Trung Quốc kêu gọi binh lính sinh sảnVOA News
30/09/2023
VOA
Trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin tại một bệnh viện ở Aksu, Vùng Tự trị người Uighur ở Tân Cương, Trung Quốc, ngày 10/8/2012.
Trong lúc Trung Quốc đối mặt với tình trạng số lượng người già ngày càng tăng và số trẻ sơ sinh ngày càng ít, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trao cho các chiến sĩ một mệnh lệnh mới – dẫn đầu nhiệm vụ sinh sản.
Các nhà phân tích cho rằng động thái này không chỉ nhằm giải quyết các thách thức về dân số của đất nước mà còn nhằm biến binh nghiệp trở thành một lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn hơn đối với những người có chuyên môn, có học thức ở thành thị.
Vào ngày 7/9, các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã công bố một lệnh hành pháp mới về kế hoạch hóa gia đình và quân đội. Nhấn mạnh tính cấp bách, lệnh này có hiệu lực từ ngày 10/9.
Chi tiết đầy đủ về kế hoạch 33 mục vẫn chưa được công bố, nhưng truyền thông nhà nước cho biết chính sách này sẽ “tiêu chuẩn hóa các điều chỉnh về kế hoạch hóa gia đình, các biện pháp khuyến khích, các dịch vụ liên quan” và hình thành “một chuỗi hoàn chỉnh” từ sinh con đến chăm sóc trẻ, “với sự hỗ trợ kỹ thuật đầy đủ.”
Các bài đăng trên tài khoản chính thức của lực lượng quân đội Trung Quốc cho biết các biện pháp này bao gồm kỳ nghỉ 5 ngày hàng năm cho những người mới làm cha mẹ và cho phép những người mới nhập ngũ có thể về thăm gia đình trong hai năm đầu tiên phục vụ.
Có một bài đăng còn đưa cả hình ảnh một người lính trẻ phục vụ trong Quân đoàn 73 của Quân đội ở Tế Nam tên là Li đang mỉm cười bên vợ con, người lính này được nói là đã được hưởng kỳ nghỉ phép 5 ngày vừa kể.
Theo một bài đăng hôm 25/9 trên tài khoản chính thức Weibo của Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược Trung Quốc, phụ trách chiến tranh không gian, mạng, chính trị và điện tử, kỳ nghỉ phép hàng năm kéo dài 5 ngày dành cho những người lính có con dưới 3 tuổi.
Khuyến khích sinh sản
Kể từ khi Trung Quốc chấm dứt chính sách một con nghiêm ngặt vào năm 2016, cả chính quyền trung ương và địa phương đều đã chuyển hướng. Họ bắt đầu đưa ra các ưu đãi cho các cặp vợ chồng sinh thêm con khi tiêu chuẩn được nâng lên hai con, và một lần nữa vào năm 2021 – giữa đại dịch COVID – khi Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng sinh ba con.
Các tỉnh, thành trên cả nước đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho các gia đình có 3 con như phần thưởng một lần và trợ cấp hàng tháng cho đến khi con đủ 3 tuổi.
Ở Thiệu Hưng, miền đông Trung Quốc không xa các thành phố cảng Ninh Ba và Thượng Hải, các cặp vợ chồng có ba con được cho mượn tín dụng lên tới 50.000 đô la để mua nhà.
Tuy nhiên, cho đến nay, những nỗ lực nhằm thay đổi chiều hướng nhân khẩu học của Trung Quốc đều thất bại.
Năm ngoái, tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống còn 1,09 trẻ trên một phụ nữ, một trong những mức thấp nhất thế giới. Và lần đầu tiên sau 61 năm, dân số Trung Quốc giảm vào năm 2022 với tỷ lệ tử nhiều hơn tỷ lệ sinh.
Ông Steven Mosher, một chuyên gia nghiên cứu về chính sách kế hoạch hóa gia đình của Đảng Cộng sản, nói với VOA rằng các biện pháp mới của quân đội là dấu hiệu cho thấy “Trung Quốc đang ngày càng khao khát có thêm trẻ em”.
Ông Mosher đã theo dõi các chính sách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong nhiều thập niên và là nhà khoa học xã hội người Mỹ đầu tiên được phép nghiên cứu ở Trung Quốc vào năm 1979-80. Hiện ông giữ chức chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số, một tổ chức phản đối việc phá thai và các chương trình kiểm soát sinh sản của chính phủ.
Ông lưu ý rằng các biện pháp mới là một phần trong mệnh lệnh về cách các lực lượng vũ trang phải thực thi các quy định liên quan đến dân số và kế hoạch hóa gia đình, vốn được ông Tập ký với tư cách là người đứng đầu Quân ủy Trung ương.
Ông Mosher nói: “[Ông Tập] là Chủ tịch Quân ủy Trung ương và do đó là tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc. Do đó, ‘đề nghị’ của ông ấy tương đương với một mệnh lệnh”.
Một số người lính hoài nghi
Mặc dù vậy và mặc dù có vô số video và bài viết trực tuyến nhằm quảng bá các biện pháp mới cũng như kêu gọi các cặp quân nhân thực hiện nghĩa vụ yêu nước của mình, nhiều người trên mạng vẫn tỏ ra nghi ngờ.
