Về bức ảnh cận cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
Gửi bài cho BBC từ California, Hoa Kỳ
7.10.2023
BBC
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng 8 và Lễ Độc lập, nhiều báo của Việt Nam trong đó có báo Nhân Dân, báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, đăng một bức ảnh cận cảnh Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trên lễ đài tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội vào ngày 2/9/1945.
Bức ảnh này thực ra đã được các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam công bố từ những năm 1950. Thế nhưng oái oăm thay, bức ảnh này đã không được chụp ngay tại sự kiện lịch sử đó.
NGUỒN HÌNH ẢNH,BÁO ĐIỆN TỬ ĐCSVN
Chủ tịch nước VNDCCH Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Cha tôi, Bộ trưởng không bộ Cù Huy Cận trong Chính phủ đầu tiên ấy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người đã tham gia ký Tuyên ngôn Độc lập và có mặt trên lễ đài khi đó, nói với tôi:
“Đó không phải là bức ảnh chụp Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Không hiểu vì lý do gì mà Chính phủ đã không có được ảnh chụp hay phim quay cận cảnh Bác Hồ và các thành viên Chính phủ trên lễ đài vào những khoảng khắc lịch sử đó. Sau khi Chính phủ đã rút lên chiến khu Việt Bắc để tiến hành kháng chiến chống Pháp tái xâm lược, Ban kiểm tra 12, còn gọi là Thủ tướng phủ (1) do bố phụ trách (lúc đó ông là Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ - CHHV) được Bác Hồ giao nhiệm vụ dựng lại cảnh Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập để chụp ảnh cho mục đích tuyên truyền kháng chiến. Ông Đinh Đăng Định là người chụp bức ảnh đó. Sau này thì ta mới sưu tầm được từ Pháp phim quay Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 trong đó có cảnh Bác đang đọc Tuyên ngôn Độc lập, dù được quay từ xa.”
Tóm lại, đó là bức ảnh dựng lại sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (sau đây gọi là ảnh dựng lại.)
Tôi kiểm tra lại thì quả thế thật.
Chứng cứ
Trước hết, trong ảnh dựng lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh trông có da có thịt hơn hẳn ảnh chụp hồi năm 1946 (ảnh 2). Tóc ông trong ảnh dựng lại cũng bạc hơn.
NGUỒN HÌNH ẢNH,BÁO KHÁNH HÒA
Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945
Tiếp theo, áo ngoài của Hồ Chủ tịch trong ảnh dựng lại có cổ đứng kiểu áo Tôn Trung Sơn, thường gọi là "đại cán", khác hẳn áo có cổ kiểu áo veste mà ông mặc trong ảnh chụp ông cùng các Bộ trưởng trên lễ đài ra mắt quốc dân đồng bào (ảnh 3) và trong ảnh ông xuống lễ đài sau khi Lễ Độc lập kết thúc (ảnh 4). Chẵng những thế, áo trong ảnh dựng lại có màu trắng, còn áo trong hai ảnh kia có màu sẫm.
NGUỒN HÌNH ẢNH,TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Bộ trưởng Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
trên lễ đài ra mắt quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945
NGUỒN HÌNH ẢNH,TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống lễ đài sau khi Lễ Độc lập kết thúc. Chiếc áo khác hẳn chiếc trong ảnh 1 được dựng lại
Chính Hồ Chủ tịch, chứ không phải ai khác, đã gián tiếp xác nhận ông đã không mặc áo "đại cán" khi cùng Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký vào bức ảnh do Võ An Ninh chụp khi hai ông vừa ngồi vào xe để trở về ngay sau khi Lễ Độc lập kết thúc (ảnh 5). Bức ảnh này cho thấy rõ người Tuyên ngôn Độc lập mặc áo kiểu veste, để lộ sơ mi trắng bên trong.
Trong hồi ký “Ở với Người – Ở với Đời” của mình, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của Việt Nam nhớ lại: “Đúng lúc cụ Hồ và ông Giáp đã ngồi vào xe và xe chưa lăn bánh, tôi nhào tới đưa máy vào khoang cửa và nói: Thưa cụ, vừa rồi trên kỳ đài đông quá, con không chụp được ảnh cụ. Xin cụ cho phép con được lấy một hình của cụ. Cụ Hồ khẽ gật đầu. Nhưng lúc ấy, cụ Hồ đang đội mũ. Trời đã về chiều. Cái mũ cát vành rộng lại che mất nhiều ánh sáng. Tôi đánh liều: Thưa cụ, con muốn cụ hạ chiếc mũ xuống ạ. Ông Giáp ngồi bên tủm tỉm cười như hiểu ý tôi. Ông đưa tay lên hạ cái mũ của cụ Hồ đang đội và nhìn tôi, nói: Này thì bỏ mũ xuống.”
