Sunday, July 30, 2023

Lâm Đồng: Các bên nói gì về câu chuyện 'phản đối dự án hồ Ta Hoét'
30.07.2023
BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,SUPPLIED
Một số người dân ở thôn K'Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng gương biểu ngữ trong một lần phản đối muốn giữ đất cho sản xuất


Một số người dân thuộc sắ́c tộc K'Hor ở tỉnh Lâm Đồng vẫn phản đối dự án mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã cho công ty Hàn Việt thuê từ 2007.

Họ gửi đơn lên các cấp chính quyền, giương cao khẩu hiệu đòi hủy bỏ dự án hồ Ta Hoét.

Các nhân chứng ở địa phương nói với BBC là đã xảy ra đụng độ giữa cảnh sát cơ động và người dân vào tháng Hai ngay tại lễ khởi công dự án.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin người dân tộc tại thôn "bị các thế lực phản động kích động" và cho biết dự án sẽ cung cấp nước tưới cho đất nông nghiệp và nước sinh hoạt.

Trang Công an Nhân dân hồi tháng 2 năm nay có bài nói:

"Hoàn toàn không có chuyện “người dân tộc K’Ho ở thôn Krèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bị chính quyền cướp đất” hay “chính quyền cướp đất giao cho công ty…” như những thông tin mà tổ chức khủng bố, phản động “Việt Tân”, “Người Thượng Vì Công Lý”… đã đăng tải trong thời gian qua để lôi kéo, kích động người dân."


Theo BBC News Tiếng Việt tìm hiểu vì vấn đề này đã âm ỉ từ lâu nay nhưng việc giải quyết bị một số người dân cho là chưa thỏa đáng.

Một người dân thôn K'Rèn nói về vụ tranh chấp đất đai với BBC News Tiếng Việt trong điều kiện ẩn danh.

"Người dân muốn được bồi thường, định canh một cách xứng đáng, như họ đang canh tác. Đa số bà con chủ yếu làm nông nghiệp, mưu sinh nhờ đất đai như trồng lúa, rau quả, hoa màu... nên có người không muốn bán đất để làm hồ Ta Hoét. Theo tôi thấy thì chưa tới 10% người dân, trong tổng số gần 400 hộ dân đồng thuận để chính quyền lấy đất."

"Về chính quyền xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cứ tìm mọi cách để dân ký vào giấy để họ lấy đất giao cho doanh nghiệp. Họ cứ đi từng nhà để kêu người dân ký vào. Khi người lớn đi vắng thì họ thậm chí đưa cho con nít ký, nhưng trẻ con trong làng cũng cảnh giác, nếu người lạ đưa giấy tờ thì không nhận. Người dân thì đâu có chịu ký, họ chưa chịu lấy tiền bồi thường."

"Có những nơi họ được bồi thường từ 20 đến 200 triệu cho một sào, số tiền này chẳng thấm vào đâu. Ông chủ tịch xã thì nói đất xấu, gần nước, đâu làm được cái gì nữa, ông ấy đưa ra nhiều lý do để thuyết phục người dân."

"Chính quyền địa phương nói làm hồ Ta Hoét có lợi cho người dân để tưới nước, đây là lý do không phù hợp. Nhưng đó là lý do của họ, nhưng người dân ở Liên Nghĩa, Đức Trọng đâu có thiếu nước. Chính quyền ở đó thì cũng bị lấy đất để chính quyền làm hồ. Dân ở đó thì không phản đối quyết liệt như ở làng K'Rèn nên kết cục là họ bị mất đất."

"Từ làng K'Rèn di chuyển lên thành phố Đà Lạt rất thuận lợi. Theo người dân biết và tìm hiểu thì công ty và chính quyền muốn ở bên trong là hồ thủy lợi, còn xung quanh thì công ty khai thác có thể xây sân golf, khách sạn, vì chỗ này rất đẹp. Hồ chứa nước không phải là mục đích chính mà họ đề ra."