Một số người nói đùa trên nền tảng mạng xã hội WeChat rằng chỉ khi chính phủ cấp khoản trợ cấp hàng tháng 3.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 450-500 đô la, thì điều đó mới đáng để xem xét. Nhiều người khác chùn bước trước cái giá phải trả của việc làm cha mẹ, bất chấp các phúc lợi nghỉ lễ và các phúc lợi về chăm sóc trẻ nhỏ.
Một người dùng có vẻ là vợ/chồng quân nhân đến từ tỉnh Ninh Hạ phía Tây cho biết cô không thể nào có thêm con.
“Tôi đã một mình chăm sóc hai đứa con. Bố mẹ tôi cũng chẳng thể làm gì nhiều để giúp đỡ và chồng tôi đang tại ngũ nên rất ít khi ở nhà. Chúng tôi lấy nhau đã 10 năm và sống xa nhau đã 10 năm.” bài viết cho biết.
Những người khác cũng đưa ra khiếu nại tương tự và lưu ý rằng kỳ nghỉ phép 5 ngày sẽ không tạo ra nhiều khác biệt. Vợ chồng quân nhân Trung Quốc hiếm khi sống cùng bạn đời tại căn cứ quân sự. Những người lính cần phải có cấp bậc cao hơn để có đặc quyền có vợ/chồng và con cái phụ thuộc ở cùng khi thực hiện nhiệm vụ.
Các binh sĩ thường được lấy 40 ngày phép một lần, nhưng chỉ sau khi hoàn thành hai năm phục vụ đầu tiên.
‘Họ làm được không?’
Ông Chen Guangcheng, một nhà hoạt động vì quyền của người mù đến từ Trung Quốc, người trước đây đã phải ngồi tù hơn 4 năm vì vận động cho quyền phụ nữ và đấu tranh chống lại chính sách một con, cho biết phản ứng này không có gì đáng ngạc nhiên.
“Chính phủ có thể hứa tất cả những gì họ muốn, nhưng liệu họ có thể thực hiện được không? Đó là điều mà người dân đang thắc mắc, và đúng như vậy,” ông Cheng nói với VOA.
Ông Cheng, hiện là nghiên cứu viên cao cấp và giảng viên về Trung Quốc đương đại tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, nói rằng bất kể đó là chính sách một, hai hay ba con, Đảng Cộng sản không nên coi việc sinh con là một phần quy hoạch của nhà nước.
Ông nói với đài VOA: “Sự tùy tiện trong chiến dịch kế hoạch hóa gia đình của chính phủ hoàn toàn mất nhân tính đến mức khiến người dân tự ti rằng dưới sự cai trị của Cộng sản, họ chẳng qua chỉ là một ‘cái mỏ nhân loại’.
Cụm từ này được lan truyền rộng rãi trên mạng ở Trung Quốc để nhấn mạnh rằng mọi người cảm thấy như họ đang bị đối xử giống như các tài nguyên khác thuộc sở hữu nhà nước.
Quân đội tìm kiếm dân thành thị có chuyên môn
Một số người coi sự thay đổi chính sách này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm làm cho sự nghiệp trong quân đội trở nên hấp dẫn hơn.
Hu Ping, một nhà văn và biên tập viên người Trung Quốc gốc Bắc Kinh hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Chính phủ rõ ràng đang ưu tiên các nguồn lực cho quân đội”.
Ông James E. Fanell, đại tá Hải quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, cho rằng điều đó là có lý do.
Ông Fanell nói với VOA: “Thông điệp là: nếu bạn gia nhập PLA [Quân đội Giải phóng Nhân dân], bạn sẽ có thể phục vụ Trung Quốc một cách yêu nước và bạn có thể có một gia đình và biết rằng họ sẽ được chăm sóc.”
Ông Fanell nói thêm, các biện pháp mới được công bố được thiết kế để “làm cho PLA trở nên hấp dẫn hơn đối với dân thành thị có chuyên môn, có học thức, đặc biệt quan trọng nếu các báo cáo về suy giảm kinh tế là chính xác.”
Ông Fanell từng là giám đốc tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ. Ông hiện là nhân viên chính phủ tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva ở Geneva, Thụy Sĩ.
Theo ông Fanell, tăng cường phúc lợi gia đình của các lực lượng vũ trang là một phần trong kế hoạch “phát triển lực lượng tổng thể” của ông Tập Cận Bình, cùng với quá trình hiện đại hóa nhanh chóng, nhằm mục đích chuẩn bị cho PLA trước cuộc xâm lược Đài Loan.
Lúc lệnh của ông Tập được ban hành, Trung Quốc đang vào mùa tuyển dụng mùa thu. Việc tuyển dụng đã kết thúc ở Thượng Hải vào ngày 18/9 và theo truyền thông nhà nước, sinh viên đại học và những người có bằng đại học chiếm 97,6% tổng số người được tuyển mộ của thành phố.
Việc tuyển quân của Trung Quốc diễn ra hai lần một năm, thường là từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3 và giữa tháng 8 đến cuối tháng 9.
No comments:
Post a Comment