VNTB – Tham nhũng chính trịHồng Dân
29.07.2023 5:02
VNThoibao
Việc Thường trực Ban bí thư ban hành một quyết định với yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời là người đứng đầu cấp ủy Đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu 13 ngành như nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương… cho thấy mối nhân quả ngày càng rõ nét của “tham nhũng kinh tế” và “tham nhũng chính trị” trong thể chế độc đảng cầm quyền.
Từ một số bê bối xảy ra ở thời gian dịch Covid như “chuyến bay giải cứu”, “kit-test Việt Á”, “mua sắm trang thiết bị y tế – vũ khí quốc phòng”…, cho thấy các hành vi tham nhũng chính trị phổ biến ở Việt Nam hiện nay là dùng quyền lực, lợi ích để kết nối sự ủng hộ trong nội bộ, kể cả mua chuộc và đe dọa, khống chế để giành quyền lãnh đạo, quản lý bộ máy của Đảng, Nhà nước; bố trí con, cháu, người thân, tay chân thân tín vào các chức vụ chủ chốt để tiếp nối tham nhũng, bảo vệ lợi ích của mình lâu dài; chấp nhận, giúp đỡ, bao che cho các hành vi chạy chức, chạy quyền để thu lợi; kết nối quan hệ, tác động, can thiệp, cấu kết thành hệ thống với các phần tử tham nhũng để chia phần lợi ích;…
Thuật ngữ “nhóm lợi ích” (interest group) được dùng khá phổ biến ở nước ngoài. Theo đó, nhóm lợi ích là các tổ chức của công dân, những người có chung mục tiêu và muốn gây ảnh hưởng đến các chính sách của nhà nước. Về tổ chức, nhóm lợi ích là các tổ chức chính thức, hoạt động một cách công khai. Về tính chất, hoạt động của các nhóm lợi ích là hợp pháp, được điều chỉnh bởi các quy định của nhà nước, như luật về hội, luật vận động hành lang,…
Ở Việt Nam, khái niệm “nhóm lợi ích”, hoặc phổ biến hơn là khái niệm “lợi ích nhóm” thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực.
“Nhóm lợi ích” (hay “lợi ích nhóm”) là một nhóm cá nhân, hoặc tổ chức tìm cách trục lợi, đem lại lợi ích cho nhóm mình thông qua việc thao túng quá trình hoạch định, hoặc thực thi chính sách của Nhà nước, bất chấp lợi ích của cộng đồng, xã hội.
Về tổ chức, các cá nhân trong các “nhóm lợi ích” thường liên kết với nhau một cách chính thức, hoặc không chính thức. Về tính chất, hoạt động của “nhóm lợi ích” có thể là công khai, nhưng phổ biến hơn là các giao dịch ngầm. Do đó, trên thực tế, các hoạt động của họ ít bị kiểm soát, và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tham nhũng.
Tham nhũng chính trị hình thành các nhóm lợi ích, phát triển thành các tập đoàn lợi ích thao túng quyền lực cả về lập pháp, hành pháp, tư pháp và truyền thông, báo chí. Từ đó, các tập đoàn lợi ích cấu kết để nắm quyền lợi về kinh tế và chính trị, thâu tóm quyền lực để tự do tham nhũng, tiêu cực.
Vì không có sự cạnh tranh giữa các đảng phái ở ghế quyền lực Quốc hội nên các thế lực tham nhũng dễ dàng kết nối trở thành thế lực lớn mạnh, thao túng nền chính trị đất nước.
Trong lĩnh vực lập pháp, các đối tượng tham nhũng chính trị sẽ tác động vào công tác xây dựng và ban hành pháp luật, thể chế, chính sách theo hướng có lợi cho họ; cao hơn có thể tác động vào công tác nhân sự và đại biểu Quốc hội, vận động hành lang để Quốc hội biểu quyết thông qua những dự án lớn theo tính toán của họ.
Dần dần, Quốc hội sẽ bị thao túng, thậm chí khống chế bởi các tập đoàn tham nhũng. Trong lĩnh vực hành pháp, các đối tượng tham nhũng chính trị sẽ trực tiếp can thiệp vào từng hoạt động quản lý nhà nước, từ xây dựng, ban hành chính sách đến thực hiện dự án, quản lý đất đai… để tham nhũng, giành lấy lợi ích.
Tham nhũng chính trị trong hành pháp cũng biểu hiện rõ ở việc thao túng công tác cán bộ, đưa người thân, người cùng nhóm lợi ích vào bộ máy nhà nước ở các cấp. Lực lượng này lợi dụng vị trí, quyền hạn để trục lợi, kể cả bất chấp quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trực tiếp tham nhũng vật chất, “mua quan, bán tước”, xây dựng lực lượng để thực hiện mưu đồ chính trị mà Đảng hay dùng cụm từ “tự diễn biến – tự chuyển hóa”…
Trong lĩnh vực tư pháp, các đối tượng tham nhũng chính trị sẽ dùng các lợi ích vật chất để thao túng các hoạt động tư pháp, từ khâu phát hiện tội phạm đến điều tra, tố tụng, xét xử, thi hành án…
No comments:
Post a Comment