"Mâu thuẫn này đã có tận từ năm 2010, nhưng khi đó trưởng thôn làng K'Rèn thì rất gắt gao về đất đai. Công ty Hàn Quốc này vào năm 2010 đã đi mua hai, ba ngọn núi, nhưng chỉ mới ủi, nói để làm sân golf. Từ năm 2010 đến 2017, 2018, ông trưởng thôn mới lên thì tôi không rõ giữa ông ấy và chính quyền có gì với nhau hay không, nhưng ông trưởng thôn đã gợi ý dân bán đất đi, nhưng người dân không chịu. Và chỉ có ông trưởng thôn đó bán đất cho chính quyền thôi."

"Mới đây người dân tranh chấp quyết liệt hơn. Dân chưa đồng ý mà họ đã cho xe ủi, xe ben đến ruộng của người dân. Công ty này cũng đã san phẳng hai ngọn núi, chặt phá cây trên rừng. Người dân thấy vậy bức xúc quá mới tranh đấu, nhưng trong ôn hòa, không dùng vũ lực. Trong ngày lễ khởi công dự án, người dân đã chặn đường của công ty. Một chú, từng là trưởng thôn, đứng đầu đoàn người dân khiếu kiện, đã qua đời hồi tháng Tư, bệnh viện ở Sài Gòn nói bị ngộ độc."



NGUỒN HÌNH ẢNH,SUPPLIED
Người dân cấm biển yêu cầu hủy bỏ dự án

Còn giới luật sư thì nói gì?

Luật sư Trần Đình Dũng, người bảo vệ quyền lợi cho người dân trong vụ tranh chấp đất đai nói với BBC News Tiếng Việt:

"Dự án hồ chứa nước Ta Hoét thu hồi 27 ha ruộng lúa nước và gần 200 ha đất rau màu. Phần thu hồi chính là thung lũng bằng phẳng mà người K’Hor ở làng K'Rèn mưu sinh bằng trồng trọt lúa và rau màu. Làng K'Rèn có lịch sử hình thành khoảng 500 năm, đất này nhiều thế hệ đời người K’Hor mưu sinh."

"Hiện tại đơn từ của người dân nơi đây khiếu nại có nội dung yêu cầu địa phương bố trí đất tương tự để tái định canh nhưng chưa được giải quyết. Đổi đất tái định canh là một chính sách pháp luật Chính phủ Việt Nam thực hiện nhằm bảo đảm cuộc sống cho người dân ở các vùng nông thôn, trong đó ưu tiên đối với các sắc tộc ít người để họ tồn tại và phát triển", ông cho biết.

Trong đơn kiến nghị của người dân hủy bỏ dự án hồ thủy lợi Ta Hoét ngày 18/04/2023 gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính mà BBC News Tiếng Việt xem được có câu hỏi: "Hồ chứa nước Ta Hoét hay Giao đất làm mặt bằng hồ nước cho tư nhân kinh doanh du lịch?"

Cụ thể có phần nội dung mang tính chất vấn từ người dân đối với chính quyền như sau:

"Hồ chứa nước Ta Hoét tưới nước cho ruộng đồng nào, dự án nêu ra là phục vụ nước sinh hoạt? Nhưng phục vụ nước sinh hoạt đâu cần phải lập nên một hồ nước mấy trăm hecta, về mặt kỹ thuật chỉ cần ống nước từ hồ nhỏ xây dưới suối chuyển thẳng vào bể chứa nhà máy nước."

"Hồ chứa nước Ta Hoét mà một số cán bộ tỉnh Lâm Đồng đề xuất lên Chính phủ cho xây dựng là nằm trong chuỗi cảnh quan du lịch của công ty tư nhân hiện nay đã có hai sân golf kế bên hồ. Nếu hồ Ta Hoét hình thành, rõ ràng mục tiêu kinh doanh rất hiệu quả cho công ty tư nhân đang sở hữu sân golf liền kề. Điều này, ở địa phương huyện Đức Trọng ai ai cũng đều biết nhưng văn bản xin dự án hồ Ta Hoét lại nhằm “Tưới nước và Phục vụ nước sinh hoạt."

