Vụ binh biến tại Rostov : Wagner lên kế hoạch chống lại quân đội Nga nhờ vệ tinh Trung Quốc ?
Thanh Hà
Đăng ngày: 07/10/2023 - 14:12
RFI
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ bị truất phế, lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Đảng Cộng Hòa bị chia rẽ sâu sắc trước khi tìm được người thay thế dân biểu Kevin McCarthy. Ukraina lo bị Mỹ cắt nguồn viện trợ quân sự 24 tỷ đô la để chống quân Nga xâm lược. Tại Châu Âu phe thân Nga về đầu cuộc bầu cử Slovakia, cựu thủ tướng Fico được chỉ định thành lập chính phủ. Trong cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tại Thượng Karabakh, quốc tế kêu gọi chính quyền Baku bảo đảm an ninh và công nhân quyền của người Armenia tại vùng lãnh thổ này.
Thưa quý thính giả, trên đây là một số chủ đề nổi bật trong tuần từ 02-07/10/2023, nhưng bên cạnh đó xin đề cập đến một số điểm nhấn khác ít được khai thác trong các chương trình của RFI.
Nga : Wagner « làm phản » nhờ vệ tinh Trung Quốc ?
Beijing Yunze Technology và Chang Guang Satellite Technology (CGST) từng giao dịch với Wagner. AFP đưa ra bằng chứng là bản hợp đồng đề ngày 15/11/2022 được soạn thảo bằng tiếng Nga và tiếng Hoa. Hiện diện tại Ukraina và châu Phi, Wagner dường như đã đặt mua « ảnh vệ tinh » của các đối tác Trung Quốc để quan sát tình hình trên lãnh thổ Nga dọc suốt lộ trình « từ biên giới Ukraina cho đến tận thủ đô Matxcơva ».
Những ảnh vệ tinh đó theo các nguồn tin thông thạo đã cho phép « tăng cường đáng kể khả năng dọ thám và quan sát » của lực lượng bán quân sự trong tay ông Yegevny Prigozhin, từng là người thân cận với tổng thống Vladimir Putin. Nhưng cũng chính Prigozhin hôm 24/06/2023 đã đưa quân tiến về thành phố Rostov cách thủ đô Matxcơva hơn 1.000 cây số về phía nam. Wagner khi đó chuẩn bị một cuộc « nổi dậy » chống lại quân đội Nga.
Điều tra của AFP làm dấy lên câu hỏi, là đồng minh thân thiết của Matxcơva, Bắc Kinh đã có hay biết gì không về kế hoạch của Prigozhin ? Thông tín viên đài RFI Stéphane Lagarde cho biết về phản ứng của phía Trung Quốc :
« Như thông lệ, trong những trường hợp thế này, Trung Quốc trả lời một cách chung chung. Hồi đáp AFP ngành ngoại giao Trung Quốc xác nhận không hay biết về hồ sơ này. Báo chí ở Bắc Kinh sáng hôm 06/10/2023 do chưa được chỉ thị nên đã tránh đề cấp đến cuộc điều tra của hãng tin Pháp.
Bắc Kinh biết những gì về hồ sơ nói trên ? Một số nhà quan sát cho rằng một thỏa thuận nhậy cảm như vậy chắc chắn là đã phải được trình lên đến tận thượng tầng cơ quan quyền lực của đảng.
Căn cứ vào hợp đồng 31 triệu đô la được ký kết hôm 15/11/2022 mà AFP đã đọc được, tập đoàn Beijing Yunze Technology bán vệ tinh cho Nika-Frut, một công ty trong quỹ đạo của Prigozhin. Hãng này mua hai vệ tinh quan sát với độ phân giải rất cao do Chang Guang Satellite Technology (CGST) chế tạo.
Hoạt động từ 2014, CGST là một công ty lớn trong lĩnh vực không gian của Trung Quốc và cũng là hãng đầu tiên cung cấp vệ tinh giám sát. Doanh nghiệp này cộng tác với các giới chức Trung Quốc, trong đó có Viện Khoa Học Quốc Gia và chính quyền tỉnh Cát Lâm (Jilin).
Về phần Beijing Yunze Technology, đây là một trong năm tập đoàn bị Mỹ nghi ngờ hỗ trợ quân đội Nga trong cuộc chiến tại Ukraina.
Tuy nhiên một số chuyên gia thận trọng hơn thì đã cho rằng điều tra nói trên đã đánh giá quá cao về mức kiểm soát của Đảng và về độ tập trung quyền lực tại Trung Quốc.
