Thursday, September 28, 2023

HRW kêu gọi Việt Nam hủy bỏ cáo buộc đối với nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng
VOA Tiếng Việt
27/09/2023
VOA

Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng. Ảnh: changevn.org


Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) hôm 27/9 kêu gọi chính phủ Việt Nam lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Hoàng Thị Minh Hồng và trả tự do cho bà vô điều kiện, một ngày trước khi phiên tòa xét xử bà dự kiến diễn ra.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, 51 tuổi, là người sáng lập tổ chức bảo vệ môi trường Change, một tổ chức phi lợi nhuận địa phương có sứ mệnh nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho cộng đồng trong việc bảo vệ thiên nhiên môi trường, động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.

Bà được biết tiếng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực vào năm 1997, được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam năm 2019, trở thành đặc phái viên trẻ của UNESCO và nhận bằng khen của Thủ tướng Việt Nam trong cùng năm.

Trước đó, bà Hồng được vinh danh với nhiều giải thưởng về môi trường và được đưa vào danh sách “Anh hùng Khí hậu” (Climate Hero) vào dịp Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP21.

Bà còn được Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc đến trên trang Twitter vào năm 2018 như là một người trẻ truyền cảm hứng cho ông.

Vào ngày 30/5/2023, bà Hoàng Thị Minh Hồng bị Công an TP.HCM bắt giữ với cáo buộc về tội trốn thuế, một tội danh có mức án lên tới 7 năm tù cộng thêm tiền phạt về hành chính.

Trước đó, vào tháng 10/2022, bà Hồng đột ngột đóng cửa tổ chức Change mà không nêu lý do. Theo HRW, cho đến ngày đóng cửa, tổ chức Change của bà Hồng đã dẫn đầu hơn 200 dự án và chiến dịch liên quan đến môi trường.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói trong thông cáo hôm 27/9: “Chính quyền Việt Nam đang sử dụng luật thuế mơ hồ như một vũ khí để trừng phạt các nhà lãnh đạo môi trường mà Đảng Cộng sản cầm quyền coi là mối đe dọa đối với quyền lực của họ”.

Ông kêu gọi “Chính phủ nên ngừng trừng phạt các nhà hoạt động vì ủng hộ hành động ôn hòa chống biến đổi khí hậu và ủng hộ các chính sách xanh, đồng thời hủy bỏ vụ án của bà Hoàng Thị Minh Hồng”.

Trong hai năm qua, chính phủ Việt Nam đã tăng cường đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự chính thống. Ngoài bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhiều nhà vận động môi trường nổi tiếng như ông Đặng Đình Bách, ông Mai Phan Lợi, bà Ngụy Thị Khanh, ông Bạch Hùng Dương… tất cả đều với cáo buộc tội trốn thuế.

Theo HRW, việc chính quyền Việt Nam mới đây thả ông Mai Phan Lợi và bà Ngụy Thị Khanh vài tháng trước khi mãn hạn tù dường như là vì các áp lực quốc tế.

Nhiều tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã lên án Hà Nội về việc bắt giam các nhà hoạt động môi trường trong khi chính phủ Việt Nam đang tìm cách tăng cường cam kết giảm thiểu khí thải carbon thông qua Tuyên bố Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ USD, do Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Canada, Liên hiệp châu Âu và một số nước thành viên chính đồng tài trợ.

HRW nói một trong số các mục tiêu chính được Việt Nam nhất trí với Mỹ là “thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền”, “thúc đẩy về khí hậu” và đảm bảo “hợp tác môi trường” trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam hôm 10/9 và nâng cấp mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. Thế nhưng chỉ bốn ngày sau khi ông Biden rời Hà Nội, Việt Nam đã bắt giữ một nhà nghiên cứu môi trường nổi tiếng khác, bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc điều hành Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE), một tổ chức tư vấn độc lập tập trung vào chính sách năng lượng xanh, nơi hợp tác với Liên Hiệp Quốc và các nhà tài trợ để cung cấp tư vấn nghiên cứu và lập kế hoạch cho JETP.

Với những diễn biến trên, ông Robertson của HRW kêu gọi “Các nhà tài trợ quốc tế cần nói rõ với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng không thể tiến triển chừng nào các nhà hoạt động môi trường còn bị tấn công”.


No comments:

Post a Comment