Niger mất viện trợ khi các nước phương Tây lên án đảo chínhReuters
29/07/2023
VOA
Thiếu tá Amadou Abdramane đọc thông báo trên truyền hình (AFP chụp màn hình kênh ORTN - Télé Sahel, 28/7/2023).
Liên hiệp châu Âu vừa cắt nguồn trợ giúp tài chính cho Niger và Hoa Kỳ đe dọa sẽ làm điều tương tự sau khi các nhà lãnh đạo quân sự Niger tuyên bố trong tuần này rằng họ đã lật đổ vị tổng thống được bầu lên một cách dân chủ là Mohamed Bazoum.
Theo Ngân hàng Thế giới, Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhận gần 2 tỷ đô la viện trợ phát triển chính thức mỗi năm.
Nước này cũng là một đối tác an ninh quan trọng của các nước phương Tây như Pháp và Hoa Kỳ, họ sử dụng Niger như một căn cứ để họ ngăn chặn các phiến quân Hồi giáo ở khu vực Sahel thuộc Tây và Trung Phi. Từng được coi là quốc gia ổn định nhất trong số một vài nước láng giềng không ổn định, Niger là nước sản xuất uranium lớn thứ bảy thế giới.
Các đồng minh nước ngoài của Niger cho đến nay vẫn từ chối công nhận chính phủ quân sự mới do Tướng Abdourahamane Tiani lãnh đạo, ông này trước đây là viên chỉ huy lực lượng cảnh vệ của tổng thống, các sĩ quan quân đội đã tuyên bố ông là nguyên thủ quốc gia hôm thứ Sáu 28/7.
Vẫn chưa có tin về ông Bazoum kể từ sáng thứ Năm 27/7 khi ông bị khống chế và phải ở trong dinh tổng thống. Trong khi đó, Liên hiệp châu Âu, Pháp và các nước khác nói rằng họ vẫn chỉ công nhận ông là tổng thống hợp pháp.
Quan chức đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói: "Không chỉ ngừng hỗ trợ ngân sách ngay lập tức, mà tất cả các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực an ninh cũng đều bị đình chỉ vô thời hạn và có hiệu lực ngay lập tức".
Niger là đối tác chính của Liên hiệp châu Âu, góp phần kiềm chế dòng di dân bất hợp pháp từ vùng cận Sahara ở châu Phi. EU cũng có một số lượng nhỏ các binh sĩ ở Niger làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự.
EU đã phân bổ 503 triệu euro (554 triệu đô la) từ ngân sách của khối dành cho việc cải thiện quản trị, giáo dục và tăng trưởng bền vững ở Niger trong giai đoạn 2021-2024, theo trang web của khối.
Hoa Kỳ có hai căn cứ quân sự ở Niger với khoảng 1.100 binh sĩ, đồng thời cung cấp hàng trăm triệu đô la cho quốc gia này để hỗ trợ an ninh và phát triển.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói: “Sự hỗ trợ rất có ý nghĩa mà chúng tôi dành cho người dân ở Niger rõ ràng đang bị phá hoại”. Ông nói thêm rằng sự trợ giúp của Hoa Kỳ giờ đây tùy thuộc vào việc Niger có tiếp tục được quản trị bằng dân chủ hay không.
No comments:
Post a Comment