Tuesday, October 10, 2023

Hamas tấn công : Cơn ác mộng, sự kiện « ngày 11 tháng Chín » của Israel
Thụy My
Đăng ngày: 09/10/2023 - 21:21
RFI

Việc quân khủng bố Hamas tấn công Israel làm trên 700 người chết và 2.200 người bị thương chiếm trang nhất của tất cả các báo Pháp hôm nay 09/10/2023. Le Figaro nhận định nhân loại và thế giới văn minh không cần một sự kiện ngày 11 tháng Chín mới. Sững sờ, hoảng loạn, phẫn nộ : Israel trước và sau ngày 7 tháng Mười 2023 đã rất khác.

Khói lửa cuồn cuộn bốc lên sau khi Israel tấn công một cao ốc ở Gaza để trả đũa, ngày 07/10/2023. REUTERS - STRINGER

Israel trên trang nhất tất cả nhật báo Pháp

Le Monde ra từ hôm trước chạy tựa « Hamas tấn công quy mô, Israel trong tình trạng chiến tranh ». Les Echos đăng ảnh một người đang chạy trong khung cảnh đống đổ nát với dòng tít « Israel, vòng xoáy địa ngục ». Trên La Croix là ảnh chụp những người dân hoang mang sau lưng là một đám cháy, với tựa đề « Israel trong chiến tranh ». Trang nhất Libération được dành trọn cho ba bức ảnh : một cặp vợ chồng bồng con nhỏ trong trạng thái hoảng loạn, đám đông dự festival âm nhạc đua nhau bỏ chạy, một con đường đầy xác người, với dòng tít ngắn gọn « Israel ngày 7 tháng 10 năm 2023 ». Le Figaro đăng ảnh một đoàn xe tăng, cho biết « Sau kinh hoàng, Israel chuẩn bị trả đũa ».

Người dân thức giấc trong ác mộng

Libération mô tả, sáng thứ Bảy 07/10, người dân Israel thức giấc trong một thế giới mới gồm tất cả những cơn ác mộng cộng lại. Trên điện thoại, hầu như trực tiếp là những hình ảnh đáng ngờ của quá khứ : những người lính bị hành hình, thi thể những thường dân bị trúng hàng loạt đạn...và những cảnh khác mà đến nay không thể tin được.

Những gia đình khóc lóc, bị quân Hamas chĩa súng dồn vào nhà bếp ; những người lính quân dịch bị bắn chết, xác chỉ mặc đồ lót, chất sau một chiếc xe mui trần đi diễu hành. Và đám đông thanh niên hoảng sợ bỏ chạy trên cánh đồng. Họ tham dự lễ hội âm nhạc « thiên nhiên và hòa bình » tối thứ Sáu cho tới sáng sớm thứ Bảy, khi những kẻ sát nhân từ trên trời hạ cánh xuống bằng dù lượn.

Lần đầu tiên Hamas phá được lớp hàng rào vẫn ngỡ rằng chống lại xe ủi, xông vào cùng với những người ủng hộ, giết và bắt cóc cả nam, nữ, trẻ em. Chiến dịch « Trận lụt Al-Aqsa » bắt đầu với khoảng hai chục điểm xâm nhập cùng lúc từ mặt đất, trên không và trên biển ; trong khi quân đội Israel không hề phát hiện dấu hiệu nào trước đó. Chỉ trong ngày cuối tuần, đã có đến hơn 600 người Israel thiệt mạng, hầu hết là thường dân, một con số kinh hoàng. Kể từ cuộc chiến năm 1948 và tuyên bố độc lập, Israel chưa bao giờ mất nhiều người như vậy chỉ trong một ngày. Để so sánh, cuộc chiến intifada lần thứ hai (2000-2005) làm hơn 700 thường dân tử nạn, sau chiến dịch khủng bố kéo dài 5 năm.

