Nước Cộng hòa ly khai Nagorny-Karabakh tuyên bố tự giải thể đầu năm 2024
Trọng Nghĩa
Đăng ngày: 28/09/2023 - 13:04
RFI
Trong một sắc lệnh, lãnh đạo vùng có đại đa số cư dân là người Armenia nhưng nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan tuyên bố giải thể “tất cả các cơ quan và tổ chức chính phủ (...) vào ngày 1 tháng 1 năm 2024” và do đó “Cộng Hòa Nagorny Karabakh chấm dứt sự tồn tại của mình”.
Theo nhân vật này, quyết định được đưa ra nhằm “đảm bảo an ninh cho người dân”. Ông cũng đề cập đến thỏa thuận đạt được với chính quyền Azerbaijan cho phép cư dân vùng Thượng Karabakh rời đi qua ngả hành lang Lachin.
Nagorny-Karabakh đã tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan sau khi Liên Xô tan rã và đã chống lại chính quyền Baku trong hơn ba thập kỷ, đặc biệt là trong hai cuộc chiến tranh từ năm 1988 đến năm 1994 và vào mùa thu năm 2020. Thế nhưng, vào tuần trước, Azerbaijan đã tấn công vào vùng này, buộc được lực lượng ly khai đầu hàng sau vỏn vẹn 24 giờ.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai ở vùng Thượng Karabakh kể từ cuối năm 2020 đã án binh bất động, trong lúc Armenia, quốc gia đã hỗ trợ vùng lãnh thổ này trong suốt ba thập kỷ qua, cũng không can thiệp quân sự, mở đường cho sự sáp nhập trở lại của khu vực này vào Azerbaijan.
Hơn 65.000 người đã tản cư
Kể từ ngày lực lượng ly khai vùng Nagorny-Karabakh đầu hàng, người Armenia ở Nagorno-Karabakh đã bắt đầu di tản cư qua Armenia vì sợ bị đàn áp, nhất là sau khi Azerbaijan, kể từ Chủ Nhật vừa qua, sau nhiều tháng phong tỏa, đã cho mở lại hành lang Lachin, con đường duy nhất nối vùng Thượng Karabakh với Armenia.
Theo chính quyền Armenia vào hôm nay, đã có khoảng 65.000 người, tức là hơn một nửa trong khoảng 120.000 cư dân vùng Nagorny Karabakh, đến được Armenia.
Chính quyền Erevan khẳng định: “Nhà nước cung cấp chỗ đàng hoàng cho tất cả những người không có sẵn nơi cư trú” tại Armenia.
Đặc phái viên RFI Daniel Vallot đã đến thị trấn nhỏ Goris của Armenia, nơi tiếp nhận người tị nạn đến từ vùng Thượng Karabakh. Đa số những người này đã phải rời bỏ thị trấn và làng mạc của họ, để lại gần như mọi thứ. Đây là trường hợp của Edo mà đặc phái viên RFI đã gặp:
“Edo đang ngồi trên một chiếc ghế dài, hai tay buông thõng xuống, phía trước anh là một chiếc vali nhỏ và một vài túi nhựa đựng đầy đồ đạc lặt vặt. Gương mặt sạm nắng, mắt lơ đễnh nhìn vào khoảng không, anh kể lại cuộc trốn chạy của mình trước đà tiến của lính Azerbaijan: “Họ đã bao vây thị trấn nên chúng tôi phải rời đi… Chúng tôi chạy trốn để cứu mạng mình và con cái”.
Cùng với vợ, con gái và một người con trai bị khuyết tật, Edo thoạt đầu đến lánh nạn tại một căn cứ quân sự do lực lượng can thiệp Nga trấn giữ. Anh kể tiếp: “Chúng tôi ở đó một tuần, không có gì để ăn. Chúng tôi cố gắng sống qua ngày và sau đó chúng tôi chạy đến đây”.
Trong khi nói chuyện, Edo thường xuyên cúi xuống ôm người con trai 26 tuổi của mình và đặt cậu thoải mái hơn trên xe lăn. Anh giải thích: “Vợ tôi phải đi lo việc đăng ký với chính quyền, nên tôi phải ở lại trông coi nó. Tôi giúp nó đi vệ sinh, cho nó ăn, tôi lúc nào cũng phải ở cạnh nó”.
Edo đang đợi vợ trở về. Họ không biết sẽ ở lại Goris hay sẽ đi đến một thành phố khác ở Armenia. Đối với anh và gia đình, đó là một chuyến đi đến một tương lai hoàn toàn bất định: “Tôi đã làm việc 30 năm, tôi đã xây một ngôi nhà, nhưng nay đã mất tất cả. Tôi chỉ còn một ít quần áo và một ít tiền... 200.000 dram, không quá 500 euro... Tôi sẽ phải nhanh chóng tìm việc làm, phải rất nhanh…”
No comments:
Post a Comment