Về phía chính quyền, Bắc Kinh luôn khẳng định nguyên tắc trung lập trong cuộc xung đột tại Ukraina và luôn luôn chứng tỏ 'là một đối tác có trách nhiệm, và trong các hoạt động xuất khẩu Trung Quốc luôn thi hành nghiêm túc các bổn phận đối với cộng đồng quốc tế' ».
Điều tra của AFP được công bố trong bối cảnh quan hệ giữa Liên Âu với Bắc Kinh trở nên căng thẳng vì « tình bạn vô bờ bến » giữa các ông Tập Cận Bình với Vladimir Putin. Bruxelles cảnh cáo Trung Quốc tránh « vượt lằn ranh đỏ » yểm trợ Nga trong cuộc chiến tại Ukraina.
Putin chuẩn bị dư luận trước bầu cử tổng thống Nga 2024
Tại Matxcơva đang rộ lên tin đồn, sớm hơn dự kiến Vladimir Putin đến ngày 04/11/2023 sẽ thông báo ra tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ. Điện Kremlin chuẩn bị công luận trước cuộc bầu cử ngày 17/03/2024. Ai cũng biết Vladimir Putin sẽ tái tranh cử và kết quả bầu cử đã được báo trước.
Thông tín viên Anissa El Jabri từ Matxcơva giải thích vì sao trong thời gian gần đây, điện Kremlin thường cố tình để rò rỉ thông tin :
« Thời điểm mà các nguồn tin thông thạo đã tiết lộ với báo Kommersant như vậy là sớm hơn rất nhiều so với ý định từng được chính thổng thống Nga nêu lên vào tháng trước. Vladimir Putin hồi tháng 9 vừa qua cho biết ông sẽ thông báo về ý định tranh cử một khi chiến dịch vận động tranh cử chính thức mở màn.
Theo luật bầu cử của Nga, chiến dịch này chỉ bắt đầu khoảng từ 90 đến 100 ngày trước cuộc bỏ phiếu. Nói cách khác, về nguyên tắc, phải đợi đến giữa tháng 12/2023 Vladimir Putin mới chính thức loan báo tin này.
Tuy nhiên khi để lộ thông tin sớm như vậy, điện Kremlin và chính quyền dò xét dư luận, thử xem công chúng quan tâm đến những chủ đề nào. Trong cuộc bầu cử cấp địa phương vừa qua các quân sư của tổng thống Putin cho rằng chủ đề chiến tranh gây nhiều lo lắng. Do vậy thông điệp chính trong cương lĩnh tranh cử lần này là phải tạo ra những động lực tích cự để cử tri tham gia vào đa số của Putin. Một nhân vật có ảnh hưởng trong chính giới tại Matxcơva đã cho biết như trên và ông nói thêm rằng để thu hút cử trị, những thông điệp của Kremlin phải phản ánh khuynh hướng chung từ nhiều tháng qua, có nghĩa là phải xoáy vào chỗ đứng riêng biệt của nền văn minh Nga, vào những giá trị gia đình truyền thống … »
Thượng Karabakh : Châu Âu chưa tính đến khả năng trừng phạt Azerbaijan
Trong cuộc đối đầu giữa Armenia và Azerbaijan tại vùng Thượng Karabakh, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna hôm 03/10/2023 công du Erevan. Bà đã thông báo trang bị vũ khí cho Armenia bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Chính quyền Baku lên án Pháp « đổ thêm dầu vào lửa » và viện cớ này để tẩy chay thượng đỉnh Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu (CPE) bao gồm gần 50 quốc gia trên châu lục này, tổ chức trong hai ngày 5 và 6/10/2023 tại Granada, Tây Ban Nha. Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Azerbaijan cũng vắng mặt tại thượng đỉnh CPE.
Có mặt tại Granada, đặc phái viên RFI Valérie Gas tường thuật về lập trường cứng rắn của Pháp, cho dù là tổng thống Macron tạm bác bỏ khả năng ban hành các biện pháp trừng phạt Azerbaijan.
« Không có chuyện Emmanuel Macron phải chịu trách nhiệm về việc Azerbaijan không đến dự thượng đỉnh Granada. Nguyên thủ Pháp nói : "Đức, Châu Âu, Pháp đồng loạt thuyết phục Azerbaijan tham dự sự kiện này cũng như là chúng tôi mong muốn có một cuộc đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định dự thượng đỉnh hay không thuộc thẩm quyền của bên liên quan".