Sự kiện này gây sững sờ như với chiến tranh Kippour cách đây đúng 50 năm, đối với người Israel có tầm cỡ như ngày 11 tháng Chín của Mỹ, và nỗi sợ bắt con tin từ khi người lính Gilad Shalit được trả tự do...Tác động tâm lý hiện chưa thể đánh giá được hết. Chỉ trong một ngày, nhiều niềm tin đã sụp đổ : rằng Hamas không đáng lo, rằng hệ thống « Vòm Sắt » và bức tường cao 9 mét trị giá 1 tỉ đô la đủ để bảo vệ, rằng vấn đề Palestine đã được sang trang.

Giờ đây tất cả các bên đứng trước trạng thái bất định. Hamas sau chiến thắng trước mắt, sẽ làm gì với những người bị bắt ? Một sự trao đổi tù nhân khó diễn ra khi thủ tướng Netanyahou đã hứa hẹn biến căn cứ Hamas thành một « núi gạch vụn ». Những mặt trận khác có thể mở ra ở Liban, Cisjordanie hay không ? Israel sẽ trả đũa thế nào, sau những vụ không kích đầu tiên làm trên 370 người chết ở Gaza ?

« Ngày 11 tháng Chín » của Nhà nước Do Thái

Trong bài xã luận « Ground zero », Le Figaro nhận định nhân loại và thế giới văn minh không cần một sự kiện ngày 11 tháng Chín mới. Sững sờ, hoảng loạn, cú sốc thảm sát : Israel trước và sau ngày 7 tháng Mười 2023 đã khác.

Đúng 50 năm sau cuộc chiến Kippour mà Israel suýt bị thua, và 30 năm sau khi ký kết thỏa thuận Oslo giúp mơ đến hòa bình, vùng Cận Đông lại bị đưa về « ground zero » của mình, chỉ còn là những hoang tàn. Hàng trăm biệt kích Hồi giáo Palestine xâm nhập vào đất Israel, tàn sát người vô tội, và Hamas đang có trong tay hơn 100 con tin để tìm cách trao đổi bằng 4.500 tù nhân Palestine. Đó là thất bại vô cùng lớn của tình báo và quân đội Israel vốn thiện chiến, bị bất ngờ trước vụ tấn công đã được chuẩn bị từ lâu.

Benyamin Netanyahou thề sẽ tung ra « một chiến dịch mạnh mẽ và lâu dài », với nguy cơ lại chiếm đóng Gaza như các đồng minh chính trị của ông đòi hỏi. Hamas, biết rằng sẽ bị trả đũa, liệu có một cái bẫy nào khác ? Sự quay lại của chiến tranh quy ước đã làm chúng ta hầu như quên mất cuộc chiến tranh đa diện của bọn khủng bố. Phương Tây đồng lòng lên án, và sắp tới sẽ phải đối mặt với cả hai. Nội bộ Israel đang lủng củng nên mất cảnh giác, việc xích lại gần Ả Rập Xê Út giờ đây trắc trở, còn Iran ghi được điểm. Trong cuộc đối đầu miên viễn Israel-Palestine, « tiến trình hòa bình » hiện không thể nghĩ đến.

Với khủng bố, không có chỗ cho ngoại giao

La Croix nói về « Cái chết của ngoại giao ». Không thể đánh đồng một Nhà nước dân chủ với một tổ chức bạo lực, độc tài ; như một dân biểu cực tả Pháp đã thể hiện. Cần phải cực lực lên án việc Hamas tấn công Israel với cách thức rất đáng ghê tởm và vô nhân đạo với thường dân, nhưng cũng nên đặt câu hỏi, vì đâu nên nỗi. Vụ tấn công của Hamas chừng như là dấu chấm hết cho hoạt động ngoại giao tại Cận Đông.

Ba mươi năm sau thỏa thuận Oslo, việc định cư của người Do Thái ở Cisjordanie là không thể đảo ngược, còn dải Gaza bị phong tỏa từ 2007. Về phía Hamas luôn từ chối mọi hòa giải với Israel, tự đặt vào thế đối lập cực đoan, tàn bạo. Ở giữa là người Palestine tại Gaza không có tương lai. Sự phô trương sức mạnh của nhóm khủng bố chứng tỏ chúng có thể gây bất ổn cho Nhà nước Do Thái, nhưng chắc chắn sẽ phải trả giá đắt, nhất là người dân Gaza.

