Saturday, September 2, 2023

VNTB – ‘Tiền lệ’ cho án hình 331
Cát Tường
02.09.2023 5:42
VNThoibao



(VNTB) – Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM – Nguyễn Đức Hiển là người bị xâm hại về uy tín, tinh thần, danh dự thì phải xác định là “bị hại” chứ sao lại là “người liên quan” (!?)

 “Bộ luật hình sự, điều 331 là tội phạm nằm trong nhóm tội phạm xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính. Do đó, tòa xác định như vậy không phải là không có lý do” – một luật sư ý kiến vậy trước việc một đồng nghiệp khác cho rằng nhà báo Nguyễn Đức Hiển cần phải ra tòa với tư cách là người bị hại.

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TPHCM, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Đức Hiển), trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Đại Nam, Bình Dương) và 4 đồng phạm, sắp sửa bị đưa ra xét xử tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, đã có kiến nghị gửi Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm và thẩm phán Nguyễn Đức Nam, người sẽ là chủ tọa phiên tòa vào ngày 21-9 tới đây.

Luật sư Nguyễn Thành Công dẫn quy định tại khoản 1 điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có nêu rằng: cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra và thiệt hại này là khách thể trực tiếp của tội phạm, thì cá nhân đó được xác định là bị hại trong vụ án.

Cũng theo kiến nghị, qua tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, xác định rất rõ ông Hiển là một trong số các cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về tinh thần (uy tín, danh dự cá nhân), do hành vi phạm tội của bà Nguyễn Phương Hằng gây ra.

Như vậy, theo kiến nghị, luật sư của nhà báo Nguyễn Đức Hiển nêu, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3790/2023/ QĐXXST-HS ngày 28-8-2023 của Tòa án nhân dân TP.HCM, ông Hiển được xác định là “Người có quyền và nghĩa vụ liên quan” trong khi lẽ ra phải là “Bị hại”.

Nếu ông Hiển không là “bị hại”, thì xem ra nếu tuyên bà Nguyễn Phương Hằng phạm tội thì cũng sẽ không có chuyện “bồi thường” phần dân sự ở đây.

Tòa đã triệu tập ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Nguyễn Phương Hằng), ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ); bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo), ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ) cùng chồng là Lê Công Vinh (cựu cầu thủ bóng đá), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Thị Việt Hà, Nguyễn Đình Kim đến tòa với tư cách là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.

Cáo trạng vụ án nêu, lợi dụng sức ảnh hưởng cá nhân, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục tổ chức các buổi ‘livestream’ để nói về nhiều nội dung chưa được kiểm chứng và phát ngôn về chuyện bí mật đời tư, cuộc sống riêng của nhiều cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các cá nhân.

Có ý kiến, người dân muốn phát ngôn gì thì phát ngôn, không bị cấm vì đó la quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện chính kiến. Thế nhưng khi họ bị kiện về hành vi phỉ báng, xúc phạm người khác sẽ chịu mức bồi thường dân sự không phải ít. Đơn cử, vừa rồi, một tòa án ở Mỹ đã phán quyết cho danh thủ C.Ronaldo thắng kiện người tố cáo anh hiếp dâm do không có căn cứ phải bồi thường hơn 300.000 USD.

Lâu nay điều luật hình sự số 331 được xếp vào nhóm “các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính”, Chương XXII của Bộ luật hình sự 2015. Do là “quản lý hành chính” nên người ta không thấy cụ thể một cá nhân nào phải ra tòa với tư cách “bị hại”.

Thế nhưng với trường hợp như bà Nguyễn Phương Hằng, những “bị hại” rất cụ thể danh tánh, nên xếp bà vào tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, xét về câu từ điều chỉnh luật thì ‘lọt tai’, nhưng việc xét xử lại cho thấy từ vai trò “bị hại” chuyển sang “người có quyền và nghĩa vụ liên quan” là không thuyết phục.

Vấn đề đặt ra mang tính… giả tưởng: vì sao trong các vụ án cáo buộc theo điều luật của tội chính trị như 117, 331, người ta không thấy vị đại diện nào ở cấp lãnh đạo Đảng hầu tòa với tư cách đại diện tổ chức “bị hại”? Hơn nữa, ở đây theo cáo buộc trong các vụ án theo điều luật số 331, thường đưa ra mẫu câu chung chung: “Bị cáo đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết, đăng tải nhiều bài viết và video livestream có nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, chính quyền tại địa phương”…


No comments:

Post a Comment