VNTB – Tuyển sinh đại học cần thay đổi từ chính sách vĩ môMai Lan
29.07.2023 4:52
VNThoibao
Sử dụng quá nhiều tổ hợp để xét tuyển cho một ngành, nhưng lại áp dụng một mức điểm chuẩn chung cho tất cả tổ hợp.
Điều này dẫn đến thực trạng nếu chất lượng đề thi các môn khác nhau thì sẽ ảnh hưởng tới sự công bằng với thí sinh khi dùng các tổ hợp khác nhau, tức thang đo khác nhau để cạnh tranh với nhau.
Mọi chuyện bắt đầu từ ‘sáng kiến’ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
“Bản thân những giáo viên tư vấn tuyển sinh và ôn luyện cho lớp 12 như chúng tôi cũng cảm thấy rối khi có quá nhiều phương thức tuyển sinh. Mỗi trường tuyển theo một cách khác, thậm chí 1 ngành cũng có nhiều phương thức tuyển khác nhau. Việc này sẽ ảnh hưởng đến quá trình ôn thi của học sinh, làm thay đổi chiến lược học của các em.
Tôi cho rằng thêm phương thức tuyển sinh để thêm cơ hội cho thí sinh, nhưng chỉ nên bổ sung thêm 1 vài hình thức, bên cạnh đó vẫn phải giữa các phương thức tuyển sinh truyền thống. Quá trình thay đổi này cũng cần diễn ra có lộ trình, nếu thay đổi quá nhanh sẽ gây rối loạn rất lớn cho học sinh, các em không biết sẽ phải chọn phương thức nào” – thầy giáo T.T.S., nhận xét như vậy trong một trò chuyện với người viết về mùa tuyển sinh đại học hiện tại.
Bàn luận rộng hơn, ông thầy giáo hưu trí T.T.S. cho rằng việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển trong một ngành, phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành chưa hợp lý có thể dẫn đến những hệ quả không tốt trong dư luận xã hội.
Mọi chuyện rối rắm bắt đầu từ năm 2015 khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Phạm Vũ Luận chấp nhận phương án chính thức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng tại Quyết định 3538/QĐ-BGDĐT ngày 09-09-2014. Theo đó, từ năm 2015 chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia duy nhất. Kết quả kỳ thi này được dùng để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Thí sinh phải thi 4 môn (4 môn tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh được dự thi thêm các môn tự chon khác để có thêm cơ hội xét tuyển đại học, cao đẳng. Sau khi tham gia kỳ thi quốc gia, thí sinh căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh và kết quả thi của mình để đăng ký tuyển sinh vào các trường phù hợp.
Kỳ thi “hai trong một” ở năm đầu tiên đó, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa bốn nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ một đến bốn, đáng chú ý là, trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1 thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng, rút hồ sơ nộp sang trường khác.
Áp lực thi cử không những không được giảm bớt mà còn có phần gia tăng, kéo dài hơn! Việc chọn trường, chọn ngành theo năng lực, sở trường dường như cũng không còn ý nghĩa khi việc nộp, rút hồ sơ liên tục biến động và thường không theo ý muốn chủ quan của bản thân học sinh.
Theo quy định, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến, tuy nhiên, khi đã đăng ký rồi thí sinh vẫn phải in hồ sơ ra phiếu nộp về trường qua đường bưu điện, lo sợ bị thất lạc, nhiều bậc phụ huynh đã phải chọn giải pháp cùng con lên tận trường nộp trực tiếp. Đối với các gia đình có thí sinh dự thi ở vùng sâu, vùng xa, quá trình này thực sự vất vả rất nhiều khi điều kiện cập nhật thông tin về dữ liệu điểm và tư vấn tuyển sinh của họ không được tốt…
Thay lời kết
Ở mùa tuyển sinh hiện tại vẫn là “hai trong một”, và còn thêm rối rắm – theo Trưởng phòng Đào tạo trường đại học Giao thông vận tải, nguồn tuyển khối A ngày càng ít kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo gộp 2 kỳ thi trong một. Trước đây, các trường kỹ thuật, công nghệ buộc vẫn chỉ tuyển sinh khối A, A1 nhưng từ khi có kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, sau này là thi tốt nghiệp trung học phổ thông, số thí sinh thi khối A ngày càng giảm.
Để mở rộng nguồn tuyển, các trường phải tuyển thêm thí sinh mã ngành D01. Điều này khiến các trường vô tình lấy đá ghè chân mình, vì sẽ khiến thí sinh chọn tổ hợp khoa học tự nhiên để dự thi sẽ trở nên càng ít đi…
Một khi các trường vẫn phải dựa vào kỳ thi với mục đích chính là xét tốt nghiệp trung học phổ thôngh thì vẫn phải chấp nhận sự rủi ro khi chất lượng đề thi hằng năm thay đổi. Với năm nay, các thí sinh khối A chịu bất công, nhưng nếu sang năm Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề tiếng Anh, đề văn khó hơn thì mọi chuyện sẽ đảo ngược…
Việc tích hợp 2 kỳ thi trong 1 mà với 2 mục đích hoàn toàn khác nhau sẽ xảy ra nhiều hệ luỵ khó lường. Kỳ thi thi tốt nghiệp trung học phổ thông để đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp. Đây là đánh giá quá trình 3 năm các em học trung học phổ thông và trong khối lượng kiến thức lớn, nhiều môn, và chỉ trong mấy môn thi tốt nghiệp thì không đủ để đánh giá cả quá trình học của các em.
Hướng tới tự chủ đại học, nên để các trường đại học chủ động trong tuyển sinh. Bởi về bản chất, kỳ thi không nhằm so sánh năng lực hay kiến thức của các thí sinh với nhau, mà chỉ đánh giá thí sinh có đạt hay không đạt một ngưỡng chuẩn.
Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh đại học với mục đích đánh giá sự khác biệt về năng lực, kiến thức của thí sinh để tuyển chọn sinh viên đầu vào các trường đại học. Do tính chất và mục đích của 2 kỳ thi rất khác nhau, không nên ghép hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học vào làm một bài thi.
No comments:
Post a Comment