Thursday, October 12, 2023

Một hội thảo thiếu suy nghĩ
Ngô Huy Cương
12-10-2023
Tiengdan

Cách đây khoảng 10 năm, TS. Mai Văn Thắng cứ phân vân lựa chọn hướng nghiên cứu của cậu ta trong cái gọi là lĩnh vực “lý luận chung về nhà nước và pháp luật”.

Tôi khuyên cậu ta nên tận dụng tiếng Nga và kiến thức học được từ bên Nga để nghiên cứu chuyên sâu về sự ảnh hưởng của truyền thống pháp luật Soviet tới hệ thống pháp luật Việt Nam và tìm kiếm giải pháp hay lối thoát cho pháp luật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tôi nói với cậu ta rằng nước mình đầy người đi học luật ở Nga về nhưng chẳng nghiên cứu gì về hướng này. Cậu ta có vẻ lắng nghe và gật gù.

Vậy là từ đó trở đi, cứ lần nào gặp nhau để nói về chuyên môn, tôi đều hỏi nghiên cứu hướng đó sao rồi. Có vẻ giấu giếm, cậu ta thường nói rằng, em bận quá nên chưa tập trung vào hướng đó được.

Đùng một cái, có một tên hội thảo quốc tế được đặt ra là “The Influence of the Soviet Law Model on Modern Legal Systems of Russia, China and Vietnam” (Sự ảnh hưởng của mô hình pháp luật Xô-viết đối với các hệ thống pháp luật hiện đại của Nga, Trung Quốc và Việt Nam) và được giao cho Khoa các môn khoa học pháp lý tổng quát (theo cách gọi của tôi, tức là Khoa Lý luận – lịch sử về nhà nước và pháp luật, nếu gọi theo kiểu liệt kê thiếu thốn) cùng với Khoa chuyên về luật công tổ chức.

Hôm Hội đồng giáo sư cơ sở họp để xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS cho mấy anh chị em, ứng viên xin xét công nhận đạt chuẩn, PGS Mai Văn Thắng báo cáo về hướng nghiên cứu này mà chúng tôi đã “bí mật” bàn nhau cách đây khoảng chục năm. Tôi mừng lắm nhưng buộc phải góp ý ngay tại chỗ là TS. Mai Văn Thắng đã không phân biệt nổi “luật so sánh” với “chính trị học so sánh”. Đồng thời tôi phê bình luôn tại chỗ nhằm vào cô hiệu trưởng là không sâu sát chuyên môn nên giao việc tổ chức hội thảo nhầm địa chỉ.

Xem thì biết: Tên hội thảo mang tính chất rõ ràng về luật so sánh nhưng nội dung các bài viết thì quá ít nói về luật so sánh. Toàn bộ luật tư – nội dung so sánh chủ yếu mà bởi nó người ta mới gọi đó là luật so sánh – hoàn toàn không có.

Khi ông Trần Kiên quảng bá hội thảo này trên Facebook, tôi giật mình vì độ “tán tụng” quá đà của ông ấy trong khi ông ấy đang là Giám đốc Trung tâm luật so sánh của UL-VNU. Tôi quyết không tham dự, không nghe hội thảo đó vì sợ nổi cáu bất ngờ.

Các thầy cô tán gì, nhằm mục đích gì thì mặc kệ các thầy cô, nhưng hoàn toàn không nên vì thế mà làm học trò hiểu sai kiến thức cơ bản.

Việc giao môn luật so sánh cho Khoa các môn khoa học pháp lý tổng quát quản lý không có nghĩa là các thầy cô thuộc biên chế ở đó phải dạy luật so sánh và giỏi luật so sánh?

Lưu ý rằng học luật ở Liên Xô về không có nghĩa là biết luật Xô-viết dưới giác độ luật so sánh, mặc dù luật nước ngoài là một đối tượng nghiên cứu chủ yếu của luật so sánh!

Tôi nghĩ, nếu không phải là Mai Văn Thắng thì không ai tổ chức được một hội thảo theo kiểu như vậy!

Hãy bỏ đi ngay cái thói tổ chức đại đi thật nhiều hội thảo để lấy thành tích và in bừa các thể loại sách chuyên khảo, các thể loại kỷ yếu để tính điểm công trình khoa học mà không thèm đếm xỉa gì đến học thuật và tác dụng xã hội!

Cô Hiệu trưởng không nên “dùng” ông Trưởng phòng khoa học nhiều quá mà lãng quên cái gọi là “Hội đồng khoa học và đào tạo” của Trường nhé! Yêu quý cô!

No comments:

Post a Comment