Thursday, October 12, 2023

Nói nhanh: Giải mù cho bạn đọc rơi vào mê hồn trận ngụy biện
Chu Mộng Long
12-10-2023
Tiengdan

Bị thách chứng minh bài thơ “Bắt nạt” dở, tôi phải hao tổn chân khí mà viết một bài dài, chứng minh nó dở toàn diện. Hao tổn chân khí ngang với ngửi mùi hôi từ thứ cặn bã.

Tôi hứa với các đồng nghiệp là dừng lại. Không tiếp tục, vì vô tình tiếp tay cho các phe nhóm đang tranh thị phần sách giáo khoa. Cạnh tranh thị phần sách giáo khoa trong thị trường giáo dục hiện nay còn bẩn hơn vụ nước mắm hóa chất và nước giải khát của đóc tơ Ruồi. Chê nhóm làm sách này thì chỉ có lợi cho nhóm làm sách khác, nhất là bọn Diều hâu.

Nhiều người chia sẻ cho tôi xem sự phản kích từ những người “ba phải”. Tôi hiểu đó là chiêu trò khiêu khích để tôi tiếp tục, và càng tiếp tục thì nhóm Diều hâu càng có lợi. Tôi không tiếp tục để vô tình tiếp tay cho trò bẩn thỉu đó nữa. Chỉ trả lời nhanh cho những ai bị rơi vào mê hồn trận của cái gọi là “Lý thuyết tiếp nhận”.

Một là, về động cơ, những người phản kích để bảo vệ bài thơ Bắt nạt của Thánh Linh không phải “ba phải” như mọi người nhầm tưởng. Họ tỏ ra khách quan, nhưng chẳng có chút trung thực nào. Dễ hình dung, có thể nhóm người này được các giáo sư, tiến sĩ làm sách cho tiền, cho ăn nhậu, cho một danh vọng (đơn giản là nhử cho cái học hàm học vị hay một cái giải văn đoàn, văn đội gì đó) rồi mắc quai. Chê dở/thúi không được mà khen hay/thơm cũng không xong, bèn lấy lý thuyết tiếp nhận ra lòe. Có người còn nhân cơ hội khoe cả đống lý thuyết để chứng tỏ uyên bác, hàn lâm. Họ làm vậy mà không biết tự bôi tro trát trấu vào mặt.

Hai là, khoan nói lý thuyết tiếp nhận, hãy nói về quan điểm của chương trình và sách giáo khoa. Chủ trương dạy Văn tích hợp với dạy Ngữ, gọi là môn Ngữ văn, mà đưa thứ văn có ngôn ngữ rối rắm, tăm tối vào phần đọc hiểu thì có xoắn não trẻ em không? Trong khi nếu trẻ em mà thực hành viết câu văn như vậy thì lại bị thầy cô giáo cho điểm xấu. Quan điểm của tôi, những bài thơ tối nghĩa, lủng củng nên đưa vào bài tập chữa lỗi từ ngữ, lỗi diễn đạt mới đúng!

Ba là, họ lý luận chày cối, rằng bài thơ hay, dở là do bạn đọc. Trong khi sách giáo khoa, dù “đa dạng” theo nhóm lợi ích nhưng vẫn là áp đặt theo cách phân chia thị phần chứ không có quyền lựa chọn nào từ phía người học. Hỏi trong chương trình và ngay trong sách ấy, có chỗ nào cho phép trẻ con lựa chọn văn bản và được quyền chê dở? Chỉ có khoe nhà thơ cách tân táo bạo, tôn nhà thơ như thánh. Đến nhà thơ còn “bắt nạt” ai dám chê dở kia mà!

Xin thưa, lý thuyết tiếp nhận nhấn mạnh vào vai trò bạn đọc, nhưng vẫn dựa vào văn bản (text). Lý thuyết này khởi phát bằng chống “ngụy luận ý đồ” của tác giả, sau đó chống cả phê bình quan phương. Kết quả, lý thuyết tiếp nhận chỉ đề cao phát hiện, khám phá, đồng sáng tạo của người đọc tự do, phát huy “hồi ứng bạn đọc”, tương tác đa chiều trong “cộng đồng diễn dịch”. Cả một hệ thống lý thuyết dù rất phức tạp, đa chiều, nhưng tuyệt đối không có chuyện khuyến khích mang bài thơ dở như c*t ra khen thơm, trừ cái mũi thẩm văn, tức “tầm đón đợi”, có vấn đề!

Bốn là, một thứ văn “hôi” thật, cả làng không chịu nổi, tất phải chê hôi để ngăn sự đầu độc bọn trẻ. Đó là trình độ tiến hóa của loài người. Nhưng những kẻ muốn khen thơm lại bày trò lý luận: Chân lý không thuộc đám đông; cái mới, lạ ắt gây tranh cãi và trách nhiệm của nó là thúc đẩy cộng đồng tiến bộ! Nói vậy thì đủ thấy nhóm thiểu số tự cho mình tiến bộ đã tiến hóa chưa?

Một lý thuyết chống ngụy biện mà lại được sử dụng làm chỗ dựa cho ngụy biện thì khác gì tự phun sương mù vào mặt mình? Tiếc là nhiều người nhảy vào tự hứng thứ sương mù ấy mà không biết đó là trò ngụy biện thô thiển. Không ít kẻ ngợi ca đó là cái nhìn khách quan khoa học mới thật đáng thương!

No comments:

Post a Comment