Việt Nam trả lời về khả năng mua máy bay F-16 của MỹVOA Tiếng Việt
06/10/2023
VOA
Chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Gwangju ở Hàn Quốc.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 5/10 nói “chưa có thông tin” về kế hoạch mua máy bay F-16 của Mỹ nhưng không trực tiếp loại trừ khả năng này, hơn một tuần sau khi hãng thông tấn Reuters dẫn nguồn tin am tường từ chính quyền Biden hé lộ về thương vụ tiềm năng này.
“Chúng tôi chưa có thông tin về việc này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Phạm Thu Hằng, nói tại cuộc họp báo chiều 5/10.
“Tuy nhiên vừa qua Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững đã đề ra phương hướng lớn cho việc hợp tác trong 10 năm tới và lâu hơn nữa, với 10 trụ cột bao trùm tất cả các lĩnh vực trên bình diện song phương và toàn cầu”, bà Hằng nói thêm.
Trước đó, hôm 23/9, Reuters dẫn hai nguồn tin am tường cho biết chính quyền Biden đang đàm phán với Việt Nam về thỏa thuận chuyển giao vũ khí lớn nhất trong lịch sử giữa hai cựu thù chiến tranh.
Theo đó, một gói thầu có thể được chung quyết vào năm tới, bao gồm một thương vụ bán một phi đội máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ cho Việt Nam khi nước này đối mặt với căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông có tranh chấp.
Tuy nhiên, thỏa thuận này hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu, với các điều khoản chính xác vẫn chưa được thống nhất và có thể không đạt được sự đồng thuận, nhưng đây là chủ đề chính của các cuộc đàm phán chính thức giữa Việt Nam và Mỹ tại Hà Nội, New York và Washington trong tháng qua.
Nếu thương vụ được thực hiện, đây sẽ là bước ngoặt đánh dấu một bước chuyển hướng rõ ràng gần nửa thế kỷ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ vào năm 2016, xuất khẩu quốc phòng của Mỹ sang Việt Nam chỉ giới hạn ở các tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện, trong khi Nga cung cấp khoảng 80% kho vũ khí cho Việt Nam.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Hà Nội có kế hoạch đa dạng hóa kho vũ khí của mình và giảm sự lệ thuộc vào Nga.
Theo báo cáo “Đánh giá về an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2023”, Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) cho biết trong khoảng thời gian 5 năm cho đến 2021, số lượng vũ khí của Hà Nội mua từ Nga đã giảm 2/3. Nguyên nhân là do “sự phô diễn kém” của Nga tại Ukraine và các lệnh trừng phạt quốc tế khiến các nhà sản xuất của Nga khó mua phụ tùng sản xuất.
Trong khi đó, bản tin của Reuters cho biết Việt Nam đã chi khoảng 2 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu vũ khí và Washington lạc quan rằng về lâu dài, họ có thể chuyển một phần ngân sách đó sang vũ khí từ Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác của Mỹ, đặc biệt là Hàn Quốc và Ấn Độ.
Phản ứng trước thông tin này, tại cuộc họp báo hôm 25/9, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuy không nêu đích danh Mỹ và Việt Nam nhưng nói rằng họ muốn “các nước liên quan” không “chạy đua vũ trang” khi hợp tác quốc phòng.
No comments:
Post a Comment