Các nước cần chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài trên Biển ĐôngBình luận của Trần Hoàng Hải
2023.09.29
RFA
Hình chụp hôm 20/9/2023 cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc đang theo sát tàu đánh cá của Philippines ở bãi cạn ScarboroughAFP
Màn kịch của Trung Quốc ở Biển Đông
Những sự kiện xảy ra gần đây ở Đông Nam Á cho thấy tình hình có vẻ đáng lo ngại: Bắc Kinh công bố “bản đồ tiêu chuẩn” mới trong đó có yêu sách “Đường 10 đoạn” Biển Đông; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối tham dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Jakarta; Trung Quốc và Philippines lại có thêm căng thẳng ở Bãi cạn Scarborough, sau sự kiện tàu Hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Cảnh sát biển Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông.
Không sự kiện nào trong số này có thể gây ngạc nhiên cho các nhà nghiên cứu về Trung Quốc và về tình hình Biển Đông. Giới chuyên gia đã mường tượng thấy một bức tranh phức tạp về “vở kịch ngoại giao” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sự kết hợp giữa ngoại giao truyền thống, ngoại giao pháo hạm và ngoại giao công chúng đã trở thành thông lệ trong khu vực: việc Trung Quốc thực hiện cái gọi là “luật pháp” - sử dụng các hệ thống và thể chế pháp lý để làm suy yếu đối phương - cùng với việc sử dụng chiến thuật “vùng xám” nhằm mục đích phá vỡ hiện trạng ở Biển Đông theo những cách ít gây chiến.
Từ đầu năm tới nay, Trung Quốc đã liên tục gây áp lực đối với Philippines. Tháng 2, Philippines đã tố cáo Trung Quốc chiếu tia laser vào các thuỷ thủ của Philippines (1). Tháng 8 thì Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Philippines (2), mới đây thì Bắc Kinh làm hàng rào phao để ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận Bãi cạn Scarborough (3).
Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh dựa trên “Đường 9 đoạn” đã bị Toà Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS đã tuyên vô hiệu vào năm 2016, nhưng điều đó không ngăn được các tàu Trung Quốc bắn tia laser và vòi rồng hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận và phong tỏa hạm đội để khẳng định chủ quyền bằng sự đe doạ, cho dù điều đó trái với luật pháp quốc tế.
Từ việc chiếu tia laser vào các tàu Philippines vào tháng 2 cho đến bắn vòi rồng và đặt phao ngăn chặn, Trung Quốc liên tục thử thách các giới hạn của sự xâm lược – tăng cường nhưng cẩn thận tránh hành động chiến tranh rõ ràng – ở Biển Đông.
Những hành động như vậy đã gây ra sự lên án mạnh mẽ từ những nước như Philippines và các quốc gia khác cũng như từ các đối thủ của Trung Quốc như Mỹ và Nhật Bản, nhưng Trung Quốc không hề tỏ ra lo lắng, thường coi hành vi đó là hợp pháp và cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình.
Một vấn đề quan trọng đặt ra là tại sao Trung Quốc lại gây căng thẳng trên Biển Đông như vậy? Nhằm mục đích gì? Làm sao để chống lại hành vi trên của Trung Quốc?
Một số cách giải thích sau đây có thể làm sáng tỏ các câu hỏi này.
Làm xao lãng những vấn đề trong nước
Một vấn đề nổi cộm nhưng bị báo chí Trung Quốc lờ đi là việc Trung Quốc đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình.
Sau khi nổi lên với tư cách là “nhà lãnh đạo trọn đời” của Trung Quốc và ra sức lấp đầy đội ngũ thân tín của mình vào các cơ quan hàng đầu của đảng như Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Bộ Chính trị, nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình đã phải liên tục hứng chịu những thách thức mà ông gọi là “sóng to gió lớn” trong nỗ lực giữ cho “con thuyền Trung Quốc” khỏi bị nhấn chìm.
