Saturday, July 29, 2023

Mỹ sẽ giúp Úc xây dựng ngành công nghiệp chế tạo tên lửa
Trọng Nghĩa
Đăng ngày: 29/07/2023 - 14:27
RFI

Nhân đối thoại chiến lược thường niên Mỹ-Úc ở cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng - AUSMIN, kết thúc vào hôm nay 29/07/2023, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xác nhận là Washington sẽ hỗ trợ Canberra trong việc xây dựng ngành sản xuất tên lửa, một lĩnh vực còn non trẻ tại Úc.

Hệ thống tên lửa M142 (HIMARS) của Hoa Kỳ trong cuộc tập trận ở Philippines, ngày 13/10/2022. AP - Aaron Favila

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Brisbane, lãnh đạo Lầu Năm Góc Mỹ cho biết: "Chúng tôi (tức là phía Mỹ) đang theo đuổi một số sáng kiến hai bên cùng có lợi với ngành công nghiệp quốc phòng Úc, trong đó có một cam kết giúp Úc sản xuất các hệ thống tên lửa (dẫn đường) phóng loạt (GMLRS)… vào năm 2025”.

Bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles cũng xác nhận: “Chúng tôi hy vọng việc sản xuất tên lửa sẽ bắt đầu ở Úc trong vòng hai năm tới đây, trong khuôn khổ một cơ sở công nghiệp chung giữa hai nước chúng ta”.

Theo hãng tin Pháp AFP, ngành công nghiệp tên lửa nội địa của Úc còn sơ khai, và với sự giúp đỡ của Mỹ, Úc có thể bảo đảm một nguồn cung ứng vũ khí đạn dược đáng tin cậy cho các lực lượng vũ trang của chính họ trong tương lai.

Úc hiện đang hiện đại hóa quân đội, hướng tới khả năng tấn công tầm xa để ngăn chặn những kẻ thù tiềm tàng như Trung Quốc. Đối thoại chiến lược Mỹ-Úc kéo dài hai ngày lần này, tập trung vào hợp tác quân sự và an ninh khu vực, trong bối cảnh Washington và các đồng minh, cố gắng hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh : “điều quan trọng nhất” trong số các cuộc thảo luận cấp cao vào hôm nay giữa Mỹ và Úc là quyết tâm chung trong việc bảo vệ một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và an toàn.

Ngoại trưởng Blinken xác định: “Hai nước chúng ta đang bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nhân tố đã bảo đảm hòa bình và an ninh trong nhiều thập niên”. Đối với ông, Mỹ và Úc “đang làm điều đó, một phần bằng cách làm việc với Trung Quốc, nhưng cũng phản đối những nỗ lực của nước này nhằm phá hoại quyền tự do hàng hải ở các vùng biển phía nam và phía đông Trung Quốc, đảo ngược hiện trạng vốn đang gìn giữ hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, gây sức ép trên các nước thông qua cưỡng chế về mặt kinh tế.”

Cùng lúc với đối thoại chiến lược AUSMIN, quân đội Mỹ và Úc cũng tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre với 11 quốc gia khác. Tuy nhiên, cuộc tập trận đã bị đình lại sau khi một trực thăng quân sự của Úc rơi xuống biển khiến bốn người trên trực thăng bị mất tích.

No comments:

Post a Comment