Saturday, October 7, 2023

VNTB – Bắt đầu vào mùa… chạy ghế ‘trung ủy’
Nguyễn Huỳnh
08.10.2023 12:14
VNThoibao



(VNTB) – Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay mặt Bộ Chính trị trong điều hành phiên họp thảo luận quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới.

 Những cái tên được bắt đầu…

Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, trong ngày làm việc thứ 6 Hội nghị Trung ương 8, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã đọc tờ trình của Bộ Chính trị về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 – 2031; thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận về nội dung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 – 2031.

Trước đó một ngày, Hội nghị Trung ương 8 bầu bổ sung 3 ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 13, gồm các ông: Đào Thế Hoằng, Vụ trưởng Vụ Địa bàn 4, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Lê Nguyễn Nam Ninh, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, và Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu bổ sung ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương giữ chức Uỷ viên Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá 13.

Như vậy trước mắt trong nhiệm kỳ 2026 – 2031, danh sách ‘trung ủy’ chắc chắn sẽ có tên của 4 vị kể trên – dĩ nhiên là nếu như vào ‘giờ chót’ không xảy ra những ‘bạo bệnh bất ngờ’ như với ông Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, Lê Văn Thành, Nguyễn Chí Vịnh…

Không có bất kỳ tin tức nào được hé lộ trong tờ trình của Bộ Chính trị về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 – 2031 mà bà Trương Thị Mai đã đọc hôm 7-10-2023.

Tường thuật mang tính ‘đồng phục’ về tờ trình này của báo chí có nội dung nhắc lại bài phát biểu trước đó của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, như: “Đảng luôn xác định cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ.

“Công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ”, theo lời Tổng bí thư.

Từ tầm quan trọng đặc biệt của công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 17 về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031.

Trong kế hoạch này xác định rõ các quan điểm, nguyên tắc, mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu, đối tượng và độ tuổi, quy trình giới thiệu, phê duyệt quy hoạch và hồ sơ nhân sự, số lượng phát hiện và giới thiệu đưa vào quy hoạch…

Tổng bí thư cho biết trên cơ sở phát hiện, giới thiệu của các cấp ủy, tổ chức đảng, Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV đã rà soát, thẩm định, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho định hướng hoàn thiện thêm một bước dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương phát huy tinh thần trách nhiệm, thật sự khách quan, công tâm, thể hiện chính kiến đối với tờ trình và dự kiến Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV”.

Việt Nam sẽ có một tân Tổng bí thư như thế nào?

Bàn luận bên lề phiên họp qua quan sát từ tường thuật của báo chí nhà nước cho thấy gương mặt sáng giá nhất về kiến thức – ứng xử, có lẽ là ông Lê Hoài Trung, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Chính phủ và cả của Đảng.

Lý lịch trích ngang về chuyên môn nghiệp vụ của ông Lê Hoài Trung như sau: từ tháng 10-1982 đến 2-1998, ông Lê Hoài Trung là chuyên viên Vụ Các vấn đề chính trị chung, Bộ Ngoại giao; Tùy viên; Bí thư thứ Ba, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, New York, Hoa Kỳ; Chuyên viên Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Trợ lý Vụ trưởng.

Từ tháng 3-1998 đến 11-2010, ông Lê Hoài Trung là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Ngoại giao, Phó Vụ trưởng, Quyền Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế; Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Từ 12-2010 đến 7-2011 ông Lê Hoài Trung giữ các chức vụ: Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Đại sứ bậc II.

Từ tháng 8-2011 đến 10-2014, ông Lê Hoài Trung là Thứ trưởng, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ nước ngoài tại Hoa Kỳ; Bí thư Đảng bộ bộ phận khu vực New York.

Từ tháng 11-2014 đến 4-2016, ông Lê Hoài Trung là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, phụ trách quan hệ của Việt Nam với các nước Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương, Tổ chức ASEAN; Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Ủy viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Từ tháng 5-2016 đến 12-2021, ông Lê Hoài Trung là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia.

Từ tháng 1-2021 đến ngày 6-10-2023, ông Lê Hoài Trung là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.

Với chuyên môn về ngoại giao đầy đặn như trên, giả dụ nếu ông được ‘sắp đặt’ vào ghế quyền lực nhất của Đảng, thì có lẽ lần này Việt Nam sẽ có được một Tổng bí thư không ngại… hàng rào ngôn ngữ trong chuyện hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên với lý lịch “quá Tây” như trên, nếu ông Lê Hoài Trung là Tổng bí thư, thì rất khó để thuyết phục ông tiếp tục theo đuổi phần “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong xây dựng nền kinh tế thị trường.

 

***

Ông Lê Hoài Trung sinh ngày 27 tháng 4 năm 1961 tại Hà Nội, Việt Nam Dân chủ Công hòa, nguyên quán tại huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông lớn lên và theo học phổ thông ở thủ đô. Năm 1978, ông nhập học Đại học Ngoại giao Việt Nam, tốt nghiệp Cử nhân Quan hệ quốc tế vào năm 1982. Năm 1993, trong quá trình công tác quốc tế, ông theo học Trường Luật Quốc tế và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts tại thành phố Medford và Somerville, tiểu bang thịnh vượng chung Massachusetts, Hoa Kỳ, nhận bằng Thạc sĩ Luật Quốc tế và Ngoại giao năm 1995.

Những năm 2010, ông là nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đến cuối năm 2011, đầu 2012, ông bảo vệ thành công Luận án Pháp luật bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực xã hội ở Việt Nam: những vấn đề lý luận và thực tiễn; trở thành Tiến sĩ Luật.

Trong quá trình này, ông cũng theo học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận bằng Cao cấp Lý luận chính trị. Ông Lê Hoài Trung được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 6 tháng 6 năm 1986, trở thành đảng viên chính thức vào ngày 6 tháng 6 năm 1987.


 

No comments:

Post a Comment