NGUỒN HÌNH ẢNH,SUPPLIED
Đơn kiến nghị của người dân đòi hủy bỏ dự án hồ thủy lợi Ta Hoét ngày 18/04/2023 gửi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính

Chính quyền nói gì?

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Lâm Đồng khẳng định đã đặt lợi ích người dân lên cao nhất.

"Vì lợi ích thiết thực của người dân, việc xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét sẽ góp phần giải quyết tình trạng ngập lụt gây thiệt hại về hoa màu và tài sản của bà con; cấp nước tưới cho khoảng 2.580 ha đất canh tác của huyện Đức Trọng, nước tưới bổ sung cho 500 ha thuộc khu vực hồ Tuyền Lâm; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 65.000 người dân địa phương; góp phần cải tạo môi trường, phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, nuôi trồng thủy sản và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại xã Hiệp An nói riêng, huyện Đức Trọng nói chung; đáp ứng sự kỳ vọng của đông đảo quần chúng Nhân dân...", theo báo Lâm Đồng.

Ông Trần Trọng Tuyên, Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Đức Trọng, Lâm Động nói trong phóng sự của Truyền hình công an nhân dân (ANTV) vào tháng Năm.

"Đây là một dự án hoàn toàn phục vụ cho vấn đề về cộng đồng, phục vụ xã hội, không có vấn đề nào mang tính của doanh nghiệp, nhóm cá nhân hoặc lợi ích nhóm nào cho việc này."

Về giá đất đền bù, lãnh đạo huyện Đức Trọng khẳng định, giá đất đền bù đất cho người dân là hợp lý, từ 290 triệu đồng đến 471 triệu đồng/một sào, theo báo Lâm Đồng.

Bài viết cũng có nội dung, "Lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo; đặc biệt, sự nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số, các thế lực phản động “tranh thủ” triệt để thực hiện âm mưu chống phá Đảng và chính quyền, Nhà nước Việt Nam là điều không còn xa lạ!"

Ngày 07/07, UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt chuyển nhượng tài sản Dự án Sân golf, khu nghỉ dưỡng Đà Lạt giữa công ty Hàn Việt và công ty địa ốc Đà Lạt Fairy.

Luật sư Trần Đình Dũng cho biết thêm đây là một dự án lân cận với hồ cấp nước Ta Hoét, và việc chấm dứt chuyển nhượng này không đồng nghĩa hủy dự án hồ nước Ta Hoét, hay dự án sân golf...

Tranh chấp hay xảy ra vì lý do gì?

Đây không phải là lần đầu tiên có tranh chấp đất đai ở Việt Nam.

Trên thực tế, ở VN, quốc gia một phần đông dân số sống bằng nghề nông mà vấn đề sở hữu đất đai không được quy định rõ ràng, nhiều năm qua đã xảy xung đột quanh chủ đề đất đai.

Việc phân bổ đất đai mang tính hành chính vì đật thuộc quyền định đoạt của nhà nước - khái niệm 'sở hữu toàn dân bị chỉ trích là mơ hồ- nhưng giá trị đất lại do thị trường đánh giá, với quỹ đất là tài sản có giới hạn, khiến các vấn đề nảy sinh gần như luôn đi vào bế tắc.

Tính từ vụ biểu tình lớn vì đất đai tại Thái Bình vào năm 1997, bạo loạn Tây nguyên vào năm 2004, cưỡng chế đất tại Văn Giang (Hưng Yên) vào năm 2012, tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào năm 2017...chính quyền thường xác định chủ trương chính sách luôn đúng nhưng việc thực hiện ở cấp địa phương có điều bất cập.

Kịch bản này cũng luôn quy kết mọi cuộc đấu tranh vì đất cho hoạt động "chống phá" và đem người tham gia ra xử lý hình sự.



Tin liên quan





No comments:

Post a Comment