Thursday, September 28, 2023

Ủy Ban Châu Âu báo động về tin giả của Nga trước các kỳ bầu cử
Thanh Phương
Đăng ngày: 27/09/2023 - 14:25
RFI

Trong bối cảnh hai nước Slovakia và Ba Lan sắp bầu cử Quốc Hội và tháng 6 năm sau sẽ diễn ra bầu cử Nghị Viện Châu Âu, Ủy Ban Châu Âu hôm qua 26/09/2023 đã bày tỏ quan ngại nạn tin giả, đặc biệt là tin giả của Nga trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).

Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Vera Jourova họp báo về Đối thoại kỹ thuật số cấp cao Liên Âu-Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19/09/2023. REUTERS - FLORENCE LO

Theo hãng tin AFP, trong một cuộc họp báo hôm qua, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Vera Jourova đã nêu bật các kết quả tồi tệ của mạng X trong các cuộc trắc nghiệm. 

Vào năm 2018, các tập đoàn sở hữu các nền tảng lớn như Meta (Facebook, WhatsApp), của Google (YouTube), hay TikTok cùng với các nền tảng nhỏ hơn và các công ty quảng cáo, các nhà thẩm tra thông tin (fact-checker) và các tổ chức phi chính phủ đã đề ra một “bộ quy tắc ứng xử” cùng với các chỉ số để đo lường tầm mức của tin giả trên mạng. Đồng thời họ tiến hành các cuộc trắc nghiệm tại 3 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu có bầu cử Quốc Hội trong năm nay (Tây Ban Nha, Ba Lan và Slovakia). Nhưng vào tháng 5, mạng xã hội X của nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk đã quyết định không còn tuân thủ “bộ quy tắc ứng xử” nói trên. 

Theo lời phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, kết quả trắc nghiệm cho thấy X là nền tảng có tỷ lệ tin giả cao nhất. Bà Vera Jourova cảnh cáo mạng xã hội của Elon Musk là nếu không tuân thủ luật lệ, mạng xã hội này có thể sẽ bị phạt tiền rất nặng. Chiếu theo Luật về dịch vụ công nghệ số (Digital Service Act) của Liên Hiệp Châu Âu, các nền tảng phải nỗ lực chống tin giả, nếu không thì có thể sẽ bị phạt một số tiền lên tới 6% doanh số trên toàn cầu. 

Đặc biệt, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu kêu gọi toàn bộ các nền tảng phải đẩy mạnh cuộc chiến chống tin giả của Nga, bởi vì theo bà, “nhà nước Nga đã lao vào một cuộc chiến về tư tưởng để gây ô nhiễm môi trường thông tin của chúng ta với nhiều tin giả và nhiều điều dối trá, nhằm làm cho mọi người tưởng rằng dân chủ chẳng hơn gì độc tài.”

Trong bản báo cáo gởi Ủy Ban Châu Âu, tập đoàn Google cho biết trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, nền tảng YouTube của họ đã gỡ bỏ 400 kênh tham gia các chiến dịch gây ảnh hưởng có liên hệ với nhà nước Nga. Mạng TikTok của Trung Quốc thì báo cáo là đã kiểm tra nội dung của 832 video về chiến tranh Ukraina và đã gỡ bỏ 211 video trong số này. 

Báo động của Ủy Ban Châu Âu về tin giả của Nga được đưa ra vào lúc cử tri Slovakia chuẩn bị bỏ phiếu bầu Quốc Hội vào thứ bảy tuần này, 30/09. Kết quả cuộc bầu cử này sẽ cho thấy Slovakia xích gần lại Matxcơva hay không.                               

Là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu cũng như của NATO, từ nhiều năm nay, Slovakia đã là mục tiêu của các chiến dịch gây nhiễu thông tin từ trong nước cũng như từ nước ngoài, nhất là từ Nga. Theo các nhà phân tích được hãng tin AFP trích dẫn, có 3 đảng chuyên phát tán những tin tức theo hướng chống Ukraina và thân Nga, gồm hai đảng cực hữu Republika và SNS, và đảng cánh tả của cựu thủ tướng Robert Fico, nhân vật được xem là có khả năng trở lại lãnh đạo chính phủ sau cuộc bầu cử thứ bảy tới. 

Gần đây, chính ông Fico tuyên bố rằng chiến tranh Ukraina đã bắt đầu ngay từ năm 2014 do những người “phát xít” Ukraina giết hại thường dân Nga. Lời cáo buộc này chưa bao giờ được chứng minh và đây vẫn là lập luận mà điện Kremlin và các cơ quan truyền thông thân chính quyền vẫn sử dụng để biện minh cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” của quân đội Nga ở Ukraina. 

Andrej Danko, lãnh đạo đảng cực hữu SNS, thì đã từng khẳng định vào tháng 7 vừa qua rằng các vùng lãnh thổ mà Nga chiếm đóng “về mặt lịch sử” không phải là lãnh thổ của Ukraina. 

Theo các chuyên gia, một phần số tin giả được lan truyền kể từ khi Nga xua quân xâm lược Ukraina là do Matxcơva tung ra, đặc biệt là từ sứ quán Nga ở Slovakia, được xem là hoạt động trên mạng tích cực nhất trong các sứ quán Nga trên thế giới. 

Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì cho tới nay Slovakia là một trong những quốc gia yểm trợ Ukraina mạnh mẽ nhất, đặc biệt là qua việc cung cấp các chiến đấu cơ Mig-29 do Liên Xô chế tạo. Matxcơva có lý do để gây tác động dư luận theo hướng yểm trợ cho cựu thủ tướng Fico. Nhân vật này đã từng tuyên bố là nếu thắng cử, ông sẽ ngưng ngay lập tức việc cung cấp vũ khí cho Kiev. 

No comments:

Post a Comment