VNTB – Buôn người ở vùng biên giới Tây Bắc Việt NamThạch Hãn
31.07.2023 3:58
VNThoibao
(VNTB) – Những thiếu nữ sắc tộc ở Tây Bắc Việt Nam bị dụ dỗ sang Trung Quốc để… hưởng cuộc sống nhàn hạ.
Tại Ngôi nhà nhân ái thuộc Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai – nơi tiếp nhận và giúp đỡ những nạn nhân bị mua bán trở về, một người đang sống ở đây nhớ lại và kể: Tẩn Tả Mẩy có mẹ đẻ là Tẩn San Mẩy (sinh năm 1974 trú tại xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu – đã bỏ sang Trung Quốc lấy chồng từ năm 2012); Tẩn San Mẩy có về Việt Nam và bàn bạc với Tẩn Tả Mẩy rằng cứ tìm được 1 người con gái bán sang Trung Quốc thì sẽ được trả 5 triệu đồng.
Sau tết Nguyên Đán, Tẩn Tả Mẩy có tìm được 5 người con gái. Tẩn Tả Mẩy rủ rê họ sang Trung Quốc làm con nuôi cho mẹ Tẩn Tả Mẩy 2 năm, rồi sau đó mẹ Tẩn Tả Mẩy sẽ tìm đàn ông Trung Quốc lấy làm chồng để sống cuộc sống sung sướng, nhàn hạ và 5 người con gái đã đều đồng ý.
Tẩn Tả Mẩy có dặn rằng khi đi nếu có người hỏi thì nói là đi ăn cưới và không được cầm theo quần áo, sang bên kia sẽ được đưa đi mua sắm quần áo mới.
Khi Tẩn Tả Mẩy đang trong quá trình đưa 5 cô gái xuống khu vực bờ sông thuộc tổ 9 Phường Lào Cai, thành phố Lào Cai để đưa sang Trung Quốc thì bị bắt giữ.
“Sau hai năm chịu tác động của Covid-19, các nước mở cửa trở lại, nhu cầu tìm việc làm tăng cao, các băng nhóm tội phạm mua bán người sẽ lợi dụng điều này đưa dẫn nạn nhân qua biên giới”: những cảnh báo này đang được liên tục nhắc nhở từ các cơ quan chức năng ở vùng Tây Bắc Việt Nam.
Tỉnh Lào Cai có 203 km đường biên giới, với 60 km biên giới đất liền, địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi suối sâu, vực cao, dân cư thưa thớt. Ngoài cửa khẩu quốc tế Lào Cai, còn có cửa khẩu quốc gia Sín Tẻn (Mường Khương) và bốn lối mở truyền thống, cùng nhiều điểm đất liền có thể qua lại biên giới dễ dàng, rừng núi hoang vu, rất khó kiểm soát.
Lào Cai là địa bàn trung chuyển từ Hà Nội, Phú Thọ lên và các tỉnh phía tây khu vực Tây Bắc như Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu sang, thông qua tuyến quốc lộ 279 và 4D. Tỉnh có hàng chục xã vùng sâu, vùng xa nằm giáp biên giới, đời sống đồng bào các dân tộc còn khó khăn, trình độ dân trí hạn chế.
Theo thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, phần lớn phụ nữ bị bán thẳng vào khu vực hoạt động mại dâm ở ngay sát biên giới, phía lãnh thổ Trung Quốc.
Với giá bình quân mỗi cô gái tuổi 16-17 được đưa từ Việt Nam sang là 4.000 đến 5.000 nhân dân tệ, tương đương 10 – 13 triệu đồng Việt Nam, hoặc từ 7.000 đến 10 ngàn nhân dân tệ nếu có chút nhan sắc, đặc biệt nếu đem sâu vào nội địa Trung Quốc sẽ được giá bán cao hơn.
Nếu phân theo các vùng thì tội phạm mua bán người xảy ra chủ yếu ở các vùng Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, và Bắc Trung Bộ. Chẳng hạn trong vòng 9 năm qua, khu vực Tây Bắc Bộ xảy ra hơn 500 vụ mua bán người, chiếm trên 35% số vụ án được khởi tố trên toàn quốc. Khu vực Đông Bắc Bộ chiếm gần 20% số vụ và khu vực Bắc Trung Bộ chiếm trên 10%.
Vẫn theo nhìn nhận của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, thời gian gần đây, phát hiện một số phụ nữ dân tộc Mông ở Điện Biên sang Trung Quốc lấy chồng trở về móc nối với một số đối tượng là người dân tộc Mông ở Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa. Lợi dụng quan hệ thân tộc vượt biên sang Hủa Phăn, Phong Sa Lỳ… (Lào) để lừa phụ nữ Mông (Lào) đưa sang Trung Quốc bán vào các động mại dâm hoặc hôn nhân trái phép.
Trung bình mỗi năm, các lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm vụ mua bán người với hàng trăm nạn nhân. Trong đó, số vụ án mua bán người ra nước ngoài chiếm khoảng 80%.
“Chính phủ không công bố bất cứ vụ điều tra, truy tố, kết án nào đối với các cán bộ nhà nước đồng lõa trong các vụ buôn người. Các quan chức chính phủ thừa nhận rằng yếu kém về thu thập và quản lý dữ liệu, giám sát các cơ sở kinh doanh tiếp tay cho hoạt động mại dâm, thu thập chứng cứ trong các vụ án buôn người xuyên quốc gia, và giám sát các vụ án buôn người và các xu hướng đang phát triển đã cản trở các nỗ lực của chính phủ trong việc chống nạn buôn người.
Tuy nhiên, chính phủ tiếp tục cung cấp các khóa đào tạo về chống buôn người – đôi khi với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ nước ngoài – cho các cán bộ nhà nước, bao gồm các cán bộ thực thi pháp luật, các lực lượng bảo vệ biên giới, kiểm sát viên, thẩm phán và các nhân viên công tác xã hội ở cấp huyện, tỉnh và xã” – trích “Báo cáo tình hình buôn người năm 2021 ở Việt Nam” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment