Monday, October 9, 2023

Quan điểm của tôi về làm sách giáo khoa phổ thông
Chu Mộng Long
9-10-2023
Tiengdan

Tôi nghe những câu này đã nhàm tai: “bới lông tìm vết”, “bới bèo ra bọ”… từ các giáo sư làm sách giáo khoa. Đám học trò ăn mày các giáo sư còn khuyên các thầy đừng chấp, nên hướng vào chuyện lớn. Họ hót bùi tai mấy ông chủ nuôi chim: “Thử hỏi những người thích chửi bới kia xem, không có quý thầy làm sách thì con em họ lấy gì mà học?”

Có người còn trịch thượng đến mức xem dư luận như chó: “Mặc họ thầy ơi. Chó cứ sủa và ngựa cứ đi!”

Tôi phải trả lời nhanh thế này: “Hóa ra là các giáo sư cố tình giấu giòi bọ trong thức ăn để lừa trẻ con ăn giòi bọ? Thà thú nhận thiếu hiểu biết gây hậu quả nghiêm trọng có nhẹ tội hơn không?”

Hôm qua một giáo sư trong đội ngũ làm sách gọi điện nói với tôi, rằng nên nhận xét tính hệ thống, không nên bắt bẻ tiểu tiết. Tôi trả lời, rằng tôi cũng từng nhận xét, phản biện nhiều công trình, luận văn, luận án. Đối với trường hợp này, khác với nhiều giáo sư “bới bèo ra bọ”, “bới lông tìm vết”, tôi bỏ qua lỗi câu chữ, chính tả, cú pháp. Tôi chỉ nhận xét, phản biện lập luận trong tính hệ thống của vấn đề. Nhưng đối với sách giáo khoa phổ thông thì đặc biệt chú ý đến từng tiểu tiết. Trẻ em chưa tiếp cận tính hệ thống của một vấn đề khoa học mà tiếp cận từ tiểu tiết. Trực quan của trẻ con bắt đầu từ tiểu tiết. Bọn trẻ chỉ cần nuốt nhầm giòi bọ là bị ngộ độc!

Trong cuộc sống và học tập, kẻ khôn ngoan không bỏ qua tiểu tiết mà hỏng cả đại sự, như để cho tổ kiến làm sụp con đê – Hàn Phi Tử. Còn tư duy tự cho mình là con đê vĩ đại, tự sụp làm trôi cả tổ kiến của dư luận, của những người phản biện, là sự kiêu ngạo của cái não ngu xuẩn.

Đây là vị giáo sư cầu thị, nên sau khi trao đổi, ông ta đồng ý với tôi ngay. Vì cầu thị nên những bài phê phán liên quan đến ông, tôi gỡ bỏ.

Vụ sách Cánh Diều, ông Thuyết, ông Thống cho vào trong cái lẩu mắm của các ông vô số giòi bọ chứ không phải một con. Nhưng họ vẫn gân cổ cãi, rằng sạn là tất yếu, không đáng kể. Họ quên rằng sạn to như vậy thì trẻ em bị gãy răng. Ngộ độc sách giáo khoa có thể bị tiêu chảy tinh thần hoặc điên loạn. Dễ thấy từ khi cải cách “căn bản và toàn diện”, nhà làm sách vừa copy lại văn bản sách cũ vừa đưa vào văn bản mới để chứng tỏ tân cổ giao duyên. Copy văn bản cũ thì sửa chữa một cách ngây ngô, copy luôn cả cái sai. Đưa văn bản mới thì đưa luôn những thứ rối rắm, dung tục để cho là tân hình thức, hiện đại.

Một cái sai nhỏ trong sách giáo khoa có thể làm ngộ độc tinh thần bọn trẻ. Huống hồ có vô số giòi bọ, hóa chất độc hại trong đó. (Một ngày kia đẹp trời, nếu họ vẫn ngoan cố không sửa sai, tôi sẽ phơi cho thiên hạ xem cả đống giòi bọ do họ đẻ ra!)

Nói sách có sai, có sạn, có giòi bọ là điều khó tránh khỏi ư? Theo tôi, chỉ khó tránh khỏi khi đó là một đề tài khoa mới, hóc búa, đang gây tranh cãi. Còn đã gọi là sách giáo khoa phổ thông thì tri thức phải là cái đã mang tính phổ cập, chuẩn mực đến tiểu tiết. Sách giáo khoa phổ thông chỉ định hướng cho phát triển năng lực cá nhân về sau chứ không phải ngay lập tức đòi hỏi học sinh phát triển toàn diện hay chuyên sâu. Ai khiến các giáo sư khoe tuốt luốt tất cả hiểu biết của mình vào sách để thành những cái sai ngớ ngẩn?

Tôi thật ngạc nhiên là sách sai do giáo sư ngồi ở phòng lạnh làm ra, chứ giáo viên gắn với thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp mà cũng sai theo, sai cả làng. Trên một slide, cô giáo trình chiếu con chim chào mào mũ đen rành rành, mà miệng cô vẫn ton hót giảng chim chào mào mũ đỏ. Giáo viên do họ đào tạo ra là cái gì vậy? Nếu bọn trẻ không ngu thì có khổ não chúng không?

Ừ sạn, giòi bọ thì nhặt, có người nhặt hộ cho thì cảm ơn. Đằng này, khác với tinh thần cầu thị của một trí thức đúng nghĩa, họ thù, thù vặt, thù dai như bọn tiểu nhân vô lại. Họ tỏ ra không chấp “trí thức tỉnh lẻ”, không chấp “dư luận không có chuyên môn”, giả vờ im lặng hoặc cho là “bới lông tìm vết”, “bới bèo ra bọ”, kể cả đe doạ, rồi còn cho bầy đàn đồ đệ của mình hùa nhau chửi ngược để dập tắt dư luận. Đe doạ, chửi ngược như vậy thì chẳng khác nhà sản xuất nước ruồi bắt người tiêu dùng phải ngậm mồm mà nuốt cả ruồi; và ắt cái tâm, cái tầm giáo sư tiến sĩ chỉ là hạng Đóc tơ Ruồi. Chả trách khi giáo sư tiến sĩ làm quan, họ nhìn đâu cũng thấy thù địch và ra tay trấn áp dân!

Có thể những người phản biện hay dư luận nói chung không làm được cả một cuốn sách, tức không là bậc thầy uyên bác, nhưng trăm ngàn con mắt của nhiều người soi vào sách đã phát hiện ra giòi bọ trong đó thì ắt trăm ngàn con mắt ấy là thầy ta, giúp ta sửa sai. Không hiểu điều tối thiểu này thì chỉ có thể là giặc chứ không phải là thầy!

No comments:

Post a Comment