Saturday, October 7, 2023

Biden mở rộng xây tường biên giới với Mexico - liệu có thể ngăn chặn vượt biên?
Bernd Debusmann Jr
BBC News, Washington DC
07.10.2023
BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Có nhiều loại rào cản vật lý dọc biên Mỹ-Mexico

Thoạt nhìn, Quận Starr ở bang Texas, Mỹ là một nơi yên tĩnh.

Những ngọn đồi thoai thoải được bao phủ bởi những cây mesquite và cây bụi mọc thấp, xen kẽ với các con suối và rãnh nhỏ, và nhiều thị trấn nhỏ, yên bình nơi đây dường như được lấy từ những vùng phương Tây cũ.

Nhưng biên giới giữa Mỹ và Mexico cách đó không xa. Vào những ngày yên bình ở những thị trấn như Roma, người dân và du khách có thể nghe rõ tiếng nói chuyện ồn ào, tiếng trẻ con nô đùa hay tiếng gà trống gáy khắp con sông Rio Grande.

Trong nhiều thập niên qua, môi trường sống, vị trí gần sông và khả năng tiếp cận các đường cao tốc đã khiến nơi đây trở thành điểm qua lại đông đúc của những người nhập cư - và giờ đây, trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận sôi nổi về an ninh biên giới ở Mỹ.

Hôm 4/10, chính quyền Biden tuyên bố sẽ xây dựng một đoạn tường biên giới dài khoảng 32km trong khu vực, một thông báo hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của ông khi còn là một ứng viên Tổng thống vào năm 2020 rằng nếu đắc cử ông sẽ không xây thêm “một thước tường biên giới nào”. Ông cũng đã tạm dừng việc xây dựng vào ngày đầu tiên nhậm chức.

Trong khi Tổng thống Biden và các quan chức tuyên bố rằng bức tường biên giới mới đang được xây dựng một cách miễn cưỡng - vì nguồn kinh phí đã được chính quyền Donald Trump phân bổ đặc biệt vào năm 2019 - thì thông báo này một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về biện pháp kiểm soát biên giới từng gây tranh cãi của chính sách đặc trưng của tổng thống lúc bấy giờ là Trump.

Tổng cộng, cựu Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cải tạo và gia cố gần 740km bức tường biên giới, mặc dù chỉ có khoảng 80km là xây mới. Kể từ khi rời nhiệm sở, ông Trump và một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã kêu gọi xây dựng thêm các rào cản biên giới trong bối cảnh số lượng người nhập cư ở biên giới phía nam ngày càng tăng.

Việc các bức tường biên giới có hiệu quả hay không đã trở thành một cuộc tranh luận chính trị gay gắt.



Trong khi dữ liệu của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ công bố vào cuối năm 2020 cho thấy những bức tường mới giúp giảm gần 90% sự xâm nhập bất hợp pháp vào một số khu vực, thì các nghiên cứu học thuật lại cho thấy hiệu quả khiêm tốn hơn.

Ví dụ, một phân tích dữ liệu từ Viện nghiên cứu Cato cho thấy Cục Tuần tra Biên giới Mỹ chứng kiến nhiều vụ bắt giữ và vượt biên trái phép thành công hơn ngay cả trước khi chính quyền Trump kết thúc, cho thấy bức tường cuối cùng đã không hiệu quả.

Một nghiên cứu thứ ba, được công bố trên Tạp chí Kinh tế Hoa Kỳ: Kinh tế Ứng dụng, cho thấy các rào cản biên giới đã làm giảm 35% tình trạng nhập cư. Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm thấy dữ liệu nào cho thấy các bức tường này hiệu quả hơn việc sử dụng nguồn tài trợ để thuê thêm nhân lực ở biên giới.

Về phần mình, chính quyền Biden đã nhiều lần tuyên bố một cách dứt khoát rằng họ không tin rằng các rào cản này có hiệu quả.
Con sông Rio Grande nhìn từ thị trấn biên giới Roma, Quận Starr, bang Texas

Doris Meissner, cựu ủy viên của Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ - cơ quan hiện không còn tồn tại - nói với BBC rằng những bức tường có thể có hiệu quả trong việc "chuyển hướng" dòng người di cư đến các khu vực dễ tuần tra hơn.

“Ý tưởng có một rào cản vật lý ở đó [Quận Starr] là để giúp các đặc vụ và phương tiện của Lực lượng Tuần tra Biên giới không cần phải dàn trải trên một khu vực rất lớn mà là khoảng cách mà người ta đang băng qua”, bà Meissner, hiện là thành viên cấp cao Viện Nghiên cứu về Chính sách Di dân có trụ sở tại Washington DC nói. “Có vẻ đó chính là điều họ đang nghĩ đến với đề xuất này.”