Tuy nhiên, sự quản trị yếu kém đang khiến Trung Quốc gặp khủng hoảng lớn.
Mặc dù luật pháp và chèn ép trên biển là một phần không thể thiếu trong bộ công cụ của Bắc Kinh ngay cả trong những thời điểm thuận lợi hơn, nhưng đã có một sự gia tăng rõ ràng trùng hợp với các vấn đề trong nước của Trung Quốc – tình trạng rối loạn trên thị trường bất động sản, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và xuất khẩu giảm.
Lịch sử cho thấy các chế độ độc tài có thể có xu hướng ngoại tác hóa những tai ương trong nước của họ, chẳng hạn như trường hợp của chính quyền quân sự Argentina và quần đảo Falklands do Anh cai trị (mà Bueno Aires vẫn tuyên bố cho đến ngày nay là Malvinas) vào năm 1982 trong bối cảnh kinh tế của đất nước gặp nhiều thách thức, bao gồm cả lạm phát tăng vọt.
Cố gắng thúc đẩy một cuộc chiến
Trung Quốc dường như đang cố gắng tìm cách tạo cớ cho một phản ứng quân sự từ các bên tranh chấp đối lập ở Biển Đông (hoặc các đồng minh của họ), điều này sẽ kích hoạt việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc, tuy nguy hiểm hơn nhưng chính đáng về mặt pháp lý. Tuy nhiên cho đến nay chưa có quốc gia liên quan nào rơi vào bẫy của Trung Quốc như vậy. Philippines đã nhiều lần theo đuổi con đường ngoại giao để bày tỏ sự bất bình, bao gồm cả việc triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối. Tuy nhiên, ngoại trừ leo thang quân sự, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc dường như ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về những gì họ có thể đạt được và không có khả năng ngừng gây thù địch với các nước láng giềng.
Collin Koh, nhà phân tích an ninh khu vực của Trường S. Rajaratnam tại Singapore, cho biết: “Tôi nghĩ Trung Quốc đang cố gắng tránh trở thành nước nổ súng đầu tiên vì điều đó sẽ làm suy yếu lập trường của họ trên nhiều mặt.” (4)
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Tập đoàn RAND của Mỹ cũng cho biết, mặc dù việc Trung Quốc bắn vòi rồng là nguy hiểm, nhưng nó sẽ không được coi là một “cuộc tấn công vũ trang” có thể kích hoạt một hiệp ước phòng thủ chung giữa Washington và Manila. “Thông thường, một cuộc tấn công vũ trang sẽ dẫn đến sự phá hủy vĩnh viễn hoặc vô hiệu hóa tài sản, có thể gây thương vong về người hoặc mất mạng.”(5)
Liệu sức mạnh và thời gian có ủng hộ Trung Quốc?
Một lý do khiến Trung Quốc có thể cảm thấy bạo dạn gia tăng căng thẳng hiện nay là nước này cho rằng họ đã đạt đến đỉnh cao thống trị ở vùng biển Đông.
Bắc Kinh đã thể hiện rõ ràng sự không hài lòng đối với mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn của chính quyền Tổng thống Marcos Jr với Washington.
Mặc dù Mỹ với tư cách là cường quốc biển mạnh nhất thế giới luôn cố gắng duy trì sự hiện diện ở Biển Đông, nhưng sự hiện diện của Mỹ vẫn chưa là gì so với lợi thế địa lý thực tế của Bắc Kinh. Trung Quốc là một quốc gia ven Biển Đông, chưa kể đến nhóm tiền đồn đảo nhân tạo được quân sự hóa, mang lại lợi thế chưa từng có để thể hiện sự hiện diện liên tục của Trung Quốc trong khu vực.
Trung Quốc đang thể hiện cho thấy nước này có thể khai thác bộ công cụ mở rộng chiến thuật vùng xám theo ý muốn. Nói cách khác, Bắc Kinh tin rằng họ có thể chơi trò chơi lâu dài ở Biển Đông.
