Sunday, July 30, 2023

Lãnh đạo châu Phi khẳng định "có quyền kêu gọi hoà bình cho Ukraina"
Chi Phương
Đăng ngày: 29/07/2023 - 14:03
RFI

Trong cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 28/07/2023, tại Saint Peterburg, dù không trực tiếp chỉ trích Nga, lãnh đạo các nước châu Phi kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraina, đồng thời bày tỏ quan ngại về an ninh lương thực của châu lục, nhất là về việc gia hạn thoả thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraina trên biển Đen.


Phó tổng thống Nigeria Kashim Shettima bắt tay tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề cuộc họp thượng đỉnh Nga-Châu Phi, tại St-Peterburg, Nga, ngày 28/07/2023. AP - Mikhail Metzel

Tại ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng diễn ra thượng đỉnh Nga-châu Phi ở Saint-Petersburg, hôm qua, theo Reuters, chủ tịch Uỷ bản Liên Hiệp Châu Phi Moussa Faki Mahamat đã kêu gọi chấm dứt chiến tranh “và chiến tranh chỉ có thể chấm dứt nhờ vào công lý và lẽ phải”. Trong cuộc hội đàm với Vladimir Putin, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định "có quyền kêu gọi hòa bình” :  "Vì cuộc xung đột đang diễn ra cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chúng tôi.” 

Nhân đây, các lãnh đạo châu Phi cũng nhắc đến tác động từ chiến tranh, đặc biệt là giá lương thực tăng do Nga từ chối triển hạn thỏa thuận ngũ cốc cho phép Ukraina xuất khẩu từ cảng biển Đen (dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ).  

Đọc thêm : Nga « thắng » phương Tây trên mặt trận Sahel ở châu Phi

Về phần mình, vốn bị cô lập trên trường quốc tế từ khi xâm lược Ukraina, tổng thống Nga đã trình bày các tham vọng đối với quan hệ với các nước châu Phi. Tuy nhiên các nước tại châu lục này muốn Nga có hành động cụ thể, hơn là những tuyên bố “xuông”. Thông tín viên RFI, Anissa El Jabri, tường trình từ Matxcơva :  

Biểu tượng của các mối quan hệ mà Nga muốn gia tăng hơn nữa với châu Phi, Nga sẽ tăng cường hiện diện về mặt ngoại giao, cử thêm nhiều cán bộ ngoại giao, mở thêm nhiều sứ quán. Vladimir Putin cũng thông báo « sớm » tái lập hoạt động của các phái bộ ngoại giao Nga ở Burkina Faso và ở Cộng Hòa Guinea Xích Đạo. Giữa lúc cuộc xung đột với Ukraina vẫn đang tiếp diễn, tổng thống Putin cũng muốn cho thấy Nga vẫn có thể và sẽ mãi mãi duy trì thứ hạng của mình trong lĩnh vực quốc phòng.  

Ông khẳng định: “Để tăng cường năng lực phòng thủ của châu lục, chúng tôi phát triển quan hệ đối tác trong các lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự. Nga đã ký một thoả thuận hợp tác về kỹ thuật quân sự với hơn 40 quốc gia châu Phi. Đó là những nước mà chúng tôi đã cung cấp nhiều vũ khí và thiết bị. Nga đã chuyển giao miễn phí một số loại vũ khí cho các nước này để tăng cường an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.” 

Thế nhưng, chủ tịch Uỷ Ban Châu Phi Moussa Faki Mahamat thì nhấn mạnh đến một kỳ vọng cụ thể hơn. Ông nói : “Dĩ nhiên, vì tác động từ bối cảnh kinh tế, bị đánh dấu bởi đại dịch Covid-19 và có lẽ là từ sự thiếu kiên quyết trong việc lên chương trình hành động, những tiến bộ trong hợp tác giữa Nga và châu Phi còn hạn chế kể từ thượng đỉnh Sotchi năm 2019. Đặc biệt là việc tăng cường hợp tác về hoà bình, an ninh và cuộc chiến chống khủng bố, đòi hỏi các hành động hơn là các tuyên bố ý định”. 

Thượng đỉnh và danh sách các tham vọng, các hợp đồng được tiếp tục được đưa ra thảo luận cho đến tối thứ Sáu, nhưng trước đó, điện Kremlin, thông qua phát ngôn viên, đã khẳng định rằng thượng đỉnh tiếp theo giữa Nga và châu Phi đã được lên kế hoạch.” 

Theo AFP, vào cuối ngày hôm qua, Nga và đại diện các nước châu Phi đã đăng một tuyên bố chung, nhấn mạnh đến tăng cường hợp tác, về cung cấp lương thực, năng lượng cũng như các hỗ trợ phát triển giữa hai bên. Thượng đỉnh Nga-châu Phi sẽ được tổ chức 3 năm một lần.  

Nga cũng kêu gọi “tạo ra một trật tự thế giới đa cực, kiên quyết phản đối bất cứ hình thức đối đầu nào ở châu Phi”. Matxcơva cũng hứa hẹn hỗ trợ châu Phi đòi bồi thường thiệt hại kinh tế và nhân đạo do “chính sách thực dân mà phương Tây gây ra ở châu lục này”.  

No comments:

Post a Comment