Wednesday, September 27, 2023

VNTB – Cấm mở lớp “dạy thêm”
Mai Lan
28.09.2023 7:37
VNThoibao



(VNTB) – Cần tìm cách quản lý dạy thêm, học thêm phù hợp thay vì cấm đoán, cực đoan

Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng, cần tìm cách quản lý phù hợp thay vì cấm đoán, cực đoan.

Thời lượng mỗi tiết ở lớp chỉ 45 phút, gói gọn giới thiệu kiến thức, một vài câu hỏi bài tập nhỏ vận dụng, muốn hiểu chuyên sâu hơn, giải được nhiều dạng bài tập liên quan hơn, bắt buộc phải tự học thêm với sự hướng dẫn của thầy cô giáo cụ thể ở bộ môn đó.

Gần như ai cũng đồng ý với nhận xét, rằng chương trình giáo dục phổ thông hiện nay khá nặng, học sinh phải học rất nhiều môn học cùng lúc, đối mặt với rất nhiều kỳ thi căng thẳng, áp lực như thi vào lớp chọn, thi vào trường chuyên, thi đại học… Trong khi đó, với thời gian học trên lớp, giáo viên chỉ có thể đáp ứng lượng kiến thức cơ bản.

Nhu cầu tìm đến các lớp học thêm để bổ sung, bồi dưỡng thêm kiến thức của học sinh và phụ huynh là có. Trên phương diện này, dạy thêm lại giúp học sinh củng cố, mở rộng kiến thức, đáp ứng nhu cầu tham gia các kỳ thi mang tính chất tuyển chọn cao.

Thế nhưng hiện tại thì nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo ở một số địa phương ra văn bản theo hướng cấm mở các lớp “dạy thêm”.

Nếu thật sự đúng như khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, thì học thêm, dạy thêm nhìn dưới lăng kính pháp lý là một giao dịch dân sự. Giao dịch này phản ánh sự thực khách quan là nhu cầu của người học và quyền của người dạy. Người học có quyền học thêm. Và người dạy có quyền dạy thêm. Miễn là hoạt động học thêm, dạy thêm không vi phạm các điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Hiện tại pháp luật Việt Nam đang điều chỉnh hoạt động học thêm, dạy thêm theo tinh thần như vậy. Thậm chí, Luật giáo dục 2005 (sửa đổi 2009) còn không có bất kỳ điều khoản nào điều chỉnh hoạt động học thêm, dạy thêm bởi các nhà lập pháp cho rằng đây là một giao dịch dân sự, vì vậy, không cần quy định trong lĩnh vực luật công, như Luật giáo dục.

Chính quyền trung ương dưới thời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cấm dạy thêm ở quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT  do Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng ký ban hành ngày 31-1-2007. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của quyết định này là về dạy thêm, học thêm trong nhà trường và dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Theo định nghĩa của quyết định 03, dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do nhà trường phổ thông, cơ sở giáo dục khác dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông thực hiện. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm do các tổ chức khác thực hiện (không phải nhà trường).

Quyết định 03 giải thích dạy thêm, học thêm trong nhà trường bao gồm: Phụ đạo học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; dạy thêm cho những học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức; ôn thi tuyển sinh trung học phổ thông…

Còn dạy thêm học thêm ngoài nhà trường bao gồm: Bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi. Như vậy, phạm vi dạy thêm, học thêm trong nhà trường rộng hơn dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Vào ngày 16-5-2012, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển ký ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm thay thế cho quyết định 03. Thông tư này làm rõ thêm: Học thêm có thu tiền; hồ sơ, trình tự, thủ tục tổ chức dạy thêm, học thêm; hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Thông tư 17 nhấn mạnh việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh, không coi là dạy thêm, học thêm. Đây là điểm khác cơ bản so với quyết định 03. Về phân loại dạy thêm, học thêm thì Thông tư 17 không khác gì quyết định 03, nghĩa là có dạy thêm, học thêm trong nhà trường và dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Tính đến hiện tại thì Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT vẫn còn hiệu lực thi hành.

Mặt trái dễ nhận ra nhất, đó là một bộ phận nhà giáo hiện nay bỏ bê việc học trên lớp để tìm cách lôi kéo học sinh đến lớp học thêm nhằm cải thiện thu nhập. Những cuộc họp phụ huynh đầu năm, thấy cô yêu cầu học sinh tự học, tự luyện rồi ra đề kiểm tra quá khó khiến học sinh điểm thấp. Không còn cách nào khác, học sinh phải ôm cặp đến lớp học thêm, phụ huynh chịu gánh nặng học phí.

Đáng buồn hơn, có giáo viên cố tình “găm bài”, “gạ đề” để níu chân người học trong lớp học thêm. Hiện tượng phân biệt đối xử với trò có học thêm và không học thêm không hiếm…

Thế nhưng ngành nghề nào cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng cũng không vì thế mà lên án kịch liệt cấm dạy thêm, học thêm, cần nhìn nhận đa chiều hơn từ xã hội, đặc biệt các nhà nhà quản lý giáo dục thay vì cấm đoán, lên án như một tệ nạn xã hội.


No comments:

Post a Comment