Monday, September 25, 2023

VNTB – Mơ về một nhà nước pháp quyền không định hướng ở Việt Nam
Hà Nguyên
25.09.2023 8:00
VNThoibao



(VNTB) – Là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” nên yêu cầu “độc lập” rất khó đảm bảo vì tất cả đều buộc phải tuân theo định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khi các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với nhau, cân bằng và đối trọng với nhau, thì đó là nhà nước pháp quyền.

Ở Việt Nam, thì do là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” nên yêu cầu “độc lập” rất khó đảm bảo vì tất cả đều buộc phải tuân theo định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và khi chịu sự định hướng “xã hội chủ nghĩa” toàn diện từ chính trị – kinh tế đến luật pháp, tất yếu sẽ dẫn đến sự chệch choạc của những bản án tuyên ở chốn pháp đình.

Trường hợp có một vụ án có dấu hiệu oan sai chẳng hạn, sai phạm có thể xảy ra ở một trong các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử hoặc tất cả các cơ quan này đều sai phạm.

Thế nhưng vì không có cơ chế đối trọng, phân lập nên các cơ quan này không thể phủ nhận lẫn nhau, và họ sẽ phản ứng theo cách bảo vệ cái sai của hệ thống mình, và cố liên kết với nhau để đối phó với xã hội. Họ chỉ “ngại” và chỉ thay đổi khi cơ quan lãnh đạo của cả 03 cơ quan này quyết định. Nhưng cái cơ quan lãnh đạo đó lại không chịu trách nhiệm trước pháp luật và không trực tiếp chịu áp lực của xã hội.

Việt Nam là quốc gia được gọi nôm na là “độc đảng toàn trị” nên mọi so sánh cũng cần đặt trong mối tương quan này.

Lý thuyết chung về quản lý nhà nước cho biết, quyền lực chính trị là quyền lực của giai cấp hay liên minh giai cấp, tập đoàn xã hội, nói lên khả năng của một giai cấp để đảm bảo thực hiện lợi ích khách quan của mình – Đó chính là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác.

Quyền lực chính trị là vấn đề mang tính giai cấp, do giai cấp cầm quyền, thống trị nắm giữ và thực thi, nhằm bảo vệ lợi ích cho giai cấp mình. Đấu tranh cho việc giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị không chỉ là vấn đề nội bộ của một giai cấp, một chính đảng, mà còn là vấn đề quan hệ giữa chính quyền với tôn giáo, chủng tộc, dân tộc và các quốc gia trên trường quốc tế.

Trục cơ bản của quá trình đấu tranh cho việc giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị rất phức tạp, bởi đó là quan hệ giữa vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp. Các nhà lý luận đeo đuổi theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin thì cho rằng: Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là chính quyền nhà nước; là việc giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền nắm chính quyền. Quyền lực chính trị là quyền lực của giai cấp cầm quyền được tổ chức thành nhà nước.

Quyền lực chính trị được thể hiện và thực hiện bằng cả hệ thống chính trị. Trong đó, nhà nước là trung tâm của quyền lực chính trị của hệ thống chính trị.

Do vậy, để đảm bảo cho việc thực thi quyền lực chính trị có hiệu quả, nhà nước cần phải tập trung quyền lực vào tay mình, và điều đó cho thấy cần phải xây dựng nhà nước đủ mạnh để đảm bảo cho việc giành, giữ và thực thi thống nhất quyền lực ấy trong toàn xã hội.

Ở Việt Nam sau tháng tư 1975, quyền lực chính trị – quyền lực nhà nước đều thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lý luận quen thuộc vẫn hay được nhắc đến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là, “quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đồng thời là quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tính chất xã hội chủ nghĩa của nhà nước pháp quyền suy đến cùng do tính định hướng xã hội chủ nghĩa của cơ sở kinh tế quyết định. Chính đặc tính của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo cơ sở cho sự khác biệt giữa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nhà nước pháp quyền tư sản.

Và nếu đồng tình với cách lập luận trên, thì nếu mai đây Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, nhưng không có yếu tố “định hướng xã hội chủ nghĩa”, rất có thể nhờ vậy mà Việt Nam sẽ dần có được các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với nhau, cân bằng và đối trọng với nhau?


No comments:

Post a Comment