Thursday, November 9, 2023

VNTB – Người dân đang phải… chết dần mòn
Thới Bình
10.11.2023 12:01
VNThoibao



(VNTB) – Người dân Việt Nam đành cam chịu chết dần mòn vì hệ thống y tế … ‘không giống con giáp nào’…

 Chuyện khó tin mà có thiệt và cũng chưa thấy báo chí nào ở TP.HCM lên tiếng, đó là bệnh nhân “mổ theo chương trình” ở bệnh viện lao Phạm Ngọc Thạch, thân nhân người bệnh sẽ được bác sĩ ra toa để tự mua dụng cụ… ‘phẫu’ ở nhà thuốc của chính bệnh viện này.

Đề cập tình trạng người dân đi khám, chữa bệnh (KCB) theo diện bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng phải tự ra ngoài mua thuốc, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, phối hợp với cơ quan BHYT có giải pháp kịp thời cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo; đồng thời cho rằng nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì cần có cơ chế để BHYT hoàn trả lại tiền.

Hồi đáp, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết về nguyên tắc, các cơ sở KCB phải đảm bảo đủ thuốc, không để người bệnh phải ra ngoài mua, bởi việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng, giá cả, an toàn và tranh chấp khi có rủi ro. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thời gian qua xảy ra tình trạng thiếu thuốc, khiến người bệnh phải mua bên ngoài. Thực tế là vậy, nhưng hiện nay lại chưa có quy định về việc thanh toán cho bệnh nhân thuộc trường hợp vừa nêu.

Bà Đào Hồng Lan với tư cách Bộ trưởng Y tế, lẽ ra trong cụ thể tình huống như trên cần phải đứng ra chịu trách nhiệm với cam kết sẽ sớm trình cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua vật tư y tế bên ngoài, đối với những loại có trong danh mục được thanh toán BHYT – bởi ở đây thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân mà do cơ quan nhà nước. Do đó, nhân dân cần cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng này.

Bà Đào Hồng Lan cũng không đề cập về trách nhiệm cụ thể Bộ trưởng Y tế ở trường hợp này là như thế nào trong đảm bảo việc quản trị KCB.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Quốc hội TP.HCM) phản ánh tỷ lệ người dân phải bỏ tiền túi khi sử dụng dịch vụ y tế đang rất cao, trên 40%. Bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra giải pháp để giảm tỷ lệ này, bởi “người dân phải tiêu quá nhiều tiền túi vào dịch vụ y tế là không thể chấp nhận được”.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đã ‘chính trị hóa’ bằng chuyện nhắc lại, rằng Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương có đề cập đến mục tiêu cụ thể là giảm bớt tỷ lệ sử dụng tiền túi của bệnh nhân khi thực hiện dịch vụ y tế. Cụ thể,  tỷ lệ này đặt mục tiêu giảm xuống 35% trong năm 2025. Tuy nhiên, tới nay đã là năm 2023 nhưng con số này vẫn luôn ở mức trên 40%.

Hồi đáp, Bộ trưởng Đào Hồng Lan viện dẫn dông dài rằng mô hình bệnh tật của Việt Nam hiện có nhiều biến đổi, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng. Xuất phát từ nhận thức, nhiều bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn, khiến chi phí điều trị cao mà hiệu quả lại kém.

Để giảm chi phí từ tiền túi của người dân, bà Đào Hồng Lan cho rằng phải chuyển đổi mô hình chăm sóc bệnh tật một cách bền vững, thông qua tăng cường công tác sàng lọc, phát hiện bệnh sớm; nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe; có mô hình tài chính bền vững; tăng độ bao phủ của các chính sách BHYT…

Thế nhưng làm cách nào để chuyển đổi mô hình và vai trò ở đây của lãnh đạo tối cao như Bộ trưởng Y tế sẽ thế nào để ‘tương thích’, thì cũng như câu chuyện thiếu thuốc men, vật tư y tế, bà Đào Hồng Lan đã… lãng trách việc biện giải.


No comments:

Post a Comment