NGUỒN HÌNH ẢNH,ĐÀI PTTH HẢI DƯƠNG
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp ngay sau khi Lễ Độc lập kết thúc
Ngoài ra, trong ảnh dựng lại, Hồ Chủ tịch để đầu trần và trước mặt chỉ có một micro. Điều này khác biệt với bức ảnh lễ đài cho thấy ông đội mũ, có người cầm ô che, với hai micro trước mặt (ảnh 6). Cần nói thêm rằng người cầm ô là ông Chu Đình Xương (thân phụ Giáo sư Chu Hảo), giám đốc Sở liêm phóng Bắc Bộ làm nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận vị lãnh tụ.
NGUỒN HÌNH ẢNH,TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài Độc lập (đội mũ, có người cầm ô che)
Cuối cùng, sự khác biệt rõ ràng nhất là ở quốc kỳ. Trong ảnh dựng lại, tay của Hồ Chủ tịch để trên bờ lan can mỏng như tấm ván được phủ cờ đỏ sao vàng với ngôi sao có kích thước khoảng 30 cm. Trong ảnh chụp lễ đài (ảnh 6), lan can của lễ đài được bọc vải trắng rộng trên 1m với những bông hồng (vàng) được kết treo uốn lượn; bên dưới là vải (đỏ) cũng bọc quanh lễ đài với một ngôi sao (vàng) khổng lồ có kích thước phải đến 2m ở mặt trước lễ đài.
Bất luận thế nào, lan can mỏng như tấm ván như được thấy trong bức ảnh dựng lại là không thể có ở một lễ đài đồ sộ được kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh thiết kế để làm chỗ đứng cho khoảng 30 người.
NGUỒN HÌNH ẢNH,CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NỘI VỤ BẮC GIANG
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (có người trên lễ đài đang chụp ảnh/quay phim)
Đến đây nảy sinh một câu hỏi là tại sao đã không có bức ảnh/phim nào chụp/quay cận cảnh Hồ Chủ tịch và các Bộ trưởng trong Chính phủ "khai quốc" trên lễ đài. Theo tôi, đây không phải là hệ quả của công tác đảm bảo an ninh gắt gao vì trên thực tế, có những nhà nhiếp ảnh đã hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc, thậm chí là đảng viên cộng sản như Phạm Văn Khoa, hay có đã làm việc cho các báo của Đảng cộng sản Đông Dương từ thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 - 1939) như Nguyễn Bá Khoản. Huống hồ Trưởng ban tổ chức Lễ Độc lập là Nguyễn Hữu Đang, một trong những lãnh đạo của Hội Văn hóa cứu quốc.
Một bức ảnh (ảnh 7) cho thấy có một người trên lễ đài đang chụp ảnh/quay phim Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập. Như vậy, cách giải thích hợp lý nhất là phương tiện ghi hình đã gặp sự cố trong quá trình sự kiện diễn ra hoặc đơn giản hơn, phim đã bị hỏng hay thất lạc ngay sau đó. Giả thuyết sau cùng được củng cố với sự thất lạc của ấn và kiếm mà vua Bảo Đại đã trao cho Bộ trưởng Trần Huy Liệu và Bộ trưởng Cù Huy Cận đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận sự thoái vị của vị quân chủ cuối cùng này của Việt Nam tại Huế chỉ trước đó 3 ngày, 30/8/1945 (2)
Ý nghĩa và giải pháp
Vấn đề đặt ra là liệu việc dựng lại hình ảnh Hồ Chủ tịch đang đọc Tuyên ngôn Độc lập có thực sự cần thiết khi đã có nhiều ảnh chụp, chủ yếu thực hiện bởi nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, và có cả một cuốn phim quay sự kiện lịch sử này, cho dù lãnh tụ chính trị này không được rõ mặt. Câu trả lời là Có.
