Friday, July 28, 2023

VNTB – Muồi Mẫn hay Mùi Mẫn
Đỗ Văn Phúc
28.07.2023 6:38
VNThoibao




(VNTB) – “Muồi mẫn” là từ dùng có ý nhấn mạnh để chỉ trạng thái cao, điêu luyện của một quá trình.

 Nhờ các trang Facebook mà những người cùng sở thích, sở nguyện có thể chia sẻ và học hỏi thêm rất nhiều. Một năm trước, cũng nhờ một thành viên FB mà chúng tôi học được chữ đúng là “DỪNG” thay vì chữ sai “Rừng” trong thành ngữ “Tai Vách, Mạch DỪNG” và “Rút Dây Động DỪNG.” Rồi cũng nhờ một thành viên trang FB Bảo Tồn Tiếng Việt Trong Sáng đưa lên bài viết ngắn của tác giả Mích Long mà chúng tôi khám phá chữ “Muồi mẫn” thay cho chữ “Mùi mẫn” mà tôi tin rằng gần 100% chúng ta cứ tưởng là đúng.

Tác giả Mích Long đã dẫn ra bằng chứng trong vài cuốn tự điển xưa có giá trị và mức khả tín rất cao để chứng minh chữ Muồi là đúng. 

Chúng tôi tra cứu trong cuốn Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của cụ Huình Tịnh Của – là một trong các tự điển xưa nhất của Việt Nam, ra đời năm 1895 cách nay 128 năm – Chỉ có chữ “Mùi” với các nghĩa về khứu giác (mùi hương, mùi thơm, mùi thúi, mùi ngon, mùi khét…) và “mùi” là “màu” sắc; không có chữ “Mùi” nào ghép chung thành hai chữ “MÙI mẫn” mà chỉ có chữ “Muồi” trong hai chữ “Muồi mẫn”. Ở cột thứ hai của trang 672, có giải nghĩa chữ “Muồi” (煤)là chín quá (nói về trái trăng) và cho bốn ví dụ “muồi mẫn”, “chín muồi“, “trái muồi” là trái chín quá, “khóc muồi” là khóc lu bù.

Chúng tôi xin trích nguyên đoạn văn của Mich Long về các bằng chứng ông đưa ra: 

Trích:

1. Việt Nam Tự Điển của ông Lê Văn Đức có ghi: “Muồi: khóc muồi-mẫn; họ đang muồi-mẫn với nhau.” 

2. Tự Điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín cũng không ghi nhận “mùi mẫn” mà chỉ có “muồi mẫn”. Huỳnh Công Tín còn giải thích tỉ mỉ hơn hẳn hai công trình kể trên, cụ thể như sau:

MUỒI:

–  (Trái cây) chín đã lâu, ở trạng thái mềm, thâm sắp chuyển sang thối rữa.

Ví dụ: Ba trái chuối để muồi thâm kim, ăn hết ngon.

–  Ở trạng thái cao về chất của một quá trình.

Ví dụ: Mới nói có mấy tiếng mà nó đã tủi thân khóc muồi rồi; Em nó buồn ngủ muồi rồi, gục lên gục xuống kia kìa.

–  (Ca, đàn) rất điêu luyện, điệu nghệ, êm dịu và truyền cảm.

Ví dụ: Giọng Phương Quang ca bài “Tình anh bán chiếu” cũng rất muồi, đâu thua gì giọng Út Trà Ôn.

–  Tình tứ, rất tình, say đắm quyến luyến bên nhau.

Ví dụ: Muồi ở đâu chớ bọn trẻ bây giờ chúng nó muồi ở giữa đàng giữa sá, trông nó kỳ khôi quá

Về từ ngữ “MUỒI MẪN“, Huỳnh Công Tín giải thích như sau:

Muồi mẫn” là từ dùng có ý nhấn mạnh để chỉ trạng thái cao, điêu luyện của một quá trình.

Ví dụ: “Giọng ca phải muồi mẫn theo nghĩa là lãng mạn, buông thả tự do nhưng giữ chắc nhịp”.

Ví dụ này là Huỳnh Công Tín dẫn theo sách của Sơn Nam. Điều này có nghĩa là nhà văn Sơn Nam cũng viết “muồi mẫn“.

Hết trích

Cũng theo Mich Long, chỉ thấy chữ “Mùi Mẫn” trong cuốn Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê là người trong chế độ Cộng Sản Việt Nam hiện nay. 

Trích (Mich Long): 

Vậy ta thử tìm hiểu xem “Từ điển tiếng Việt” của Hoàng Phê có xuất xứ từ đâu:

Từ điển tiếng Việt – còn được gọi là “Từ điển Hoàng Phê” – là một công trình khoa học do tập thể các nhà khoa học thuộc Viện Ngôn Ngữ Học – cơ quan nghiên cứu ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam biên soạn dưới sự chủ biên của Hoàng Phê. Công trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005.

Từ điển tiếng Việt xuất bản lần đầu năm 1988, được tái bản nhiều lần, thu thập và giải thích khoảng 36.000 từ ngữ thường dùng trong đời sống và thường gặp trên sách báo, các từ ngữ phương ngữ phổ biến, các thuật ngữ khoa học – kỹ thuật thông dụng. (trích từ trang quảng cáo “từ điển” của chxhcnvn).

Hết trích

Ngoài các định nghĩa “Mùi” như mùi hương… Hoàng Phê còn thêm chữ Mùi với nghĩa “Mùi Mẫn” như sau: 

Mùi (Tính từ) có nghĩa là hay, có sức lay động và cuốn hút lòng người. Ví dụ: Giọng hát của em ấy nghe thật mùi mẫn

Và cuối cùng ông ta khẳng định: “MUỒI MẪN” là một chữ sai, nó không có trong từ điển tiếng Việt. 

Xin tùy quí vị, có tin được trình độ, khả năng của các nhà “trí thức XHCN” hay không. Cũng nên nhắc lại, mới đây, người ta phát hiện hàng loạt chữ sai trong cuốn Tự Điển Chính Tả Tiếng Việt của một “Phó Giáo Sư Tiến Sĩ” Hà Quang Năng,với sự cộng tác của “Thạc Sĩ” Hà Thị Quế Hương do nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội ấn hành năm 2017. 

Trước khi kết thúc bài này, chúng tôi xin góp thêm một thí dụ về chữ “Muồi” trong lời ru con của các bà mẹ Quảng Trị:

Ru em, em théc cho muồi

Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu.

“Théc” là đặc ngữ miền Trung, có nghĩa là ngủ. Théc cho muồi, là ngủ say.

 

July 2023


 



No comments:

Post a Comment