Bản thân thuật ngữ "bức tường" đã là một cách gọi sai. Trên trang web của mình, Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) mô tả hàng rào biên giới bao gồm tất cả mọi thứ từ hàng rào cọc đến các đê bằng bê tông và thép, và ở một số nơi là " Normandy barriers" - rào chắn kim loại lớn được thiết kế chỉ để ngăn chặn sự xâm nhập của phương tiện nhưng người đi bộ có thể đi qua.

Theo CBP, công trình tường mới sẽ bao gồm các tấm rào thép cao 5,4m được đặt trong các hàng rào bê tông di động, được củng cố bằng "công nghệ phát hiện" và hệ thống chiếu sáng.

Các chuyên gia lưu ý rằng ngay cả những khu vực có rào cản cao và vững chắc cũng không có nghĩa là không thể xuyên thủng. Người nhập cư thường tìm cách leo lên các rào cản bằng thang hay dây thừng, hoặc cắt và trèo qua rào.

“Thực sự chỉ là về tốc độ. Có lẽ sẽ chỉ mất vài phút nữa để vào đất Mỹ”, Adam Isacson, nhà nghiên cứu tại Văn phòng Washington ở Mỹ Latinh nói.

"Đây hoàn toàn không phải là một rào cản không thể vượt qua. Việc đưa trẻ em, người già hoặc người khuyết tật vượt qua sẽ khó khăn hơn và có nhiều người chết hoặc bị thương nặng khi rơi xuống. Nhưng điều này dường như không ngăn cản được những người vượt biên".

Ông Isaacson nói thêm, những bức tường cũng “không liên quan nếu mục tiêu của bạn là đầu thú” và chính thức xin tị nạn – điều vốn trong những tháng gần đây đã chiếm “phần lớn đáng kể” trong tổng số người nhập cư bị giam giữ. Khi đã vượt qua biên giới quốc tế, những người xin tị nạn được phép phản đối việc trục xuất một cách hợp pháp.

Dọc theo biên giới – nơi người dân từ lâu đã quen với việc là chủ đề đứng đầu trong các cuộc tranh luận về nhập cư - tin tức về việc mở rộng bức tường biên giới đã gây ra nhiều cảm xúc lẫn lộn.

Một số cư dân ở các thị trấn biên giới nói với BBC rằng mặc dù họ muốn có một đường biên giới vững chắc nhưng họ phản đối bức tường, hoặc họ cởi mở với ý tưởng này nhưng lo ngại về cách thức thực hiện.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Một trong số họ, Jessie Fuentes - nhà hoạt động ở thành phố Eagle Pass, nói rằng ông đã "chiến đấu hết mình" chống lại những nỗ lực xây dựng bức tường biên giới trước đây, nhưng cuối cùng cảm thấy rằng các rào cản đã được "thiết kế tốt" và "được thiết lập một cách chiến lược".

“Hàng rào phục vụ một mục đích,” ông nói. “Nếu nó giúp CBP kiểm soát hoặc thiết lập một tuyến đường mà người nhập cư có thể tìm nơi trú ẩn hoặc cứu trợ thì đó là một điều tốt… nhưng nó không nên khiến mọi người nghĩ rằng chúng ta đang thất bại. Đó là một điều khó khăn. "

Alex Garcia, một cư dân của Quận Webb - kế bên Quận Starr - nói rằng ông "hiểu" sự cần thiết của rào chắn nhưng lo lắng về tác động của chúng với môi trường và thực tế là những người nhập cư "có thể tự làm mình bị thương" khi cố gắng vượt qua.

Theo khái niệm, những “bức tường” biên giới có từ trước cả thời Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump. Mọi tổng thống Mỹ gần đây đều đã xây dựng hoặc tăng cường các phần rào chắn dọc biên giới, bao gồm 206 km được xây dựng dưới thời chính quyền Obama.

Các chuyên gia lưu ý rằng những hang rào này ít có tác động lâu dài đến dòng người nhập cư và là yếu tố quyết định cuối cùng có bao nhiêu người đến biên giới Mỹ-Mexico.

Arturo Sarukhan, cựu đại sứ Mexico tại Mỹ từ 2007 - 2013, nói rằng "Bạn không thể giải quyết những thách thức của Thế kỷ 21 bằng các giải pháp của Thế kỷ 1 trước Công nguyên”.

Ông nói: "Tác động duy nhất mà điều này mang lại là tăng thêm lợi ích cho tội phạm buôn lậu và buôn người có tổ chức, đồng thời chơi trò Whack-a-Mole (Đập chuột) với dòng người nhập cư và vượt biên vào Mỹ, hướng họ tới các tuyến đường và khu vực biên giới nguy hiểm hơn".

Tin liên quan




No comments:

Post a Comment