Le Figaro nhắc nhở, sự thật đáng buồn là cử chỉ thiện chí của thủ tướng Ariel Sharon, đơn phương rút quân Israel khỏi dải Gaza năm 2005, đã tạo điều kiện cho phong trào Hồi giáo chiếm lĩnh vùng đất này từ 2007 và ngự trị cho đến nay. Không thể nào có giải pháp hòa bình với một tổ chức khủng bố chẳng những ghi trong hiến chương mục tiêu hủy diệt Israel, mà còn muốn diệt chủng dân tộc Do Thái.

Các nước xem lại chiến lược sau « cơn địa chấn »

Les Echos coi vụ tấn công này là một « trận động đất ». Vụ thảm sát kinh hoàng nhất kể từ khi Israel lập quốc cách đây 75 năm, đã ngăn trở nỗ lực bình thường hóa trong khu vực. Cộng đồng quốc tế không còn người đối thoại, khi Chính quyền Palestine - đứng đầu là Mahmoud Abbas 87 tuổi, đã mất uy tín vì tham nhũng và không tổ chức bầu cử từ 15 năm qua - chỉ còn kiểm soát được Cisjordanie. Những cặp mắt đang hướng về Iran, nhà tài trợ cho Hamas. Cuộc tấn công tổ chức tinh vi cho thấy có sự hỗ trợ của Teheran về vũ khí và huấn luyện, tuy tình báo Mỹ ẩn danh cho biết không có bằng chứng Iran can dự trực tiếp. Nhà phân tích David Khalfa cho rằng Teheran đã trở thành bậc thầy trong việc thổi bùng các xung đột mà không phải gánh chịu hậu quả.

Theo chuyên gia Héloïse Fayet, hiện thời khu vực chưa thể bùng nổ, nhất là phe Hezbollah ở Liban thuộc hệ phái Shia được Iran bảo trợ chỉ mới bắn sang một ít quả đạn. Có lẽ để nhắc nhở lằn ranh đỏ : Tsahal (quân đội Israel) không can thiệp vào Gaza. Jérusalem không cần phải mở thêm một mặt trận thứ hai ở phía bắc, khi Hezbollah sở hữu mấy chục ngàn rốc-kết với phạm vi hoạt động và hỏa lực mạnh hơn Hamas rất nhiều.

Trận địa chấn này khiến nhiều nhân tố phải đánh giá lại chiến lược. Nga không lên án Hamas nhưng hy vọng thuyết phục được đối tác Israel là mình không hay biết gì. Héloïse Fayet cho rằng đây còn là thất bại của Washington khi rút khỏi Cận Đông, tập trung vào Ấn Độ-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden tối qua loan báo cung cấp thêm đạn dược cho Israel và tăng cường lực lượng trong khu vực. Qatar, nhà tài trợ gián tiếp cho Hamas qua việc giúp chi phí hành chánh, điện, dịch vụ xã hội cho dải Gaza 2 triệu dân ; sẽ phải tự vấn, nhất là đang chứa chấp thủ lãnh Hamas, Ismaïl Haniyeh.

Vì sao Hamas dám thách thức Israel ?

Tại sao Hamas tự gánh lấy rủi ro khi thách thức Israel ngay trên đất của người Do Thái ? La Croix đặt câu hỏi.Hồi tháng Năm, tổ chức này gây ngạc nhiên khi vắng bóng trong vụ leo thang xung đột giữa Irael và dải Gaza, không hành động bên cạnh thánh chiến Hồi giáo. Hóa ra là nhằm giữ sức cho chiến dịch quy mô chưa từng thấy, với 5.000 quả rốc-kết bắn ra trong vài tiếng đồng hồ, xâm nhập ồ ạt và bắt hàng loạt con tin. Nếu thủ lãnh nhánh vũ trang của nhóm là Mohammed Deif có thể tiến hành chiến dịch này, một phần nhờ những lỗ hổng ở biên giới phía nam với Ai Cập, giúp đưa vũ khí vào. Nhưng nhất là hỗ trợ về hậu cần, tài chánh và chính trị của Iran.

