Wednesday, November 29, 2023

VNTB – Dự án điện gió ở Quảng Trị đổi chủ
Thạch Hãn
30.11.2023 5:04
VNThoibao


(VNTB) – Dự án điện gió ở vùng biên giới Quảng Trị xin bán hơn 50% cổ phần cho doanh nghiệp Trung Quốc.

 Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho biết đã nhận được văn bản đề nghị của Công ty cổ phần Điện gió Khe Sanh về việc chuyển nhượng trên 50% cổ phần của dự án điện gió Amaccao Quảng Trị 1 do công ty này sở hữu. Bên mua cổ phần được xác nhận là hai công ty đều có trụ sở ở Trung Quốc, gồm CNNC Overseas International Investment Limited (trụ sở tại Wanchai, Hong Kong) và Công ty TNHH Công trình đối ngoại Zhongyuan Trung Quốc (đặt tại Bắc Kinh).

Dự án điện gió Amaccao Quảng Trị 1 có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng và đã vận hành thương mại toàn phần từ trước 1-11-2021. Dự án này có quy mô xây dựng gồm 12 trụ tua bin gió; lưới cáp ngầm 35kV, dài 6km liên kết các tua bin; trạm biến áp nâng áp 35/220kV; đường dây 220 kV… Địa điểm thực hiện trải dài qua các xã Tân Liên, Húc, Hướng Lộc và thị trấn Khe Sanh với tổng diện tích trên 22ha.

Trước đó hai dự án điện gió của Công ty cổ phần tập đoàn GELEX cũng tại địa bàn huyện Hướng Hóa đã có văn bản xin được chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty Sembcorp Solar Vietnam Pte Ltd, là công ty con của Tập đoàn Sembcorp Industries (Singapore). Hai dự án này gồm Điện gió GELEX Quảng Trị và Điện gió Hướng Phùng.

Các dự án điện gió nói trên nằm ở vùng biên giới Hướng Hóa và bên nhận chuyển nhượng cổ phần có yếu tố nước ngoài. Hiện cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đều chưa đưa ra văn bản phản hồi.

Đáng chú ý, việc chủ đầu tư xin chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư ngoại diễn ra chỉ khoảng một tháng sau khi khu đất dự án được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, trong tổng cộng 22ha đất dự án, gần 17ha đất mục đích công trình năng lượng, với thời hạn sử dụng 50 năm đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp sổ trong cùng ngày 21-8 vừa qua.

Ông Ngô Văn Trình là người ký tên trong văn bản ngày 29-9-2023 với chức danh Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Điện gió Khe Sanh đề xuất chuyển nhượng cổ phần gửi UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay ông Trình đã nghỉ công tác tại công ty và chỉ giữ vai trò “kết nối”.

Ghi nhận chung, một số hộ ở các địa phương có dự án điện gió của Quảng Trị đã tạm thời thoát nghèo nhờ nhận tiền đền bù, và cách này ai cũng hiểu là không bền vững. Có gia đình mạnh dạn phát triển kinh tế bằng cách đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt nhưng chỉ là thiểu số.

Dự án điện gió, cái lợi lớn nhất là đường sá được nâng cấp, dân bản có điều kiện mở rộng giao thương, buôn bán. Ở chiều ngược lại, đồng bào mất đất sản xuất, mất môi trường, cảnh quan, mất cả tình làng nghĩa xóm.

Theo xác nhận của lãnh đạo địa phương, một số công ty không cam kết bảo vệ môi trường theo quy định, họ ngang nhiên đổ chất thải vương vãi khắp nơi, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước sinh hoạt thường ngày và quá trình canh tác.

Số liệu thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá – Đakrông cho biết trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 11 dự án điện gió phải tiến hành chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ sang mục đích khác, quy mô trên 66 ha. Dẫn đầu là Nhà máy điện gió Phong Nguyên với hơn 11,5 ha; điện gió Tân Linh hơn 10,2 ha; điện gió Phong Huy trên 9 ha…

Trong một diễn biến liên quan, Tập đoàn Orsted là doanh nghiệp do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối và là công ty lớn phát triển thành công các dự án điện gió lớn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đã dừng đầu tư tại Việt Nam.

Orsted quyết tâm bỏ “cuộc chơi” ngay trước khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, bất chấp rất nhiều thời gian, chi phí cơ hội mà tập đoàn này đã bỏ ra từ năm 2020 tới nay. Theo đó, ngay trước thềm năm 2023, người đại diện phát ngôn của Orsted đã đưa ra thông điệp rõ ràng về yếu tố quyết định then chốt cho kế hoạch đầu tư của họ đó là chính sách, hướng dẫn từ Nhà nước để khuyến khích và thúc đẩy các nhà đầu tư.

Orsted cho biết, các chính sách chủ chốt liên quan đến triển khai và mua điện từ dự án Điện gió ngoài khơi bị chậm trễ và không rõ ràng. Orsted đánh giá, ngay cả sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, thị trường vẫn phải chờ kế hoạch triển khai nhằm xác định phân bổ mục tiêu công suất cho từng thời kỳ cũng như quy định hướng dẫn về cơ chế lựa chọn nhà đầu tư.

Thêm vào đó, cơ chế mua điện của Chính phủ từ các dự án điện gió ngoài khơi hiện vẫn chưa rõ ràng. Nhiều người băn khoăn sẽ là cơ chế thông qua đàm phán thương mại trực tiếp dựa trên giá trần hay cơ chế đấu thầu cạnh tranh về giá hay một mức giá mua điện cố định trong một thời gian có lợi cho nhà đầu tư.

Orsted Việt Nam cho biết, không có kế hoạch nộp lại hồ sơ xin chấp thuận các hoạt động khảo sát đánh giá tài nguyên biển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như sẽ không tiến hành bất kỳ hoạt động phát triển nào cho các dự án điện gió ngoài khơi chung của 2 bên.

Theo giới phân tích, việc Orsted rút chân khỏi hoạt động phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam có sự ảnh hưởng nhất định từ độ trễ của khung chính sách hướng dẫn, phát triển dành cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các thách thức từ thị trường quốc tế như đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao, chi phí đầu tư tăng cũng tác động đến hành động của Orsted tại Việt Nam.

Những nhà đầu tư Trung Quốc đã ‘trám’ ngay khoảng trống này của Orsted.


No comments:

Post a Comment