Thực vậy, hình ảnh của lãnh tụ luôn có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, nhất là trong bối cảnh quốc gia đang trải qua những thay đổi lịch sử có tính bản lề. Lễ tuyên bố độc lập của bất kỳ quốc gia nào là thời điểm hệ trọng để thể hiện quyết tâm của cả một dân tộc, một quốc gia trong việc xây dựng tương lai của họ. Do đó hình ảnh của lãnh tụ có tác dụng tạo ra và thúc đẩy sự đoàn kết cũng như tạo động lực cho nhân dân trong việc đóng góp vào mục tiêu chung, bảo vệ và củng cố nền độc lập dân tộc còn non trẻ trước hết. Bên cạnh đó, hình ảnh của lãnh tụ có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc quốc gia tương tác với thế giới bên ngoài trong việc thực hiện các mục tiêu của mình.
Mặc dù vậy, biểu tượng hóa một sự kiện lịch sử thông qua hình ảnh của lãnh tụ không được làm mất đi giá trị của biểu tượng này bằng cách sử dụng nó một cách không chính xác hoặc lạm dụng nó dẫn đến gây nghi ngờ đối với sự tồn tại của ngay chính sự kiện lịch sử.
Trong trường hợp của Việt Nam, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập chẳng những song hành mà còn làm nổi bật hơn nữa Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược do chính ông đưa ra ngày 19/12/1946. Lời kêu gọi nhấn mạnh: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ."
Như vậy, việc tái tạo hình ảnh Hồ Chủ tịch tuyên bố Việt Nam độc lập là hoàn toàn cần thiết khi nó khơi dậy niềm tự hào và thúc đẩy tinh thần đoàn kết và quyết tâm chiến đấu của mọi người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vì độc lập và tự do của chính mình. Nó còn nhằm thu hút sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo và người dân của các nước khác, kể cả Pháp và Mỹ, cũng như các tổ chức quốc tế đối với những sự nghiệp chính nghĩa này của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, khi Việt Nam đã độc lập hoàn toàn và trở thành một quốc gia có chủ quyền đầy đủ và hơn thế nữa, là một thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc, thì việc xem xét lại và tái định nghĩa việc sử dụng hình ảnh dựng lại này là hoàn toàn cần thiết. Do đó, Nhà nước Việt Nam cần xử lý bức ảnh dựng lại sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập theo một trong hai cách sau đây:
Một là, thôi sử dụng và xếp vào bảo tàng đồng thời giải thích hoàn cảnh ra đời của bức ảnh tái dựng này.
Hai là, nếu tiếp tục sử dụng thì cần có chú thích: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, được chụp tại Chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp để dựng lại sự kiện lịch sử."
* Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả Cù Huy Hà Vũ, luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam hiện sống tại California, Hoa Kỳ.
Chú thích:
“Ban kiểm tra 12” là bí danh trong kháng chiến chống pháp của Thủ tướng phủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh từ 2/9/1945 đến20/9/1955 không chỉ là người đứng đầu Chính phủ mà trước hết là lãnh tụ tối cao của quốc gia. Như vậy, “Ban kiểm tra 12” có chức năng của Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ bây giờ gộp lại. Ngoài thân phụ tác giả, ông Cù Huy Cận, trong tư cách Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ phụ trách “Ban kiểm tra 12” trong giai đoạn 1949-1956, thân mẫu của tác giả, bà Ngô Thị Xuân Như, cũng phục vụ tại cơ quan này trong tư cách cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỳ án ấn và kiếm tại lễ thoái vị của vua Bảo Đại (Kỳ 1), Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 2/9/2020 và Kỳ án ấn và kiếm tại lễ thoái vị của vua Bảo Đại (Kỳ 2 – Kỳ cuối), Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 3/9/2020.
Tin liên quan
Hồ Chí Minh: Tư liệu về thời gian ở Quảng Tây19 tháng 5 năm 2023
Hồ Chí Minh ở Thái Lan: 'Cạnh tranh' giữa 'nhà thật' và 'Nhà Tưởng niệm'9 tháng 2 năm 2022
Chủ tịch Hồ Chí Minh biết được về số phận học giả Phạm Quỳnh trong hoàn cảnh nào?5 tháng 10 năm 2022
No comments:
Post a Comment