VNTB – Tự vỗ tay khen mình sau khi đọc diễn vănLynn Huỳnh
25.09.2023 7:06
VNThoibao
Hành động này khi được Đài VOA Hoa Kỳ ghi nhận trong clip Thủ tướng Việt Nam tự vỗ tay cho bài diễn văn của chính mình tại LHQ, khi được trích phần hình ảnh so sánh với nhiều nguyên thủ khác cũng trên diễn đàn Liên hợp quốc này như Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Malaysia, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Phó chủ tịch nước Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc cho thấy khác hẳn Thủ tướng Việt Nam ở hai điểm: khi kết thúc diễn văn, họ đều cúi đầu chào và không tự vỗ tay tán thưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính là chính khách từng có thời gian khá dài làm việc ở ngành ngoại giao khi vào năm 1989, ông là Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Romania. Đây là thời điểm mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Romania và cả xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, ông công tác ở Đại sứ quán với nhiệm vụ trực tiếp xem xét, đánh giá sự biến chuyển của các nước Đông Âu, phục vụ cho đường lối của Việt Nam trong thời kỳ này.
Năm 1996, ông Phạm Minh Chính mới được điều trở lại Việt Nam. Sau đó ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Thư ký Tổng hợp Văn phòng Bộ Công an; Phó Cục trưởng phụ trách Cục rồi Cục trưởng Cục Tình báo Kinh tế và Khoa học kỹ thuật Bộ Công an. Năm 2006, ông Phạm Minh Chính được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an.
Ông Phạm Minh Chính có lịch sử thăng cấp hàm bậc tướng Thiếu tướng, Trung tướng đều cùng các đợt với Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an hiện tại.
Trường hợp tự vỗ tay của Thủ tướng Việt Nam tại diễn đàn Liên hợp quốc vừa qua, rất có thể đó chỉ là thói quen của chính khách xứ Việt – một thói quen mà người ta thường gọi là vỗ tay theo “mồi”. Đó là khi người trên diễn đàn, phát biểu xong một ý nào đó, rất muốn cử tọa hưởng ứng nhưng chẳng có ai vỗ tay, đành tự mình vỗ tay trước để làm mồi cho người ta vỗ theo. Kiểu vỗ tay như thế thường rời rạc, dựa vào sự nể nang.
Có một loại vỗ tay theo chỉ đạo, được dàn dựng trước. Đó là vỗ tay trong các buổi mit-tinh để chào mừng ai đó hoặc sự kiện nào đó, trong các đại hội Đảng – Đoàn chẳng hạn. Kiểu vỗ tay này là theo nhiệm vụ, theo kịch bản, đầy tính xu nịnh. Vỗ rất to, rất dài, nhưng đấy chỉ là những tiếng động vô hồn. Trong mớ hỗn độn âm thanh ấy người ta cảm nhận được sự rời rạc, sự áp đặt, kể cả sự… khinh bỉ.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống kể câu chuyện như sau về ‘vỗ tay định hướng” của Đảng: Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, có buổi gặp gỡ với thầy trò Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi không được dự buổi gặp này, chỉ được nghe nói rằng những thầy cô giáo và sinh viên đến dự phải được lựa chọn trước, được căn dặn là phải ngồi yên, không được đứng dậy chào mừng khi Tổng thống Mỹ vào hội trường, không được vỗ tay khi nghe ông ta nói chuyện.
Không biết chỉ thị đó từ ai phát ra. Có người đoán là từ Tổng bí thư Đảng Đỗ Mười. Đây là kiểu không được vỗ tay theo mệnh lệnh. Tôi có nghe tường thuật trực tiếp buổi đó. Nhiều điều tôi cho là mới lạ, rất hay, đáng ra phải được vỗ tay nhiệt liệt, thế mà hội trường vẫn im phăng phắc. Tôi hết sức thông cảm với những người dự trực tiếp, được nghe những lời quá hay mà phải kìm nén. Ôi chao, các phóng viên ngoại quốc sẽ đánh giá trình độ văn hóa của thầy trò đại học Việt Nam ở mức nào”…
Thế mới biết, chuyện vỗ tay hay không, tưởng là đơn giản nhưng nhiều lúc chẳng đơn giản chút nào, nhất là trong việc “vỗ tay mồi” – “vỗ tay định hướng Đảng”.
Từ vụ việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tại diễn đàn Liên hiệp quốc, có lẽ giờ đây Việt Nam nên chấm dứt việc nhiều đại biểu đứng trên lễ đài, sân khấu khi phát biểu xong đã gương mẫu vỗ tay, tự tán thưởng mình trước, và như để bắt nhịp nhắc khán giả đừng quên mất cái… vỗ tay!
____________
Tham khảo
No comments:
Post a Comment