Rút quân khỏi Niger, một thách thức không nhỏ cho PhápAnh Vũ
Đăng ngày: 29/09/2023 - 15:52
RFI
Các thợ cơ khí của không quân Pháp trong chiến dịch Barkhane đang bảo trì phi cơ Mirage 2000 tại căn cứ quân sự Niamey, Niger, ngày 05/06/2021. AP
Chuyện Pháp buộc phải rút khỏi Niger, sân sau của mình, trong hoàn cảnh hiện nay là không có gì phải bàn cãi, tuy nhiên vấn đề được các giới chức quân sự Pháp quan tâm nhiều nhất lúc này là làm sao lên kế hoạch để trong thời hạn khoảng 3 tháng rút toàn bộ quân và trang thiết bị quân sự một cách an toàn ra khỏi Niger. Việc chuyển các binh sĩ có vẻ dễ dàng, chỉ cần tập trung về một căn cứ không quân của Pháp tại Niamey, rồi đưa về nước bằng đường hàng không. Trái lại, việc rút các trang thiết bị hạng nặng thì rất phức tạp. Đó là hàng trăm xe bọc thép chiến đấu, trực thăng, các kho khí tài, hệ thống máy tính, thiết bị hậu cần cho quân đội...
Để vận chuyển khối thiết bị quân sự lớn đó, cần phải tổ chức các đoàn xe vận tải bằng đường bộ để tới các cảng Cotonou của Benin hay Abidjan của Bờ Biển Ngà, trước khi đưa lên tàu thủy chuyển về Pháp.
Hồi năm 2022, lực lượng Barkhan của Pháp, với 4500 quân, đã rút khỏi Mali an toàn, nhưng phải mất tới 6 tháng, với những thách thức về hậu cần và bảo đảm an toàn trên đướng chuyển quân khi đó không hề nhỏ. Nhất là lần này, sự hiện diện quân sự của Pháp đã mỏng hơn rất nhiều. Trong vùng Sahel hiện Pháp chỉ còn duy nhất căn cứ ở Cộng hòa Tchad.
Tại Niger, số quân của Pháp không vượt quá 1500 người, chủ yếu đóng tại căn cứ không quân 101 ở Niamey. Tại đó, phần đông là đơn vị biệt phái phi công, kỹ thuật viên phục vụ chiến đấu cho 3 chiến đấu cơ Mirage 200 và 6 drone loại Reaper.
Trong khi đó, theo thỏa thuận với chính quyền Niger trước đây, Pháp là nước duy nhất là đối tác chiến đấu cho chính quyền Niger, tức là quân đội Niger tự lên kế hoạch các chiến dịch, quân Pháp tham gia hỗ trợ. Vì thế mà trên thực địa, 200 binh sĩ Pháp cứ 4 tháng một lần lại được điều đến phục vụ quân đội Niger để bảo vệ vùng biên giới với Mali.
Các đồng minh cũng khó có thể hỗ trợ gì được Pháp trong nhiệm vụ này. Không giống như Pháp, quân nhân các nước Ý, Đức và Mỹ có mặt ở Niger chỉ để thực hiện huấn luyện. Quân đội Mỹ cũng điều khiển máy bay không người lái từ căn cứ Agadez nhưng để phục vụ mụ đích riêng của họ.
Mặc dù người phát ngôn của Bộ Tổng tham mưu quân đội Pháp đảm bảo rằng "các việc rút quân sẽ được phối hợp" với Niger, thì vẫn còn phải chờ xem liệu phe quân sự cầm quyền hiện nay có tạo điều kiện để người Pháp thực hiện nhiệm vụ hay không.
Đến giờ, phe đảo chính đã ra lệnh cấm máy bay Pháp vào không phận Niger. Bầu trời nước này vẫn “mở cửa cho tất cả các chuyến bay thương mại trong nước và quốc tế, ngoại trừ các máy bay của Pháp hoặc các máy bay do Pháp thuê, bao gồm cả các chuyến bay của Air France”, như thông báo đề ngày 23/09 của chính quyền quân sự Niamey chỉ rõ.
Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, Sébastien Lecornu, trên kênh truyền hình LCI, hôm 25/09/2023, nhấn mạnh: “Chính quyền Niger sẽ phải kiềm chế mọi hình thức khiêu khích và đảm bảo an toàn cho hoạt động ” rút quân của Pháp.
Chính quyền quân sự tại Niger, ngay sau thông báo rút quân của tổng thống Pháp, đã cho biết họ muốn thiết lập một « lịch trình » trong « khuôn khổ thương lượng » và « theo thỏa thuận chung để có hiệu quả tốt hơn" cho việc rút quân Pháp.
Kênh truyền hình Pháp BFMTV nhắc lại, Pháp đã phải mất 6 tháng mới rút hoàn toàn quân khỏi Mali và ngay sau đó các căn cứ đã được chuyển sang tay đội quân đánh thuê Nga Wagner. Một kết cục mang vị đắng, không chỉ hiện nay sự hiện diện quân sự chính đáng của Pháp giờ chỉ còn lại ở một vài nước châu Phi.
No comments:
Post a Comment