Bày tỏ bất bình với Pháp, tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev thông báo sẵn sàng nối lại đàm phán nhưng phải qua trung gian của Liên Hiệp Châu Âu. Tổng thống Macron coi đây chỉ là một cái cớ "Chúng tôi luôn rất khắt khe để quyền của các cộng đồng thiểu số tại vùng Thượng Karabakh phải được công nhận. Do vậy đương nhiên chúng tôi không phải là những đối tác dễ dãi"
Nguyên thủ Pháp khẳng định có lập trường rõ ràng và trước sau như một đó là ủng hộ "độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ tại các đường biên giới của Armenia. Tuy nhiên đây chưa phải là lúc để tính đến khả năng trừng phạt Azerbaijan bởi đó là những biện pháp phản tác dụng và chưa chắc là đã hiệu quả để bảo vệ người Armenia tại Thượng Karabakh. Tuy nhiên Pháp cam kết hỗ trợ Armenia về nhiều mặt, kể cả về mặt quân sự, nhưng đồng thời cần tiếp tục đối thoại với Azerbaijan".
Trước mắt tổng thống Emmanuel Macron tỏ lập trường cứng rắn nhưng tránh để căng thẳng leo thang ».
Okinawa 1945 và mục tiêu của Mỹ « hiện diện lâu dài ở Viễn Đông »
Trước khi khép lại tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này, xin giới thiệu qua cuốn sách của nhà sử học Ivan Cadeau : Okinawa 1945, NXB Perrin vừa ra mắt độc giả cuối tháng 9/2023.
Okinawa (tháng 4-6/1945) là trận đánh đẫm máu nhất, khốc liệt và quy mô nhất ở Thái Bình Dương trước khi Hoa Kỳ khởi động « chiến dịch sau cùng ». Ngoài những mục tiêu ngắn hạn Washington nhắm đến quần đảo Ryukyu để « cắm rễ một cách lâu dài ở Viễn Đông » (tr.17).
Ngày 26/03/1945 những người lính Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Kerama thuộc quần đảo Ryukyu, đô đốc Nimitz ký sắc lệnh đặt khu vực này - với Okinawa là hòn đảo lớn nhất, dưới quyền kiểm soát của Hoa Kỳ. Ngày 22/06/1945 tướng Ushijima chỉ huy quân đoàn 32 của quân đội Thiên Hoàng tự sát, dấu chấm hết cho trận đánh Okinawa. Ngày 15/08/1945 Nhật Hoàng Hiro Hito tuyên bố đầu hàng. Mỹ tiếp tục quản lý Okinawa.
Chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam cho thấy « Quần đảo Ryukyu làm một căn cứ chiến lược đối với Hoa Kỳ trong cuộc chiến ngăn chận vết dầu loang cộng sản » (tr. 222). Ivan Cadeau nhắc lại « Chính từ Okinawa những toán lính Mỹ đầu tiên đổ bộ lên miền nam Việt Nam năm 1965 ». Chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam làm « thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Okinawa ». Hòn đảo này trở thành « một điểm tựa chính » trong chiến lược phòng thủ của Mỹ ở Thái Bình Dương và Hoa Kỳ đã biến Okinawa thành « một căn cứ quân sự khổng lồ, là điểm xuất phát của máy bay ném bom B-29 nhắm vào các căn cứ ở phía bắc vĩ tuyến 38 trên bán đảo Triều Tiên ». Sau đó, cũng chính từ sân bay quân sự Kadena –Okinawa, « B-52 của Mỹ đã cất cánh để nhắm vào miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn từ 1968 đến 1972 » (tr.222).
Vẫn theo nhà sử học Ivan Cadeau để phục vụ cỗ máy chiến tranh, Mỹ đã rót « hàng triệu đô la cho hòn đảo này, đem lại công việc làm cho người dân bản địa. Một trong những hoạt động đó liên quan đến việc in ấn truyền đơn rải xuống miền bắc Việt Nam » (tr.223).
Nhưng khi chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, mãi đến tận năm 1981 dân cư Okinawa vẫn phát hiện « những thùng chất độc da cam bị vùi trong lòng đất (...) ». Không ít trong số những thùng hóa chất đó bị rò rỉ, gây ô nhiễm cho một số khu vực trên hòn đảo này. Okinawa cũng là nơi Hoa Kỳ đã triển khai vũ khí hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh lạnh (tr. 224).
No comments:
Post a Comment