Sunday, November 26, 2023

VNTB – Khai thác bauxite khiến nguồn nước bị ô nhiễm
Hùng – Sơn
27.11.2023 1:07
VNThoibao



(VNTB) – Từ năm 2021 đến nay, việc khai thác quặng bauxite ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng khiến nguồn nước ngầm bị chuyển màu vàng quạch…

 Địa bàn xã Lộc Ngãi, UBND huyện Bảo Lâm đã thu hồi hơn 257 héc ta đất sản xuất nông nghiệp và đất ở để bàn giao cho tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng. Tuy nhiên đến nay, vì nhiều lý do, việc đền bù, di dời chưa hoàn thành. Trong khi đó, đơn vị này đã triển khai các hoạt động khai thác khiến đời sống người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Bà Phan Thị Nhuệ ngụ xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm cho biết, nguồn nước gia đình bà bơm từ giếng đào sâu hơn 20 mét lên bể chứa luôn trong tình trạng nhuộm vàng bùn đất không thể sử dụng. “Để có nguồn nước tắm rửa, giặt giũ, gia đình tôi phải đi chở nước từ giếng khoan cách nhà hơn 500 mét. Còn nước uống phải mua nước bình về sử dụng”, bà Nhuệ nói thêm.

Ngoài ra, việc công ty Nhôm Đồng Lâm Đồng khai thác bauxite quá gần khu dân cư cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước này. Theo ông Bế Văn Thắng – trưởng thôn 7, xã Lộc Ngãi, thôn 7 có 280 hộ dân, với 1.200 nhân khẩu. Từ trước đến nay, nguồn nước sinh hoạt của bà con đều dựa vào giếng đào và giếng khoan. Thế nhưng, gần 1 năm qua, khi Công ty Nhôm Đồng khai thác quặng gần với khu dân cư đã khiến nguồn nước giếng của hàng chục hộ dân trong thôn bị chuyển màu.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Thái, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng – TKV xác nhận, nguyên nhân khiến nước giếng đào của bà con thôn 7, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, chuyển sang màu vàng đục, lẫn nhiều tạp chất là do ảnh hưởng của hoạt động khai thác quặng bauxite. Điều này cũng đã được công ty tiên lượng trước khi tiến hành khai thác quặng tại khu vực trên.

Do đó, từ tháng 6-2021, doanh nghiệp đã đề nghị Nhà máy nước Bảo Lâm khảo sát để lắp đặt và cung cấp nước máy sinh hoạt cho người dân tại khu vực thôn 7, xã Lộc Ngãi nhưng việc lắp đặt nước máy không triển khai được do khoảng cách quá xa và chênh lệch địa hình. Giải pháp cuối cùng được đưa ra là tiến hành khoan giếng với độ sâu lớn để cung cấp nước sạch cho bà con. Ngoài ra, công ty cũng đã hỗ trợ người dân mua máy lọc nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, ăn uống hằng ngày.

Liên quan về chuyện quy hoạch bauxite, mới đây UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương có cơ chế để tháo gỡ khó khăn của địa phương liên quan đến việc quy hoạch các mỏ bauxite trên địa bàn với diện tích rộng và thời gian triển khai lâu, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, bà Trần Tuệ Hiền cho biết, hiện nay diện tích quy hoạch mỏ bauxite trên địa bàn rất lớn; trong đó, mỏ bauxite Thống Nhất tại huyện Bù Đăng, Đồng Phú và Bù Gia Mập với diện tích lên đến 34.132 ha; mỏ Thọ Sơn tại huyện Bù Đăng diện tích 15.890 ha; khu vực Nghĩa Hòa diện tích 15.115,4 ha; khu vực Sóc Bom Bo huyện Bù Đăng diện tích 10.820 ha.

Bà Trần Tuệ Hiền cho rằng, việc quy hoạch mỏ bauxite với diện tích rộng, thời gian lâu dài, nếu chưa đưa vào khai thác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân trong vùng quy hoạch. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến nhiều dự án, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho dân sinh, phục vụ sản xuất kinh doanh không thể triển khai do vướng quy hoạch bauxite.

Theo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 2 dự án thăm dò bauxite, 1 dự án khai thác bauxite và 1 dự án sản xuất alumin, 1 dự án sản xuất nhôm kim loại.


 

No comments:

Post a Comment