VNTB – Làm sao để có những ‘đảng viên tinh hoa’ về giáo dục?
Cát Tường
11.10.2023 12:38
VNThoibao
Trong diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 8 vừa qua của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có đưa ra kêu gọi:
“Tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành chính là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực căn bản để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và phát huy vai trò, vị trí và sự cống hiến của trí thức, thực sự xứng tầm là nguyên khí quốc gia”.
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, tư cách một người ‘ngoài Đảng’, tôi cho rằng Tổng bí thư cần dũng cảm cho thay đổi nếp sáo mòn duy ý chí của “tự do học thuật” lâu nay với nỗi sợ hãi về “tự trị đại học”.
Tự do học thuật cần được đảm bảo mạnh mẽ nhất ở giáo dục đại học. Các trường đại học, dù là công hay tư, chỉ có thể chen chân vào các thứ hạng cao ở các bảng xếp hạng, nếu được tự chủ thực sự. Mà một trong những yếu tố quan trọng của tự chủ đại học, là sự tự chủ trong việc dạy và học, nghiên cứu và truyền bá tri thức.
Đối với giảng viên, họ cần được đảm bảo bằng chế độ làm việc ổn định như hợp đồng dài hạn. Hơn nữa, họ có thể nghiên cứu và thảo luận những vấn đề mới mẻ, gây tranh cãi mà không bị phân biệt đối xử hay trù dập. Cơ chế này đảm bảo cho giảng viên sự chuyên tâm cũng như tự do giảng dạy, nghiên cứu mà không sợ bị mất việc.
Bởi tự do học thuật là linh hồn của đại học, nếu không có tự do học thuật thì chúng ta không thể đào tạo ra lớp người sáng tạo, có tri thức, tư duy logic của thời đại, do vậy cần đa chiều hơn nữa trong giáo trình triết học về các nội dung cần trao quyền tự do trao đổi – đối thoại giữa sinh viên – giảng viên, hay giữa các sinh viên với nhau mà không sợ bị chụp mũ “chống phá Đảng”; đặc biệt là tránh một chiều tung hứng, tụng ca với môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Chỉ khi phản biện khoa học được tôn trọng về sự đa chiều của quyền tự do học thuật thì mới mong có được những “đảng viên tinh hoa” thật sự về kiến thức lý thuyết và ứng xử thực tế.
Ở đây cần chấm dứt “đồng phục hóa” tri thức trong cung cách quản lý.
Việc lấy chuẩn mực của một trường – thí dụ, trường Bách Khoa Hà Nội, nơi có nhiều “học quan” để bắt những trường khác không cùng hệ thống – thí dụ, các trường Nhân văn và Giáo dục phải theo là cố ý không chấp nhận sự khác biệt, hay tính đa dạng học thuật.
Tương tự, lấy tiêu chuẩn “quốc gia” để định vị mỗi trường là “đồng phục hóa” hay “công nghệ hóa” tri thức, một việc tự nó đã phản tri thức, và khó mà thành công. Sự thất bại của Tần Thủy Hoàng, Mao Trạch Đông, Hitler, Stalin v.v. trong việc “đồng phục hóa” tri thức chỉ ra một sự thật, đó là bản chất con người là tự do mà không có thế lực nào có thể bóp nghẹt.
Gọi là chuẩn mực quốc gia, nhưng thực ra là ý của một ai đó hay của một nhóm đặc quyền một giai cấp nào đó. Họ lạm dụng quyền thế, nhân danh quốc gia, kiểu như ‘ta chính là luật’ để áp đặt ý chí của họ trên người dân. Những chuẩn mực này dễ dàng bị vứt bỏ một khi quyền lực rơi vào trong tay người khác.
Sự thay đổi các chuẩn mực giáo dục, từ thời Nguyễn đến thời Pháp thuộc, qua thời dưới bóng của Liên Xô tới thời nay dưới ảnh hưởng của Mỹ, là một thí dụ rõ ràng nhất nói lên tính tạm bợ của cái gọi là chuẩn mực quốc gia hay quốc tế trong cách quản lý giáo dục của Hà Nội.
Tham khảo
https://vietnamthoibao.org/vntb-ban-doc-viet-nhin-tu-sai-pham-cua-truong-dai-hoc-ton-duc-thang/
No comments:
Post a Comment