Nhà nghiên cứu David Khalfa nhận định, Hamas đã đạt được kỹ năng chiến đấu với sự hỗ trợ của Vệ binh Cách mạng, những kỹ sư hướng dẫn về đội drone và những phòng thí nghiệm bí mật, giúp nâng cấp bằng công nghệ dân sự chuyển sang mục đích quân sự. Cụ thể, Libération cho biết thêm, nhóm khủng bố những năm gần đây được Iran và Hezbollah giúp tăng cường kho vũ khí : kỹ thuật số, drone, pháo, rốc-kết…Một nhúm dân quân với vài khẩu kalachnikov và những quả rốc-kết trong thời kỳ đầu chỉ hơn đồ chơi một chút, nay đã trở thành lực lượng đáng ngại.

Về chính trị, Hamas cần tô điểm hình ảnh nhằm nắm quyền lãnh đạo toàn bộ phong trào đấu tranh Palestine. Tuy nhiên nếu nhờ khủng bố, Hamas tạo ra tương quan lực lượng với Israel với hàng trăm thường dân và quân nhân bị bắt cóc, phong trào Hồi giáo này không cùng tình trạng với Ai Cập sau chiến tranh Kippour năm 1973. Nhà nghiên cứu Thomas Vescovi lo ngại : « Cairo có thể thương lượng với tư cách Nhà nước, còn Hamas vốn bị Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ coi là tổ chức khủng bố, không có cửa để đàm phán cấp cao. Và sự cách biệt về lực lượng khiến có thể kết thúc bằng biển máu ».

Con tin : Trở ngại cho việc trả đũa

Chuyên gia Kobi Michael trên Le Figaro cho rằng Israel nên thay đổi cách thức đối phó với Hamas. Trên lý thuyết, thì tổ chức khủng bố này chỉ có 20.000 tay súng, nhưng có thể huy động thêm gấp đôi. Về phía Israel là một trong những quân đội hùng hậu nhất thế giới, với 180.000 quân nhân và 450.000 quân dự bị.Về vũ khí, Hamas tương đối hạn chế với 15.000 rốc-kết Qassam, hỏa tiễn R-160, Fajr-5, M-302 của Iran ; tuy nhiên số công cụ giết người này có thể đạt đến toàn bộ lãnh thổ Israel.

Người dân Do Thái được « Vòm Sắt » bảo vệ, chận được trên 90 % số hỏa tiễn, nhưng Hamas cố làm hệ thống này bị bão hòa bằng hàng ngàn quả đạn. Quân đội Israel gần đây đã phá hủy được nhiều đường hầm tiếp tế của Hamas nhưng chưa đủ. Số người bị bắt hàng loạt cũng là trở ngại lớn : vốn quý trọng con người, trước đây Israel đã chấp nhận trao đổi đến 1.000 tù nhân Palestine để duy nhất một người lính là Gilad Shalit được trả tự do. Việc bắt con tin là thường dân khiến Nhà nước Israel cũng trở thành con tin của Hamas. Những trận đánh trong đô thị ở Gaza sẽ đặc biệt nguy hiểm, con tin thành bia đỡ đạn.

Các báo đều cho rằng thủ tướng Netanyahou đã thất bại khi hòa hoãn với Hamas, chiều chuộng Nga để ngăn trở Iran ở Syria. Đây cũng à thất bại nặng nề của tình báo Israel, và nay cần tránh lặp lại trên các mặt trận khác, như ở biên giới phía bắc với Liban và Syria. Nhất là với kẻ thù số một là Iran, với chương trình nguyên tử và đội quân hùng hậu ở Syria.

No comments:

Post a Comment