ chu đáo những khoản ăn nghỉ của đoàn. Đấy là nói ở mức độ thấp nhất. Rồi thì quà, tiền “bồi dưỡng anh em làm việc vất vả”, những hứa hẹn giúp đỡ cơ hội làm ăn...
Có là thánh thì mới không cảm thấy xao xuyến trước những lợi ích từ rất lặt vặt, rất nhỏ ấy.
Người thanh tra thường có tâm lý phẫn nộ và bất lực.
Đời đục cả, mình ta trong là dại
Do bản chất công việc, họ tiếp xúc với đơn thư tố cáo tất tần tật mọi góc độ từ sinh hoạt đời sống trụy lạc đến phạm pháp tày đình, cấu kết chặt chẽ tinh vi. Người cán bộ thanh tra biết rõ những liên minh cánh hẩu, những nhóm lợi ích ma quỷ sâu-bền-rộng đến khó tin, cũng như thường xuyên chứng kiến sự giả dối, hai mặt của nhiều quý đồng chí chưa bị lộ. Đối diện với sự đảo điên ấy, chỉ có đồng lương của họ là vẫn vững chắc không thay đổi qua thời gian. Nên càng dày nghề, càng chứng kiến nhiều cuộc thanh tra bị “phanh”, bị “nhắc”, người cán bộ thanh tra vững vàng đến mấy cũng sẽ có lúc gác tay lên trán tự hỏi: “Mình cam chịu nghèo túng để giữ được một hạt cát lương thiện, nhưng các ông to thì một tay đánh trống khua chiêng hùng hồn ca ngợi đạo đức và bắt mọi người tuân theo, tay kia thì vơ vét cả một đại dương tiền của. Làm gì có sự chính trực, mà chỉ là một màn mị dân để tiếp tục lừa những thằng ngu bán mạng. Mình trong sạch liêm khiết để được gì khi (các) cấp trên ăn bẩn như thế? Đối tượng bị thanh tra phạm pháp nhưng được che đậy kín kẽ từ nhiều tầng đến thế, nỗ lực lôi ra ánh sáng của mình liệu có thành công hay chuốc họa vào thân, bị đe dọa, vu khống, thậm chí có thể bị sát hại?
Cạnh đó, thử hỏi thời buổi này doanh nghiệp nào có thể hoàn toàn trong trắng mà vẫn làm ăn có lãi? Họ kinh doanh tiền trăm tỷ nghìn tỷ, cho mình vài chục triệu để “làm mờ” vài điểm không quan trọng thì thấm vào đâu, cũng chẳng sai trái gì. Đầy chỗ sai kinh khủng mà có dù to nên vẫn vững như bàn thạch kìa.
Cả xã hội đục, một mình ta trong thì có ý nghĩa gì? Thậm chí còn bị gọi là ngu xuẩn”.
Ngành thanh tra và các đại biểu Quốc hội tỏ vẻ rất nghiêm túc yêu cầu những quy định về đạo đức công vụ của người cán bộ thanh tra. Nhưng hình như chẳng ai thấy cần phải thay đổi đồng lương chết đói và yêu cầu kỳ quặc của người cán bộ thanh tra như thế nào.
***
________
Tham khảo:
http://www.cema.gov.vn/2012-01-17/26a9730049d32c59b3f8bffe318d14f8-cema.htm
https://vov.gov.vn/5-cuu-thanh-tra-tinh-thanh-hoa-nhan-hoi-lo-linh-an-tu-dtnew-154857
No comments:
Post a Comment