Ví dụ, ở Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng thân tàu rỉ sét của tàu chiến Sierra Madre của Philippines đang mắc cạn sẽ không tồn tại quá lâu trước khi nó phải bị loại bỏ. Bắc Kinh không có động cơ nào để phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng để trục xuất người Philippines ra khỏi bãi cạn này. Thay vào đó, Bắc Kinh có thể đơn giản làm suy yếu Manila cho đến khi nước này từ bỏ quyền kiểm soát bãi cạn đó.
Các nước Đông Nam Á cần làm gì?
Trước hết, các quốc gia Đông Nam Á trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông cần thận trọng không để bị rơi vào bẫy “nổ súng trước” của Trung Quốc.
Ngoài ra, khi Trung Quốc muốn trò chơi này kéo dài thì các nước Đông Nam Á liên quan cần phải có chiến lược đối phó Trung Quốc một cách lâu dài.
Trong một trò chơi kéo dài, việc chỉ tập trung vào đối thoại là không đủ. Phản ứng ngoại giao đồng loạt của các bên Đông Nam Á chống lại bản đồ tiêu chuẩn mới của Trung Quốc là một dấu hiệu đáng khích lệ. Tuy nhiên, ngoại giao phải được củng cố bằng một hình thức thể hiện sự hiện diện hữu hình. Giải pháp đơn giản nhất là mua ngày càng nhiều tàu và máy bay mạnh mẽ có khả năng hoạt động trên vùng Biển Đông rộng lớn. Tuy nhiên, việc này gặp khó do hạn chế về tài chính, hoàn cảnh vốn quen thuộc với các nước trong khu vực đang tìm cách phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19 và chiến tranh Ukraine. Không thể sánh với đội tàu và máy bay của Trung Quốc, nên việc phối hợp và tối đa hóa các nguồn lực thực thi pháp luật về quân sự và hàng hải trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Các nước Đông Nam Á có thể chống lại bằng cách chẳng hạn như thắt chặt các quy định pháp lý hàng hải hiện có hoặc tạo ra các quy định mới phù hợp với luật pháp quốc tế để khẳng định lợi ích của mình. Cũng cần tăng cường khả năng phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với những nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Trung Quốc, để đa dạng hóa thị trường trong nước nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu sự ép buộc kinh tế. Sẽ cần nỗ lực của cả nước để đảm bảo các chiến thuật vùng xám không gây bất hòa và gây mất đoàn kết, có thể làm tê liệt phản ứng quốc gia trước các tình huống bất ngờ ở Biển Đông.
Cuối cùng, trong khi nhận thức được những hạn chế cố hữu về mặt cấu trúc của ASEAN khiến việc đưa ra bất kỳ quan điểm thống nhất nào về tranh chấp Biển Đông trở nên khó khăn, các quốc gia thành viên có cùng chí hướng có thể hợp tác chặt chẽ hơn với nhau. Những nước có tranh chấp ở Biển Đông nên bắt đầu giải quyết những vấn đề này một cách nghiêm túc, chẳng hạn như trường hợp thỏa thuận giữa Indonesia và Việt Nam nhằm phân định các vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn hồi tháng 12/2022. Các bên liên quan trong ASEAN có thể nỗ lực hướng tới quan điểm thống nhất để tăng cường sức mạnh của mình trong các cuộc đàm phán hiện nay với Bắc Kinh về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
__________
Tham khảo:
1. https://apnews.com/article/politics-philippines-government-manila-china-8ee5459dcac872b14a49c4a428029259
2. https://edition.cnn.com/2023/08/07/asia/china-philippines-coast-guard-confrontation-south-china-sea-intl-hnk/index.html
3. https://www.aljazeera.com/news/2023/9/24/philippines-condemns-floating-barrier-in-south-china-sea
4. https://time.com/6302515/china-philippines-south-china-sea-aggression/
5. https://time.com/6302515/china-philippines-south-china-sea-aggression/
No comments:
Post a Comment